30/11/2022 15:35 GMT+7

Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Có 5 cách để thay thế

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Theo dự thảo, cơ quan hoặc cán bộ được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính hoặc cung cấp dịch vụ công không được yêu cầu công dân phải nộp, xuất trình giấy tờ để chứng minh thông tin về cư trú.

Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Có 5 cách để thay thế - Ảnh 1.

Từ năm 2023, sổ hộ khẩu giấy như thế này sẽ chỉ còn là kỷ niệm - Ảnh: MINH ANH

Bộ Công an vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc cung cấp dịch vụ công.

Theo Bộ Công an, việc yêu cầu người dân xuất trình các giấy tờ như sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc yêu cầu trong hồ sơ phải chứng thực các giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú trong khi thông tin cá nhân, thông tin nơi cư trú đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gây lãng phí, phiền hà cho người dân.

Vì vậy, việc ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công để phù hợp với quy định của Luật cư trú là cần thiết, phù hợp.

Theo dự thảo, cơ quan hoặc cán bộ được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính hoặc cung cấp dịch vụ công không được yêu cầu công dân phải nộp, xuất trình giấy tờ để chứng minh thông tin về cư trú.

Chỉ được phép yêu cầu công dân nộp, xuất trình giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú khi không khai thác được thông tin về cư trú hoặc thông tin đó chưa được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Dự thảo cũng quy định sửa đổi, bổ sung một số nội dung thuộc các nghị định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, quy định các chính sách về giáo dục, trợ giúp xã hội, hỗ trợ tạo việc làm, mua điện, nhà ở, thuế, đất đai, nhận con nuôi…

Theo đó, khi thực hiện thủ tục trong các lĩnh vực trên, người dân không cần xuất trình sổ hộ khẩu như trước đây, mà chỉ cần cung cấp một trong các giấy tờ chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ví dụ, khi thực hiện thủ tục liên quan đến hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, người nhận hỗ trợ không cần xuất trình sổ hộ khẩu hoặc văn bản xác nhận của công an cấp xã, mà chỉ cần giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Dự thảo cũng nêu rõ 5 cách thức để khai thác, sử dụng thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư:

Một là sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip như giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú; sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ căn cước công dân gắn chip; sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ căn cước công dân.

Hai là tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua cổng dịch công để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự.

Ba là sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và các giao dịch dân sự.

Bốn là sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Năm là sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nếu được thông qua và ban hành, nghị định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2023.

Bỏ sổ hộ khẩu, người dân giao dịch như thế nào? Bỏ sổ hộ khẩu, người dân giao dịch như thế nào?

TTO - Luật cư trú 2020 mới được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-7. Thời gian 'khai tử' sổ hộ khẩu giấy là điều người dân rất quan tâm. Các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, học hành... sẽ như thế nào?

DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên