Gạo nếp gạo tẻ - bộ phim chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc đang rất thu hút khán giả màn ảnh nhỏ. Tác giả chuyển thể kiêm đạo diễn (cùng với Thạch Thảo) là Hoàng Anh - người chấp bút khá nhiều phim khác như Dù gió có thổi, Cá rô em yêu anh, Cô Thắm về làng...
Đạo diễn, biên kịch Hoàng Anh (bìa trái) cùng các diễn viên của phim Cô Thắm về làng - Ảnh: ĐPCC
“Thế mạnh của tôi là làm phim đề tài về gia đình. Tôi nghĩ người Việt luôn có nhu cầu xem phim đề cập giá trị văn hóa của người Việt, cả người nước ngoài cũng muốn biết về văn hóa Việt qua phim Việt.
Tốt nghiệp khoa quản lý đất đai và môi trường Đại học Nông lâm, Hoàng Anh làm công việc văn phòng một thời gian thì xin nghỉ.
Ba ngày/tập, phim làm sao hay!
* Hình như không hiếm nguyên nhân khiến kịch bản Việt rớt giá thê thảm. Theo chị, nguyên nhân nào quan trọng nhất?
- Câu tôi thường nghe ở các đạo diễn hay diễn viên là đọc kịch bản đề cương thì rất hay nhưng kịch bản chi tiết sao kỳ quá. Ở phim trường, hình ảnh thường thấy là đạo diễn cùng diễn viên xất bất xang bang xúm vào chỉnh sửa kịch bản, lời thoại sao cho hợp lý, đời hơn.
Đứng ở phương diện biên kịch, chúng ta làm sao có thể có kịch bản hay khi thời gian viết quá gấp gáp. Sau khi đề cương được duyệt, nhiều nhà sản xuất quy định cho các biên kịch là 3 ngày xong một tập chi tiết.
Phim dài 30 tập cần 90 ngày. Tôi không hiểu họ dựa quy chuẩn nào để ra quy định đó. Tôi từng đề nghị viết 5 ngày/tập, các bạn biên tập nói làm vậy là quá chậm, gây cản trở cho khâu sản xuất.
* Có khá nhiều phim truyền hình Việt gần đây "mượn" kịch bản từ nước ngoài. Như Dù gió có thổi, Gạo nếp gạo tẻ, Ngày ấy mình đã yêu, Hậu duệ mặt trời... đều là những bộ phim chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc. Ở vai trò biên kịch, Hoàng Anh thấy thế nào?
- Tôi thấy buồn bởi vì nó chứng tỏ các nhà đầu tư thiếu niềm tin vào đội ngũ biên kịch phim Việt. Họ không tin kịch bản phim Việt Nam đủ sức hấp dẫn khán giả nên phải lấy kịch bản nước ngoài về.
Mặt khác, có yếu tố nước ngoài, phim dễ "tiếp thị" với người xem hơn vì các bản phim gốc từng nổi tiếng. Đó là hệ quả một thời gian dài phim truyền hình Việt chạy theo số lượng mà không chú ý chất lượng. Trong thời gian dài, xem sản phẩm chất lượng kém, khán giả sẽ tẩy chay thôi.
Gạo nếp gạo tẻ cũng phải viết lại lần thứ ba và tốn mất một năm cho kịch bản. Thật ra kịch bản nước ngoài mua về cũng phải viết lại từ đầu, vì kịch bản nước ngoài cho tôi câu chuyện chứ không phải là kịch bản chi tiết. Hàm lượng chất xám bỏ ra tương đương viết kịch bản mới.
Nói thật, viết kịch bản của mình giống con mình đẻ ra, rồi nuôi lớn. Còn kịch bản Việt hóa giống như người ta sinh con, đến 5-6 tuổi mới giao cho mình. Mình phải tìm hiểu tính cách đứa con như thế nào rồi mới có thể nuôi nó lớn lên... Điều này tôi không cảm thấy vui lắm!
Hấp dẫn phải từ tô canh khổ qua nhồi thịt
* Trong quá trình làm phim, một số diễn viên ca thán về độ khó tính của Hoàng Anh trong vai trò đạo diễn. Có người kể khi bộ phận lo đạo cụ đưa tô canh khổ qua thái lát với thịt, Hoàng Anh không đồng ý mà bắt phải có tô canh nguyên trái khổ qua dồn thịt. Lý do cho sự khó tính đó là gì?
- Tôi muốn món ăn Việt Nam phải góp phần vào chủ đề phim. Khán giả xem phim không nếm được, ngửi được mùi vị thì phải ngắm được. Tôi thật sự mong muốn khi nhìn vào món ăn Việt, người xem sẽ phải thèm, thích và muốn ăn các món ấy ngay.
Thú thật khi ngồi viết Gạo nếp gạo tẻ, lúc nào tôi cũng muốn đi quán ăn thịt nướng Hàn Quốc. Vì thế, tôi tự nhủ mình sẽ truyền tải những món ăn, những câu chuyện gia đình Việt vào trong phim như những điểm nhấn để phim hấp dẫn khán giả.
Món ăn truyền thống trong các phim Hàn Quốc rất đẹp. Kết quả là một loạt món ăn Hàn Quốc trở nên quen thuộc với giới trẻ Việt. Việt Nam đâu thiếu món ăn ngon. Mình cũng làm phim, cũng đưa thông điệp đến với khán giả, vậy tại sao không quay được những hình ảnh đẹp như thế?!
Do đó tôi chọn món ăn quen thuộc và gợi ký ức. Khán giả nghe nói canh khổ qua nhồi thịt, trong đầu mọi người nghĩ đến hình ảnh trái khổ qua buộc cọng hành hoặc cắt ngang rồi nhồi thịt. Thịt kho trứng để trong nồi đất. Tôi muốn gợi lại ký ức về những món ăn truyền thống.
* Trở lại với những kế hoạch kịch bản Việt, năm nay Cô Thắm về làng tiếp tục chu du trên màn ảnh nhỏ?
- Chắc chắn cô Thắm sẽ tiếp tục đồng hành cùng khán giả, bởi tôi muốn tạo thành thông điệp "Thấy Thắm về là biết xuân sang". Tôi cũng khó khăn trong việc triển khai kịch bản phần 4, vì ý tưởng dần cạn kiệt.
Năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm cải lương, Cô Thắm về làng đưa vào các điệu lý và một ít cải lương. Câu chuyện dựa vào tín ngưỡng ông Táo, có chút thần thoại.
Tết truyền thống của Việt Nam mình những năm gần đây càng ngày càng mai một. Tôi muốn qua phim, những phong tục truyền thống sẽ được hồi sinh một cách chân thực, gần gũi nhất.
Tôi cứ nhớ mãi lời dạy của người thầy Hàn Quốc trong khóa học biên kịch: "Tại sao các bạn không mở cánh cửa Việt Nam ra thế giới bằng những ẩm thực, văn hóa truyền thống? Các bạn có công cụ rất lớn trong tay là làm phim, lại là phim truyền hình. Các bạn có thể chui vào từng ngôi nhà của người ta để nói được tiếng nói, truyền thông điệp của mình".
Tôi hiểu, muốn mở được cánh cửa ấy không đơn giản. Bản thân cần trau dồi thêm nhiều kiến thức. Tôi đang tham gia các lớp học về văn hóa và học hỏi nhiều người qua những trải nghiệm cuộc sống hằng ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận