25/10/2018 08:00 GMT+7

Gạo nếp Gạo tẻ: Hết ứa nước miếng, lại rưng rưng

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Ẩm thực tuy chỉ là một phần, nhưng chính những món ăn giản dị như bún đậu mắm tôm, dưa cà mắm muối đã làm Gạo nếp Gạo tẻ đậm đà hương vị Việt.

Một trích đoạn của Gạo nếp Gạo tẻ tập 75

Dù sắp đi đến hồi kết, nhưng Gạo nếp Gạo tẻ không hề suy giảm sức hút với khán giả. 80 tập phim tưởng là dài nhưng lại trở thành quá ngắn khi gia đình ông Vương, bà Mai trong bộ phim đã trở thành những người bạn quá đỗi thân thiết với khán giả truyền hình.

Món ăn kết nối gia đình

Hoàng Anh, biên kịch Gạo nếp, Gạo tẻ cho biết, khi đọc kịch bản gốc của Hàn Quốc, chị chỉ muốn chạy ngay ra ngoài đi ăn món thịt nướng Hàn Quốc. Nên khi bắt tay vào Việt hóa kịch bản Wang's Family, chị muốn đưa những món ăn truyền thống của Việt Nam vào bộ phim.

Gạo nếp Gạo tẻ: Hết ứa nước miếng, lại rưng rưng - Ảnh 2.

Toàn bộ thành viên gia đình ông Vương tề tựu trong ngày giỗ của cha, ông họ. Ngoài những món ăn truyền thống dành cho ngày giỗ, còn có mẹt bún đậu, mắm tôm, món ăn gia truyền của gia đình.

Thông thường các bộ phim truyền hình hay bày biện qua quít món ăn, chỉ dám quay toàn cảnh, trung cảnh nhằm tiết kiệm chi phí.

Trong bộ phim này dễ nhận thấy tâm ý của người làm phim với ẩm thực Việt. Món ăn được dành cho một thời lượng thích đáng, với những cú đặc tả khiến người xem ứa nước miếng.

Có thể nhiều khán giả đã rất ngạc nhiên khi thấy mẹ của ông Vương ngồi ở đầu thềm giã tép làm mắm tôm. Những con tép hồng trộn lẫn hạt muối trắng tinh thật đẹp trong khuôn hình cận cảnh.

Hiếm phim truyền hình nào lại làm khó mình bằng một món ăn đặc biệt như vậy, nhất là khi họ không định làm phim nói về nghề làm mắm.

Gạo nếp Gạo tẻ: Hết ứa nước miếng, lại rưng rưng - Ảnh 3.

Cảnh mẹ con bà Mai chuẩn bị món ăn cho ngày giỗ bố chồng. Nhìn lượng thực phẩm mà đoàn làm phim chuẩn bị cho thấy ẩm thực rất được chú trọng trong phim.

Có lúc đạo diễn rất hào phóng để mẹ chồng, nàng dâu cùng hai chàng rể ngồi quây quần bên một rổ dưa cải sen, hành rất lớn.

Máy quay cận cảnh từng động tác bà Mai đặt bẹ dưa xanh ngắt vào lọ thủy tinh và rắc muối. Ai mà không ứa nước miếng với cảnh quay này?

Không chỉ có vậy, đạo diễn còn rất biết cách tạo không khí khi để bà và mẹ hướng con rể cách muối dưa, bốn người trò chuyện rôm rả, tạo không khí vô cùng ấm áp, thân ái cho cảnh quay.

Đây là một cảnh quay rất thú vị, vì hiếm có phim nào quay cảnh đàn ông và đàn bà cùng vui vẻ muối dưa, một công việc vốn mặc định coi là của phụ nữ.

Gạo nếp Gạo tẻ: Hết ứa nước miếng, lại rưng rưng - Ảnh 4.

Bà Mai hướng dẫn cho hai chàng con rể muối dưa. Trong cảnh này vì thương bà Mai sức khỏe yếu nên Kiệt và Nhân xung phong làm giúp bà.

Bếp của gia đình ông Vương rất ấm áp vì lúc nào cũng có một lọ hành, một lọ dưa muối thật ngon mắt. Những món ăn đời thường như canh khổ qua, phở, chả giò, thịt kho… hiện lên thật hấp dẫn dưới bàn tay chế biến của NSND Hồng Vân (thủ vai bà Mai) trong căn bếp này.

Đặc biệt là món bún đậu mắm tôm, được nhà làm phim dành cho một thời lượng thích đáng khi mô tả từ công đoạn xay đậu tương đến nấu và ép thành bìa đậu. Cho đến công đoạn rán đậu, luộc thịt, pha mắm tôm và bày biện thành quả trên mẹt trải lá chuối xanh.

Món bún đậu không chỉ là niềm tự hào gia truyền của mẹ ông Vương, mà còn là chất gắn kết các thành viên trong gia đình.

Đây là món ăn giúp Minh (Phương Hằng) - cô con gái út của ông Vương nhận được nhiều thiện cảm của cha chồng tương lai. Và cũng chính món ăn này suýt làm cô bị mất đi mối lương duyên khi cha chồng biết cô đã nhờ chú của mình tới nấu hộ món bún này.

Gạo nếp Gạo tẻ: Hết ứa nước miếng, lại rưng rưng - Ảnh 5.

Minh, cô con gái út của ông Vương bị "lộ tẩy" không biết làm bún đậu mắm tôm.

Bún đậu mắm tôm cũng đã mở ra con đường sáng cho chú Quang (Ngọc Thuận), người đàn ông tốt bụng, thường bị coi vô dụng trong gia đình. Quyết định khởi nghiệp bằng món bún đậu mắm tôm, giúp Quang thoát khỏi kiếp thất nghiệp và cưới được vợ như ý.

Ẩm thực dưới bàn tay chăm chút của những người làm phim đã tạo nên mùi vị và không khí cho bộ phim. Đó là mùi vị của những món ăn Việt truyền thống và không khí của những bữa cơm gia đình ấm áp.

Món ăn Việt đã góp phần đánh bay mùi "kim chi", "thịt nướng" của kịch bản Hàn Quốc, đồng thời tạo nên không khí văn hóa Việt mà bộ phim cần phải có.

Hãy đặt mình vào vị trí người khác

Trong nhà ông Vương (nghệ sĩ Mai Huỳnh) treo một câu châm ngôn: "Hãy đặt mình vào vị trí người khác" để nhắc nhở các thành viên trong gia đình biết yêu thương nhau.

Đây là một triết lý rất sâu sắc dành cho một bộ phim truyền hình, và để triết lý này nổi bật vào những lúc cần thiết không dễ.

Gạo nếp Gạo tẻ: Hết ứa nước miếng, lại rưng rưng - Ảnh 6.

Một cảnh thể hiện tình cảm vợ chồng của ông Vương. Để xoa dịu nỗi buồn của bà Mai, buổi tối ông Vương ra ngoài mua bánh giò về cho vợ.

Gạo nếp Gạo tẻ, đã làm được một việc là không tạo nên những nhân vật xấu không lý do và hết thuốc chữa, không tận dụng những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình bằng mọi giá để gây kịch tính, không lợi dụng nước mắt của nhân vật để lấy nước mắt của khán giả.

Bộ phim nhìn con người đa diện, có mặt tốt và có cả mặt xấu. Nhân vật bà Mai (NSND Hồng Vân đóng) ban đầu là một nhân vật rất đáng ghét trong mắt khán giả bởi khi anh con rể phá sản, bà quay ngoắt 180 độ từ yêu thành ghét.

Nhưng khán giả cũng nhìn thấy bà Mai là một người phụ nữ chịu thương, chịu khó, hết lòng vì chồng con. Do trình độ hiểu biết mà bà hành xử như vậy.

Gạo nếp Gạo tẻ: Hết ứa nước miếng, lại rưng rưng - Ảnh 7.

Chàng rể Kiệt hết lòng chăm sóc bà Mai, dù trước đó bà đối xử với anh không tốt.

Chỉ một lần bị bệnh được con rể cõng tới bệnh viện trái tim bà Mai đã hoàn toàn được cảm hóa, chuyển sang thương con rể hết mực.

Bộ phim luôn biết cách hóa giải mâu thuẫn gia đình bằng tình yêu thương. Bất cứ khi nào mâu thuẫn lên tới đỉnh điểm, thì cách giải quyết mâu thuẫn sẽ tuân theo nguyên tắc "hãy đặt mình vào vị trí người khác" của ông Vương.

Trong bộ phim này, các nhân vật nữ được tô điểm rất đậm đà, nhưng các nhân vật nam được xây dựng rất hay, là chất kết dính, là nhân tố hóa giải mâu thuẫn.

Gạo nếp Gạo tẻ: Hết ứa nước miếng, lại rưng rưng - Ảnh 8.

Hiểu tấm lòng của Kiệt, bà Mai một lòng yêu thương con.

Nhân vật ông Vương được xây dựng là một nhà giáo mẫu mực, một người con hiếu thảo, một người chồng thương yêu vợ và một người cha tuyệt vời.

Ông Vương rất ít khi nổi nóng, luôn bình tĩnh trong mọi trường hợp và gỡ bỏ mâu thuẫn trong gia đình bởi sự công tâm, khéo léo của mình.

Cách ứng xử của ông trong gia đình được thiết lập trên nguyên tắc "đặt mình vào vị trí của người khác" để hiểu vì sao họ làm như vậy, thay vì phán xét, bày tỏ thái độ tiêu cực.

Gạo nếp Gạo tẻ: Hết ứa nước miếng, lại rưng rưng - Ảnh 9.

Với diễn xuất tự nhiên, điềm đạo, nghệ sĩ Mai Huỳnh trong vai ông Vương đã nhận được rất nhiều thiện cảm của khán giả.

Ông Vương có hai chàng rể rất tốt là Kiệt (Trung Dũng đóng) và Nhân (Anh Tuấn đóng). Những người luôn coi việc giữ hòa khí trong gia đình làm trọng và không chấp nhận những chuyện nhỏ nhặt làm hỏng hòa khí.

Tuyến nhân vật nam gây hài của bộ phim cũng rất hay, đó là chú Quang (Ngọc Thuận), một anh chàng vô công rỗi nghề nhưng rất tốt bụng; là Công (Hoàng Anh) một người tốt, nhưng trình độ hiểu biết có hạn, đã đánh mất hạnh phúc thật sự chỉ vì tham vàng bỏ ngãi; là ông Lực (Anh Tuấn) - ông thông gia của ông Vương một người đàn ông vui tính, hết lòng yêu thương con trai.

Gạo nếp Gạo tẻ: Hết ứa nước miếng, lại rưng rưng - Ảnh 10.

Nhân vật chú Quang là người giữ vai trò giảm căng thẳng giữa mẹ và chị dâu.

Chính những nhân vật này giữ cán cân kịch tính của bộ phim không bị lệch quá mức.

Gạo nếp Gạo tẻ đã cho thấy một cái nhìn đa diện về gia đình Việt Nam. Cuộc sống tứ đại đồng ở nhà ông Vương là cuộc sống của một gia đình điển hình ở Việt Nam. Khi sống quần tụ như vậy, mỗi cá nhân trong gia đình sẽ chịu sự quan sát của các thành viên còn lại và phải điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Gia đình ông Vương liên tục bị xáo xào bởi những bất ổn. Nhưng biên kịch nhìn thấy trong sự tốt có xấu, trong sự giáng, có thăng, trong bi kịch vẫn nảy sinh những hi vọng.

Gạo nếp Gạo tẻ giúp khán giả không chỉ được thư giãn, giải trí, mà còn học được từ phim những cách thức hóa giải mâu thuẫn gia đình, học được các yêu thương gia đình hơn. Đó chính là yếu tố nâng bộ phim này vượt lên trên các bộ phim đang chiếu cùng thời điểm.

Biên kịch Gạo nếp gạo tẻ muốn món ăn Việt phải ngon, đẹp trên phim Biên kịch Gạo nếp gạo tẻ muốn món ăn Việt phải ngon, đẹp trên phim

TTO - Cô gái sinh năm 1987 chọn theo đuổi nghề biên kịch, một lựa chọn đúng đắn, theo cô, vì 'tôi thuộc về thế giới này, tôi thấy mình ở phim trường vui hơn ở nhà'.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên