14/12/2023 10:55 GMT+7

Dịch COVID-19 được kiểm soát, TP.HCM sắp công bố hết dịch

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, TP.HCM đang hoàn tất thủ tục tiến tới công bố hết dịch COVID-19.

Người dân quận Gò Vấp (TP.HCM) xét nghiệm nhanh COVID-19 trong đêm hồi tháng 8-2021 - Ảnh: XUÂN MAI

Người dân quận Gò Vấp (TP.HCM) xét nghiệm nhanh COVID-19 trong đêm hồi tháng 8-2021 - Ảnh: XUÂN MAI

Với nhiều giải pháp đồng bộ, Sở Y tế khẳng định dịch COVID-19 tại TP.HCM hiện đã được kiểm soát và đang hoàn tất các thủ tục tiến tới công bố hết dịch. 

Nội dung này vừa được Sở Y tế trình UBND TP về việc ban hành kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn TP.HCM.

600.000 người mắc COVID-19, 19.000 người tử vong

Báo cáo của Sở Y tế cho biết tại TP.HCM trải qua 4 đợt bùng phát dịch, đã ghi nhận trên 600.000 người mắc và trên 19.000 người tử vong. Đa số ca mắc tập trung trong giai đoạn từ cuối tháng 5-2021 đến tháng 12-2022.

Trong năm 2023, TP.HCM ghi nhận số ca mắc, tử vong giảm sâu, có nhiều tuần không ghi nhận ca mắc mới, đặc biệt tất cả các phường xã trên toàn thành phố đều đạt cấp độ dịch là cấp 1.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phòng chống dịch và sự đồng lòng quyết tâm của nhân dân, Sở Y tế cho biết dịch COVID-19 trên địa bàn được kiểm soát.

TP.HCM cũng đã tiêm hơn 24 triệu mũi vắc xin COVID-19, trong đó tỉ lệ tiêm đủ mũi 3 và mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên đạt tương ứng lần lượt là 81,8% và 56,5%. 

Tỉ lệ tiêm cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi mũi 1 đạt 82,4%, mũi 2 đạt 67,6%, mũi 3 đạt 22,7%. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 44,4% và 26,3%.

"Với những thành quả đạt được, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, TP.HCM đang hoàn tất thủ tục tiến tới công bố hết dịch COVID-19" - báo cáo tờ trình của Sở Y tế nêu.

COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, công bố hết dịch là hợp lý

Việt Nam trải qua 2 giai đoạn chống dịch và 4 đợt bùng phát dịch - Ảnh: DUYÊN PHAN

Việt Nam trải qua 2 giai đoạn chống dịch và 4 đợt bùng phát dịch - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trước đó, nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế đã gửi công văn các sở ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức góp ý bản dự thảo về kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn TP.HCM.

Trên cơ sở tổng hợp và lấy ý kiến của các đơn vị, Sở Y tế cho biết có 19/30 đơn vị đã có góp ý. Trong đó, có 18 đơn vị thống nhất nội dung nêu trên, chỉ có một đơn vị có ý kiến bổ sung thời gian, lộ trình thực hiện kế hoạch nhiệm vụ cụ thể.

Kế hoạch mà Sở Y tế đưa ra được các chuyên gia đánh giá là phù hợp trong bối cảnh cả nước và TP.HCM phục hồi hậu COVID-19.  

Từ ngày 20-10-2023, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thống nhất, quyết định chuyển phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Thủ tướng đã ban hành quyết định sửa đổi phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm có hiệu lực thi hành từ ngày 20-10-2023. 

Các hoạt động phòng, chống COVID-19 được thực hiện theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B.

Cả nước ghi nhận 43.000 ca tử vong do COVID-19

Tại Việt Nam, người mắc bệnh đầu tiên ghi nhận tại TP.HCM ngày 23-1-2020. Việt Nam trải qua 2 giai đoạn chống dịch và 4 đợt bùng phát dịch, đã ghi nhận trên 11,6 triệu người mắc (hơn 99% số mắc được ghi nhận trong giai đoạn 2020 - 2022) và trên 43.000 người tử vong.

Dịch COVID-19 hiện đã được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc khi số mắc, tử vong giảm sâu; số ca mắc trung bình tháng hiện nay khoảng 10.000 ca, giảm 14 lần so với năm 2021 và giảm 82 lần so với 2022. Tỉ lệ tử vong do COVID-19 giảm từ 1,86% xuống 0,11% (2022) và hiện còn 0,02%.

Hậu COVID-19, Sở Y tế TP.HCM còn vướng gần 4 tỉ tiền chi trả chi phí phòng chống dịchHậu COVID-19, Sở Y tế TP.HCM còn vướng gần 4 tỉ tiền chi trả chi phí phòng chống dịch

Các vướng mắc gồm chi phí thanh toán lưu trú cho tình nguyện viên phòng, chống dịch tại tổng đài cấp cứu 115 và chi phí sửa chữa khắc phục hư hỏng tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên