26/06/2015 08:28 GMT+7

Ước mơ của một người dành cho nhiều người

NGUYỄN THẾ THANH
NGUYỄN THẾ THANH

TT - Với GS Trần Văn Khê, âm nhạc dân tộc mình đẹp lắm, hay lắm. Giới thiệu nền âm nhạc hay, đẹp ấy cho bạn bè thế giới biết tới, trao truyền cho các thế hệ người Việt sự hiểu biết và tình yêu với âm nhạc dân tộc mình là trách nhiệm mà ông tự nhận lấy từ khi còn trẻ.

GS.TS Trần Văn Khê với người mộ điệu tại buổi giao lưu “Tài tử - cải lương: Sự tương đồng và khác biệt” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 18-3-2014 - Ảnh: Quang Định
GS.TS Trần Văn Khê với người mộ điệu tại buổi giao lưu “Tài tử - cải lương: Sự tương đồng và khác biệt” tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ sáng 18-3-2014 - Ảnh: Quang Định

Trong một chương trình truyền hình cách đây không lâu, GS Trần Văn Khê nói: cả cuộc đời mình, ông chỉ làm một công việc và nếu còn sức cũng chỉ làm công việc ấy, đó là “góp phần nghiên cứu và giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam rộng khắp năm châu, sâu trong dân tộc”.

Người quảng bá hiệu quả âm nhạc truyền thống Việt ra thế giới

Kể từ năm 1958, khi trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng tiến sĩ văn chương ngành nhạc học hạng tối ưu tại Đại học Sorbonne (Pháp) với bản luận văn Âm nhạc truyền thống Việt Nam, suốt 50 năm sau đó, Trần Văn Khê đã chuyên chú tâm sức cho việc nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ở Pháp và khắp mọi nơi trên thế giới.

Các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của ông về đờn ca tài tử, về cải lương trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao.

Sự đánh giá đó đã góp phần đưa đến công nhận và vinh danh ở tầm mức thế giới các loại hình nhã nhạc cung đình Huế, không gian cồng chiêng Tây nguyên, ca trù, đờn ca tài tử...

Không hề ngẫu nhiên và dễ dàng khi 10 năm liền Trần Văn Khê được tín nhiệm ở vai trò chủ tịch ban tuyển chọn quốc tế của Diễn đàn âm nhạc châu Á.

Khi uy tín quốc tế về nghiên cứu âm nhạc và vai trò “người quảng bá hiệu quả nhất âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới” được khẳng định, ở tuổi ngoài 80, Trần Văn Khê nghĩ đến việc trở về quê nhà.

Rộng hơn suy nghĩ thông thường “lá rụng về cội”, ông muốn còn chút tâm sức cuối đời vẫn tiếp tục làm cái việc ông đã tự chọn từ năm 33 tuổi, ở nước Pháp xa xôi: truyền ngọn lửa yêu thương, say đắm âm nhạc truyền thống dân tộc cho cộng đồng trong nước, nhất là cộng đồng người trẻ.

Trên cơ sở tâm nguyện của ông “được sống và làm việc những năm cuối đời tại đất nước”, Sở Văn hóa - thông tin khởi thảo đề án nhà Trần Văn Khê vào tháng 11-2003. Theo đó, ngày 14-5-2004, sở đã có buổi làm việc với giáo sư Trần Văn Khê. Nội dung buổi làm việc đó đã được lập thành biên bản mang tính pháp lý liên quan đến việc hai năm sau đó thành phố giao cho Sở Văn hóa - thông tin ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh quản lý theo chế độ công sản để làm nơi bảo quản, trưng bày hiện vật và nơi ở cho giáo sư - tiến sĩ Trần Văn Khê những năm cuối đời.

Thực hiện quyết định số 59/QĐ-UBND ngày 5-2-2006, Sở Văn hóa - thông tin đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc sở phối hợp với giáo sư Trần Văn Khê tiếp nhận 435 kiện sách và hiện vật âm nhạc quý (sổ ghi chép, đĩa và băng ghi âm, nhạc cụ các loại gắn liền với sự nghiệp âm nhạc của Trần Văn Khê) mà ông chuyển từ Pháp về, trong đó có hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc thế giới và âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Một địa chỉ văn hóa đặc biệt

Ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai từ khi giáo sư Trần Văn Khê về ở hẳn tại đây năm 2006 thật sự trở thành một địa chỉ văn hóa đặc biệt. Ngôi biệt thự xinh xắn vượt ra khỏi cái tầm của một tư gia. Tại đây, vị giáo sư già nổi tiếng khắp trong và ngoài nước ấy chỉ ở trong một phòng nhỏ tại tầng trệt dãy nhà sau.

Tầng trên của nhà sau đã trở thành thư viện Trần Văn Khê khánh thành vào năm 2012. Toàn không gian chính của căn biệt thự được bố trí làm nơi trưng bày nhạc cụ, làm việc, tiếp khách và tổ chức các buổi sinh hoạt âm nhạc truyền thống dân tộc định kỳ - ngoại kỳ.

Đã gần 100 buổi sinh hoạt như vậy về đàn tranh, đàn đá, hát bội, vọng cổ, ca trù, múa bóng rỗi, nghệ thuật ngâm thơ truyền thống Việt Nam... Ai cần nghiên cứu, khai thác từ khối lượng sách, sổ, băng, đĩa Trần Văn Khê mang về từ Pháp sau hơn 50 năm nghiên cứu, thu thập, gìn giữ... đều có thể đến. Ai cần được nghe chuyên sâu về các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam với phần biểu diễn minh họa đặc sắc đều đã đến.

Những nhân vật nổi tiếng trong và ngoài nước, những học trò cũ và mới, những bạn bè tri âm tri kỷ, những người dân bình thường đều đã đến đây nghe và nhìn ngắm vị giáo sư - nghệ sĩ nổi tiếng mà kiến thức uyên thâm, tài nghệ biểu đạt tuyệt vời và phong cách gần gũi đầy sức thuyết phục luôn đi cùng tuổi tác, như cách dân gian vẫn nói “gừng càng già càng cay”.

Ngôi nhà chứa đầy những hiện vật cả đời, những kỷ niệm ấm áp và sống động gắn với những năm tháng cuối đời Trần Văn Khê tại Việt Nam đã hiện ra dáng dấp mà nó cần có khi đề án nhà Trần Văn Khê được phác thảo gần 10 năm về trước.

Khi còn minh mẫn, giáo sư Trần Văn Khê bày tỏ một trong những ước mơ cuối cùng của ông trong bản di nguyện lập ngày 5-6-2015:

“Khi tôi vĩnh viễn ra đi, ngôi nhà này sẽ được sử dụng để làm nhà lưu niệm Trần Văn Khê. Tất cả hiện vật gắn với đời sống nghề nghiệp của tôi đem từ Pháp về: sách vở, báo chí, phim ảnh, sổ ghi chép, đĩa hát các loại, các nhạc khí, máy ghi hình, ghi âm, máy chuyển tư liệu nghe nhìn, tranh, hình ảnh đều giao lại cho ban quản lý nhà lưu niệm giữ để phục vụ cộng đồng”.

Ước mơ ấy không hề khác với lời ông nói trong biên bản buổi làm việc tại Sở Văn hóa - thông tin tám năm trước: “Sau khi tôi “trăm tuổi”, căn nhà và các hiện vật trong ngôi nhà sẽ giao toàn bộ lại cho Nhà nước quản lý”.

Trần Văn Khê đã đóng góp tất cả những gì có thể, kể cả những ngày sống và làm việc cuối cùng tại ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, để những người ở lại hoàn toàn có thể xây dựng được một địa chỉ có giá trị về văn hóa cho nhiều người.

Địa chỉ ấy không chỉ có sách vở để tra cứu, có hiện vật để nhìn ngắm, phim ảnh để xem mà còn có hơi ấm của một con người nổi tiếng suốt đời chỉ làm một công việc giữ gìn và quảng bá miệt mài cho âm nhạc dân tộc.

Học trò của ông, những bạn bè đồng điệu và những người gần gũi ông suốt những năm dài sống tại đây, các cán bộ nghiệp vụ thư viện và bảo tàng, di tích từng cùng ông làm việc tại ngôi nhà này...

Họ đều còn ở lại đây và sẽ trả lời với hương hồn ông và với những người quan tâm đến việc phát huy giá trị âm nhạc dân tộc: ước mơ của riêng ông dành cho nhiều người có thể thành hiện thực ra sao tại ngôi nhà ông từng sống...

Lập quỹ học bổng cho các công trình âm nhạc

Giờ đây, khi đã thật sự chia tay với cuộc sống, Trần Văn Khê dường như vẫn còn chưa hết vương vấn với sự nghiệp nghiên cứu và quảng bá âm nhạc truyền thống dân tộc mà ông cả đời phụng sự.

Ông dặn lại việc sử dụng tiền phúng điếu để lập quỹ học bổng xét trao cho các công trình nghiên cứu có giá trị về âm nhạc dân tộc, dặn tạo điều kiện dễ dàng cho những ai cần đến quan sát, tra cứu tại thư viện ở ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai.

NGUYỄN THẾ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên