Thiếu tá Nguyễn Thái Trị - trạm trưởng trạm y tế lưu động phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM - phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà sáng 9-9 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vấn đề này càng trở nên "nóng bỏng" khi TP.HCM đang xây dựng lộ trình tiến tới việc cấp "thẻ xanh COVID-19" cho người được tiêm đầy đủ vắc xin, đủ thời gian tạo kháng thể và người từng mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Những nhóm F0 "ngoài vòng quản lý"
Thực tế cho thấy có một số nhóm F0 "ngoài vòng quản lý" do:
- Tự xét nghiệm và cách ly y tế ở nhà, không báo địa phương để được cập nhật, theo dõi sức khỏe, cũng như xác nhận kết thúc cách ly.
- Cách ly y tế ở nhà có thông báo địa phương, tuy nhiên vì lý do nào đó, địa phương "bỏ quên" không cập nhật và giám sát kịp thời.
- Được đưa đi cách ly điều trị tại cơ sở tập trung hoặc bệnh viện dã chiến; được điều trị khỏi bệnh và cho xuất viện nhưng không có tên trong danh sách F0 trên ứng dụng sức khỏe của Bộ Y tế.
Đề phòng cấp giấy xác nhận sai đối tượng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 13-9, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định đây là vấn đề rất phức tạp và ngành y tế đang nỗ lực tìm các giải pháp "hợp tình, hợp lý, đúng luật", sớm xác nhận cho các trường hợp F0 chưa kịp ghi nhận ở thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh, hệ thống y tế quá tải.
"Sự phức tạp" này, theo bác sĩ Châu, bên cạnh việc cần phải nhanh chóng hỗ trợ các trường hợp F0 thật sự, không loại trừ có người giả F0 trà trộn. Vì vậy nếu không kiểm soát chặt, cấp giấy xác nhận không có cơ sở chứng minh sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng.
"Hiện nay UBND TP giao cho ban chỉ đạo phòng chống dịch phường, xã là nơi cấp giấy xác nhận F0 hết thời gian cách ly. Nếu người nào cũng khai từng là F0 và địa phương nào cũng cấp giấy xác nhận sẽ rất nguy hiểm.
Đặc biệt khi giấy xác nhận này có liên quan đến việc cấp thẻ xanh, do đó cần phải có giải pháp vừa hợp tình, vừa hợp lý, vừa đúng luật", bác sĩ Châu nhấn mạnh.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khuyến cáo người dân không tự ý đi xét nghiệm định lượng kháng thể trong lúc ngành y tế tìm giải pháp tháo gỡ khúc mắc này - Ảnh: ĐỨC HẠNH
Ông Châu cũng nhìn nhận trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, có tình huống người dân mắc COVID-19 kêu gọi y tế địa phương nhưng không được đáp ứng đành "tự xử". Nhưng ngược lại, cũng có các trường hợp mắc COVID-19 giấu bệnh, tự cách ly, không báo cho địa phương.
Và một trong số các phương án mà ngành y tế TP có tính đến, theo ông, là kết nối với các đơn vị y tế tự nguyện (tổ y tế lưu động, tổ COVID-19 cộng đồng, y tế tư nhân…) từng hỗ trợ chăm sóc các F0 này, có thể các trường hợp nêu trên sẽ có y tế xác nhận.
"Người dân đang nhìn ở khía cạnh có được thẻ xanh để được đi ra đường, mà quên mất thẻ xanh nhằm mục đích bảo vệ cho người đã mắc COVID-19 và khỏi bệnh thực sự. Việc cấp 'thẻ xanh' sai đối tượng (F0 giả) sẽ trực tiếp gây nguy hiểm cho chính người đó và cho cộng đồng trong bối cảnh điều kiện sinh hoạt còn tồn tại sự lây nhiễm COVID-19", bác sĩ Châu khuyến cáo.
Không nên tự ý xét nghiệm định lượng kháng thể
Nói thêm về hiện tượng nhiều F0 nóng lòng tự xét nghiệm định lượng kháng thể để "chứng minh mình từng có bệnh", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu khuyến cáo người dân không nên đổ xô xét nghiệm kẻo bị người khác lợi dụng, tốn kém tiền bạc.
Ngoài ra, theo ông Châu, việc này chưa có nước nào trên thế giới áp dụng và ở Việt Nam đến thời điểm này Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn.
"Trong lúc ngành y tế đang nghiên cứu phương án phù hợp, tôi khuyên người dân không nên tự ý đi xét nghiệm định lượng kháng thể. Tất cả vì sự an toàn chung của cộng đồng, do đó tôi mong được sự chia sẻ của mọi người để sớm có giải pháp phù hợp", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói.
Quy trình quản lý F0 ra sao?
Theo Sở Y tế TP, khi có kết quả xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR dương tính, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch TP Thủ Đức, quận, huyện, phường, xã… phải khẩn trương gửi ngay danh sách người F0 mới phát hiện về các trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động để triển khai ngay công tác chăm sóc người F0.
Đồng thời, tổ chức đến nhà lấy mẫu xét nghiệm nhanh khi nhận được thông tin của người dân báo có kết quả tự làm xét nghiệm dương tính.
Khi phát hiện 1 trường hợp F0 mới, địa phương có trách nhiệm xử lý 4 bước cơ bản:
Bước 1: Ghi lại đầy đủ thông tin về địa chỉ nhà, số điện thoại của người F0 và người thân trong gia đình.
Bước 2: Phát ngay túi thuốc điều trị COVID-19 (gói thuốc A, B), phổ biến và hướng dẫn cho người F0 biết, chấp nhận tham gia và ký vào "phiếu chấp thuận tham gia chương trình Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19", phát gói thuốc C.
Bước 3: Tầm soát đủ điều kiện để cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung.
Bước 4: Cung cấp các số điện thoại để người F0 biết và gọi khi cần trợ giúp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận