09/07/2022 09:27 GMT+7

Nguyện cầu bi thương không lặp lại

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - 'Qua mùa dịch, tổ chúng tôi 48 hộ, mất 7 người, vậy nhưng tổ 54 bên cạnh còn mất nhiều người hơn', chị Trần Thị Nga, tổ trưởng dân phố tổ 44 của phường 16, quận 4, tâm sự.

Nguyện cầu bi thương không lặp lại - Ảnh 1.

Tưởng nhớ người đã mất vì dịch bệnh, để nguyện cầu không bao giờ lặp lại đau thương - Ảnh: TỰ TRUNG

Cũng tuần trước, trong xóm có đám giỗ chị Hồng, chị Kiều. Chiều nay là đám giỗ ông Lẫy. Chủ nhật sẽ có đám giỗ mẹ chị Hồng nữa... Qua mùa dịch, tổ chúng tôi 48 hộ, mất 7 người, vậy nhưng tổ 54 bên cạnh còn mất nhiều người hơn.

Chị TRẦN THỊ NGA

Cơn mưa tầm tã chiều 8-7 giữ chân anh Trần Hùng ở quán tạp hóa của vợ, ngay đầu hẻm 76 đường Tôn Thất Thuyết (quận 4, TP.HCM). Mưa, con hẻm trở nên hun hút vì vắng người, thi thoảng vài chiếc xe chạy qua. "Đó, cảnh năm ngoái cũng vậy đó. Cái rào chắn phòng chống dịch giã lớn nhất cách chỗ mình ngồi 5m đây...".

Nguyện cầu bi thương không lặp lại - Ảnh 4.

Những con hẻm liên thông nhau qua các tuyến đường Tôn Thất Thuyêt - Đoàn Văn Bơ và Tôn Đản một năm trước, khi "ai ở đâu, ở yên đó" - Ảnh: TỰ TRUNG

0h ngày 9-7 năm ngoái, chỉ thị 16 giãn cách xã hội được áp dụng trên toàn TP.HCM, còn con hẻm 76 Tôn Thất Thuyết thông ra Đoàn Văn Bơ thì đã bị giăng dây, kéo rào từ trước đó. Ngày 25-6, TP.HCM đã phát hiện ra ổ dịch 59 người trong hai con hẻm này, khu vực điển hình của xóm lao động quận 4 với những ngõ ngách ngang dọc chằng chịt, những căn nhà li ti san sát.

1. Gia đình anh Hùng cùng những người ở trọ thuộc diện phải đi cách ly tập trung đầu tiên. 

"29 ngày ở khu cách ly Đại học Quốc gia, tôi học được rất nhiều thứ ở đó, rồi về đây làm nòng cốt luôn", anh Hùng kể. Nhà ở đầu hẻm, ngay phía sau rào chắn, trở về từ khu cách ly, anh trở thành người gác chắn. Xe của phường hay nhà hảo tâm chở gạo chở rau đến, anh mở rào. Có người mang cơm hộp, nước đóng chai đến, anh nhận rồi huy động người mang vào hẻm phát. Rồi xe chở F0, xe chở oxy, xe cấp cứu, mai táng... 

"Vợ tôi sợ, đóng cửa nhà, nhưng mình là đàn ông, từng đi bộ đội, từng qua chiến tranh, nên không được sợ. Tôi chỉ xung phong ngồi canh cái rào chắn này thôi, còn con trai tôi thì đi lái xe chở F0, chở oxy, cả xe chở tử thi đi hỏa táng nữa. Nhà mình cũng người bệnh, người mất, mình không làm thì ai sẽ làm...", anh Hùng tiếp tục câu chuyện.

"Khu lao động, đông dân, san sát, người dân thường qua lại trò chuyện với nhau nên lây lan nhanh, mất mát nhiều...", bà Phan Thị Gái, mẹ anh Hùng, ngồi bên cạnh góp chuyện. Chồng bà vướng dịch COVID-19 và mắc bệnh nền, qua đời ngày 28-6, gia đình mới làm đám giỗ đầu tuần trước. 

"Cũng tuần trước, trong xóm có đám giỗ chị Hồng, chị Kiều. Chiều nay là đám giỗ ông Lẫy. Chủ nhật sẽ có đám giỗ mẹ chị Hồng nữa... Qua mùa dịch, tổ chúng tôi 48 hộ, mất 7 người, vậy nhưng tổ 54 bên cạnh còn mất nhiều người hơn", chị Trần Thị Nga, tổ trưởng dân phố tổ 44 của phường 16, quận 4, rầu rầu tâm sự.

Lời của chị khiến tôi nhớ đêm 19-11-2021, đêm mà những thanh âm tưởng nhớ nạn nhân COVID-19 được vang lên ở mọi nơi trong thành phố, chúng tôi đã đi bộ trong những con hẻm chằng chịt giữa khu Tôn Đản, Tôn Thất Thuyết, Đoàn Văn Bơ này. 

Những ngọn nến được thắp lên dọc đường đi như niềm nhớ. Nhớ bước chân chị thu ve chai, ông bán vé số, chị gánh hàng rong, anh công nhân cảng... những người với cuộc sống nhỏ bé, bình thường của mình đã góp phần vào cuộc đời sôi động nơi đây.

Sống cả tháng nhờ cơm hộp từ thiện, biết ơn lắm mà cũng cực lòng lắm. Tự đi làm vui hơn nhiều, như bây giờ đây...

Bà NĂM XUYẾN

Nguyện cầu bi thương không lặp lại - Ảnh 6.

"2 tháng 15 ngày các rào chắn chi chít ở các ngõ ngách" - Ảnh: TỰ TRUNG

2. "Giờ nghĩ lại còn sợ, 2 tháng 15 ngày các rào chắn chi chít ở các ngõ ngách. Yêu cầu ở trên đưa xuống là không để ai ra khỏi nhà. Tôi là tổ trưởng, tôi phải đi tối ngày, nhận rau nhận gạo, lấy danh sách tiêm vắc xin. Có lo, có sợ nhưng đi vẫn phải đi. May mà cuối cùng tất cả cũng đã qua", chị Nga nói tiếp.

Tiệm tạp hóa, quán hủ tiếu của vợ anh Hùng đã mở lại từ lâu tuy không còn tấp nập khách như trước. Anh bấm đốt tay tính: "Nhà có 7 phòng trọ, giờ chỉ 3 phòng có người ở. Có mấy người trọ rồi về quê khi thành phố mở cửa, qua Tết họ lên lại nhưng chưa có việc làm nên lại về". 

Nghề của anh là lái xe đưa khách đi du lịch đường dài, và từ hai năm nay thì những chuyến xe du lịch như vậy đã gần như dừng hẳn. 

"Tôi đang hy vọng mùa hè này khách sẽ năng đi du lịch, tôi sẽ được lái xe trở lại. Dịch đợt rồi là dữ dội thật, nguy hiểm thật, nhưng đã qua thật rồi".

Chiều muộn, mưa ngớt, con hẻm 76 bắt đầu đông đúc hơn những người những xe từ mọi hướng đổ về. Hùng bật cười khi nói một câu "triết lý hẻm": "Chỉ người giàu mới ở trong nhà thôi, người nghèo họ đều có nhu cầu ra ngoài. Ban ngày ra đường đi làm mưu sinh, tối về ngồi trước cửa phòng trọ nói chuyện. Tí nữa mà xem, tới giờ cơm chiều là nhộn nhịp lắm... Nói vậy thôi chớ nếu dịch có trở lại thì chúng tôi đều đã có kinh nghiệm".

Nguyện cầu bi thương không lặp lại - Ảnh 7.

Hẻm 1041 Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM một năm trước, các thanh niên cũng chỉ biết bó gối chờ nhận hàng cứu trợ để bốc vác bởi hàng rào chắn phòng dịch

3. Con hẻm 1041 Trần Xuân Soạn, Tân Hưng, quận 7 dưới chân cầu Him Lam thì đã không còn một chút dấu tích nào của những ngày sống trong barie năm ngoái. Các cửa hàng buôn bán san sát mở cửa, người qua kẻ lại. Một quán nước bên đường, một nhóm các ông bà già đang ngồi nghỉ chân bên xấp vé số bán dở và xe đẩy ve chai. 

Dừng lại và chỉ qua vài câu thăm hỏi, các ông bà đã thay nhau chỉ rõ: Đây, rào chắn ở ngã tư này, ngã ba kia, chúng tôi ở trong phòng trọ, nương nhau mà sống.

Bà Mười Hương đưa tay lên ngực: "Tôi bị nhiễm hồi giữa tháng 7, đóng cửa ở nhà, mấy đứa cháu chăm, may mắn mà qua được. Nhờ trời thương, bà con thương...". 

Bà Năm Xuyến cười tinh nghịch: "Mấy hôm đóng rào chắn, thi thoảng chiều tối tôi lại đi một vòng nhặt ve chai. Hẻm vắng tanh, mọi người để chai nhựa, hộp giấy ngoài cửa, tôi chỉ việc nhặt về, chờ ngày mở rào thì mang bán. Sống cả tháng nhờ cơm hộp từ thiện, biết ơn lắm mà cũng cực lòng lắm. Tự đi làm vui hơn nhiều, như bây giờ đây...".

Nguyện cầu bi thương không lặp lại - Ảnh 8.

Niềm vui đã trở lại trên với bà Nguyễn Thị Chiến lượm ve chai ở hẻm 1041 Trần Xuân Soạn, quận 7, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Chị Thắm giong chiếc xe đạp với mấy rổ cá đã bán gần hết trong buổi sáng, lại cười tươi như hoa góp chuyện: "Phải rồi, được tự do làm việc để kiếm sống là vui nhất, dù chỉ là bán cá như tôi thôi. Mỗi ngày bán hơn 30kg, tôi lo được cho cả gia đình 6 người gồm cha mẹ con cái ở quê dưới Bến Tre...". 

Hai mươi mấy năm ở trọ bán cá quanh khu Tân Hưng này, chị Thắm bảo những ngày buộc phải nghỉ bán vì dịch năm ngoái là cơ cực nhất. 

"Được tặng túi gạo, thùng mì, chai dầu ăn, tôi phải ra rạch Ông trước khu nhà trọ hái rau muống, câu cá trê, y như hồi nhỏ ở miệt vườn vậy. Bệnh dịch không cực bằng bị bó chân bó tay, bị đóng mọi ngả kiếm sống. Tôi nghe nói dịch sẽ còn trở lại, sẽ còn có virus mới, mà nếu vậy, tôi hy vọng sẽ có những cách chống dịch khác...".

Tình cờ mà chị Thắm đã nói lên được chính những tâm tư đã dằn vặt bao nhiêu người trực tiếp tham gia công tác chống dịch và cả những lãnh đạo trong công cuộc chống dịch cả năm qua. 

"Sẽ có những cách chống dịch khác không quá ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân" không chỉ là mong muốn mà đã là những bài học kinh nghiệm sâu sắc và quyết tâm đinh ninh mà các cấp lãnh đạo thành phố lặp đi lặp lại trong những cuộc họp, những phát biểu với các ban ngành, các cơ quan chức năng và trước nhân dân...

Nguyện cầu bi thương không lặp lại - Ảnh 9.

Con hẻm 1041 Trần Xuân Soạn, quận 7 TP.HCM sau 1 năm kể từ khi rào chắn trong việc phòng chống COVID-19 đã trở lại sinh hoạt nhộn nhịp, sáng 8-7 - Ảnh: TỰ TRUNG

Không thể để lặp lại

Những con hẻm bị rào chắn chằng chịt, những con đường vắng ngắt đầy lá rụng, những ánh mắt khắc khoải qua khe cửa, những trung tâm cách ly, bệnh viện dã chiến tràn ngập người, những nhân viên y tế phải rơi vào khủng hoảng vì quá tải... những câu chuyện của một năm trước đang lùi xa dần trong nhịp sống sôi động hôm nay. Những gì nó để lại là một mệnh lệnh từ những người như chị Thắm, anh Hùng, chị Nga mà chúng tôi gặp hôm nay: Không thể để lặp lại.

Phim tài liệu của Bùi Thạc Chuyên mang thông điệp chữa lành sau đại dịch khủng khiếp Phim tài liệu của Bùi Thạc Chuyên mang thông điệp chữa lành sau đại dịch khủng khiếp

TTO - Phim tài liệu dài 5 tập 'Không sợ hãi' của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên tập hợp những câu chuyện truyền cảm hứng của cả những người rất đỗi bình thường, sẵn sàng hy sinh, giúp đỡ người khác cùng vượt qua dịch bệnh.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên