13/09/2021 16:36 GMT+7

TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách thêm, dự kiến đến cuối tháng 9

TUYẾT MAI - ĐAN THUẦN
TUYẾT MAI - ĐAN THUẦN

TTO - Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP đã ghi nhận những tín hiệu đáng mừng, tích cực. Tuy nhiên để đảm bảo chống dịch bền vững hơn, hài hòa, an toàn và nhu cầu mở lại một số hoạt động, TP sẽ giãn cách xã hội thêm một thời gian.

TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách thêm, dự kiến đến cuối tháng 9 - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp báo chiều 13-9 - Ảnh: ĐAN THUẦN

Chiều 13-9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì họp báo cung cấp thông tin về kế hoạch giãn cách xã hội của TP.HCM sau 15-9.

Giãn cách thêm để đảm bảo chống dịch bền vững

Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thời gian qua TP nỗ lực phòng chống dịch, nhất là cao điểm từ 23-8 đến nay, TP nhận được sự quan tâm sâu sắc, được tạo điều kiện bởi trung ương, từng địa phương bạn, người dân của TP, người dân TP ở nước ngoài, được bà con nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ cao. 

Sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của hệ thống chính trị cơ sở cũng giúp cho các "pháo đài", nhà máy, xí nghiệp làm tốt hơn phòng chống dịch.

Sự đồng tình của nhân dân, sự đồng thuận của các doanh nghiệp trong việc giãn cách nghiêm túc đã đạt được kết quả nhất định, vùng đỏ thu hẹp, vùng xanh mở rộng hơn. Qua rà soát vẽ lại bộ bản đồ COVID-19, kết quả 53% tổ dân phố đã là vùng xanh, tỉ lệ ca dương tính giảm rõ rệt.

Cần Giờ, Củ Chi, quận 7 đạt được kết quả rất tích cực, là những địa phương đầu tiên của TP cơ bản kiểm soát được dịch. Các địa phương khác cũng đạt được kết quả tốt, đến 15-9 một số địa phương sẽ công bố kết quả tích cực...

"Chúng tôi ghi nhận các tín hiệu đáng mừng, tích cực nhưng cũng có một số tiêu chí chưa đạt được. Để đảm bảo tiêu chí chống dịch bền vững hơn, hài hòa an toàn phòng, chống dịch và nhu cầu mở lại một số hoạt động, TP quyết định thực hiện giãn cách xã hội thêm một thời gian nữa, dự kiến đến hết tháng 9. 

Một số địa bàn có kết quả kiểm soát dịch tốt như Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, quận 7, quận 5, quận 11… có thể áp dụng giãn cách theo tinh thần 16- hoặc 15+", ông Mãi thông tin.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 - Video: VIỄN SỰ

Về việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa giãn cách xã hội với việc phục hồi sản xuất kinh doanh, ông Phan Văn Mãi cho rằng với quan sát về diễn biến dịch đang diễn ra trên thế giới và ý kiến của nhiều chuyên gia thì dịch bệnh còn diễn biến kéo dài, và chúng ta phải xác định sống chung với dịch, dựa trên nguyên tắc an toàn, sản xuất kinh doanh có điều kiện.

Việc hài hòa giữa giãn cách xã hội và phục hồi sản xuất kinh doanh là quan hệ không thể tách rời, TP sẽ tiếp cận theo hướng an toàn. Dịch còn diễn biến, chúng ta phải chuẩn bị các điều kiện an toàn, ví dụ vắc xin, sự chống chịu của hệ thống y tế, sớm tiếp cận F0 và có biện pháp điều trị, ngăn ngừa chuyển biến nặng. 

Để thực hiện việc này, ngành y tế phải có hệ thống theo dõi, đo lường, được cập nhật thường xuyên, định kỳ. Việc nới lỏng hay siết chặt các biện pháp giãn cách phụ thuộc vào điều này.

Chủ tịch UBND TP cho biết sinh hoạt của người dân, các biện pháp kinh doanh sẽ dựa trên tiêu chí an toàn. Sau này sẽ có bộ tiêu chí an toàn: người an toàn, hoạt động an toàn, nơi an toàn... 

Một trong những thành phần tiêu chí an toàn mà TP đang nghiên cứu là thẻ xanh COVID-19. Ngoài ra, sẽ kết hợp với các quy định an toàn khác trong bộ tiêu chí an toàn để đánh giá an toàn hoạt động của người dân và sau đó sẽ có sự điều chỉnh. Khi có những chuyển biến tích cực thì sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ví dụ, khi tổ chức điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, TP có quy định khi chuyển hàng hóa không tiếp xúc với bộ phận bên trong, từng bộ phận có sự cách ly tương đối, hạn chế tối đa sự giao tiếp. Người tham gia, tổ chức cũng đảm bảo an toàn, nơi ở đến nơi làm việc cũng có tiêu chí đảm bảo an toàn.

"Chúng ta phải thay đổi hành vi của mình để phù hợp với điều kiện có dịch. Việc tuân thủ quy định an toàn trở thành ý thức tự giác", ông Mãi nhấn mạnh.

Sẽ có gói kích cầu phục hồi sản xuất, đảm bảo an sinh cho người dân

Về việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ông Mãi cho rằng việc hỗ trợ cho người lao động cũng là hỗ trợ cho doanh nghiệp. Về phục hồi sản xuất, hiện nay một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất nhưng vẫn hoạt động theo phương châm "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 địa điểm".

Về chính sách, TP đang tập hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để một phần đề xuất với trung ương như chính sách về thuế, phí, tín dụng, bảo hiểm... Còn đối với TP, TP sẽ có các gói kích cầu phục hồi sản xuất, hỗ trợ cho người lao động... 

Chính sách nào của TP thì TP sẽ sớm nghiên cứu và thực hiện sớm, còn chính sách của trung ương thì TP sẽ tập hợp để kiến nghị trung ương. TP xác định sức mạnh của doanh nghiệp là sức mạnh của TP.

Về vấn đề an sinh, theo ông Mãi, khi thực hiện giãn cách kéo dài thì an sinh cho người dân là rất quan trọng. Để "ai ở đâu thì ở yên đó", phải đảm bảo an sinh. "Không để ai thiếu ăn thiếu mặc, đây là mục tiêu, cũng là mệnh lệnh mà TP đang cố gắng thực hiện", ông Mãi nhấn mạnh.

Theo ông Mãi, khi thực hiện gói hỗ trợ thứ nhất đã phát sinh số lượng người dân khó khăn nhiều hơn thống kê, do đó TP thực hiện gói hỗ trợ thứ 2 và khi triển khai gói thứ 2 cũng phát sinh thêm. 

Ông Mãi đánh giá đây là điều tự nhiên do giãn cách kéo dài. Tuy nhiên cũng có nguyên nhân chủ quan là do các cấp chính quyền khi thống kê chưa đầy đủ và đây là khuyết điểm của TP. Để điều chỉnh việc này, bên cạnh cập nhật ngay danh sách những người cần hỗ trợ, TP đang tính toán cho gói hỗ trợ thứ 3.

"Trong quá trình lập danh sách không thể nào đầy đủ được nên TP đã tiến hành lập danh sách cho gói hỗ trợ thứ 3. Đối với đợt 1, đợt 2 TP đã cấp gần 6.500 tỉ, trong đó có kinh phí xã hội hóa 1.400 tỉ, còn lại là ngân sách. Dự kiến gói hỗ trợ thứ 3 lên gần chục ngàn tỉ, vượt rất nhiều khả năng ngân sách, nhưng đây là việc phải làm để đảm bảo cuộc sống cho bà con TP", ông Mãi cho biết.

Vừa qua TP cũng tổ chức cấp 14.100 tấn gạo đến các xã, phường, thị trấn và đã cấp 1,8 triệu túi an sinh cho người dân.

Ông Mãi thừa nhận: "Quá trình thực hiện các gói hỗ trợ, ngoài hạn chế chủ quan do chính quyền cơ sở thống kê chưa chính xác, trong quá trình tổ chức thực hiện còn chậm, sai đối tượng… chúng tôi đã kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm".

Thẻ xanh gắn với 5K, xét nghiệm

TP.HCM sẽ tiếp tục giãn cách thêm, dự kiến đến cuối tháng 9 - Ảnh 3.

Nhân viên y tế xét nghiệm diện rộng cho người dân thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Thông tin tại cuộc họp, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết hiện nay TP có số lượng ca mắc rất lớn, rất nhiều trường hợp chưa làm xét nghiệm. TP được Bộ Y tế cho thí điểm cách ly F0 tại nhà và bước đầu đạt được kết quả thiết thực. Cách ly F0 tại nhà không đơn thuần cho người F0 ở nhà, mà còn kèm theo điều kiện hỗ trợ thuốc điều trị, hỗ trợ y tế, nhất là các trạm y tế lưu động.

"Chúng tôi phát hiện một số trường hợp tự làm xét nghiệm, tự cách ly tại nhà mà chưa được cơ quan y tế xác nhận, không được đưa vào quản lý. Sắp tới chúng tôi sẽ nghiên cứu tham mưu cho UBND TP có chính sách hợp lý nhất. 

Có ý kiến cho rằng có thể xét nghiệm kháng thể. Tuy nhiên đây là trường hợp rất mới, chúng tôi sẽ trao đổi thêm với các chuyên gia đầu ngành về dịch tễ học", ông nói.

Về thẻ xanh COVID-19, ông Thượng cho rằng thẻ này không thay thế cho giải pháp hết sức quan trọng là 5K và xét nghiệm, người dân tránh hiểu lầm là có thẻ xanh thì không cần 5K và xét nghiệm. Vì có thẻ xanh chỉ bảo vệ cá nhân nhưng chúng ta có thể có virus trong người, có thể lây bệnh cho người khác, cho cộng đồng. Vì vậy thẻ xanh phải kết hợp với 5K, xét nghiệm.

Ông Lâm Đình Thắng, giám đốc Sở Thông tin - truyền thông, cho biết sinh hoạt của người dân trong thời gian sắp tới dựa trên những tiêu chí an toàn để kiểm soát và quản lý. Một trong những biện pháp để giám sát an toàn cho người dân sẽ dựa trên thẻ xanh COVID-19.

"Thẻ xanh này phát sinh trên một ứng dụng chứ không phải thẻ được cấp để đeo. Tiêu chí để phát sinh thẻ xanh này sẽ được quy định bởi Sở Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP, ví dụ như các tiêu chí liên quan đến các mũi tiêm vắc xin, các kết quả xét nghiệm…", ông Thắng giải thích.

Về việc hiện có quá nhiều ứng dụng gây phiền phức cho người dân, ông Thắng cho hay đây là một thực tế mà TP và trung ương đã nhận ra và có quan điểm thống nhất là sẽ gom chung lại một ứng dụng để tạo sự thuận lợi cho người dân và thuận tiện hơn trong công tác quản lý.

Ứng dụng dùng chung này sẽ tích hợp tất cả những dữ liệu tiêm vắc xin, kết quả xét nghiệm, cấp mã QR khai báo y tế và các phương tiện vận tải… 

TP.HCM đã chủ động có những giải pháp của mình và đã báo cáo cho trung ương để xin triển khai. Dự kiến đầu tuần này sẽ có quyết định áp dụng giải pháp nào. Khi TP chấp thuận giải pháp nào thì TP dự kiến sẽ áp dụng thí điểm ở 3 địa phương là Cần Giờ, Củ Chi và quận 7.

Người dân, doanh nghiệp đồng cảm, đồng hành với TP chống dịch

Ông Lê Hải Bình - phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - nêu một loạt dẫn chứng tình hình dịch bệnh ở các nước tiên tiến trên thế giới như ở Mỹ, Đức, Úc, Singapore... khi xuất hiện biến chủng Delta thì số ca mắc tăng vọt. Và ở các quốc gia này cũng đã có các biện pháp khẩn cấp "phanh gấp".

Ông Bình cho rằng quá trình mở cửa phải có lộ trình, có sự kiểm soát, đánh giá liên tục để điều chỉnh cho phù hợp. Người dân, doanh nghiệp phải chuẩn bị tâm thế xác định, đồng cảm, đồng hành với TP chống dịch.

Căn cứ vào các điều kiện nhất định, điều kiện quốc gia và thế giới, nếu tốt hơn thì sẽ nới, nếu có gì bất thường phải siết chặt lại. Đây là nhận thức chung trên toàn cầu, cũng là nhận thức Thủ tướng đã nêu.

"An toàn cho chính mình, an toàn cho gia đình mình, an toàn cho cộng đồng", sẽ kéo theo "đảm bảo sinh kế cho mình, đảm bảo sinh kế cho gia đình mình, và cho sự phát triển của TP", ông Bình nói.

Vì sao TP không đạt được tiêu chí bộ đưa ra?

Nói về tiêu chí mà TP chưa đạt được trước 15-9, ông Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết trong tiêu chí của Bộ Y tế có 1 tiêu chí rất khó, hiện nay TP chưa đạt được đó là số ca mắc phải giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và phải thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất.

Theo ông Thượng, hiện nay biểu đồ ca mắc đang đi theo đường ngang, không lên nhưng cũng không xuống, dao động trung bình số ca mắc mới mỗi ngày từ 5.000 đến 6.000 ca.

"Tuy nhiên, căn cứ vào những dữ liệu mà chúng tôi đang có thì dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng khả quan. Chúng ta đều biết hiện nay biến chủng Delta ngoài dự kiến của chúng ta, thậm chí biến chủng này né được một số kháng thể trong người.

Một số chuyên gia dịch tễ cho hay rất khó để làm sạch F0 trong cộng đồng. Chúng tôi sẽ nỗ lực tiếp tục các giải pháp Bộ Y tế đưa ra, đồng thời sẽ có kiến nghị với bộ để có những tiêu chí phù hợp", ông Thượng nói.

Sở Y tế TP.HCM đang tìm giải pháp ‘hợp tình, hợp lý, đúng luật’ vụ F0 Sở Y tế TP.HCM đang tìm giải pháp ‘hợp tình, hợp lý, đúng luật’ vụ F0 'ngoài vòng quản lý'

TTO - Nhiều F0 chưa được cơ quan y tế quản lý và cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh đang khá loay hoay tìm cách chứng minh mình là F0 đã khỏi bệnh. Sở Y tế TP khuyến cáo trong lúc tìm giải pháp hợp tình hợp lý, đúng luật..., người dân cần bình tĩnh.

TUYẾT MAI - ĐAN THUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên