14/10/2011 00:01 GMT+7

Tổ chức sản xuất, kinh doanh: Hàng xóm muốn có ý kiến

TRỊNH MINH GIANG
TRỊNH MINH GIANG

TT - Các quy định hiện hành không quy định các hộ dân được tham khảo ý kiến khi hàng xóm tổ chức sản xuất, kinh doanh. Các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể chỉ cần xin phép UBND cấp huyện và nếu ngành nghề xin phép không vi phạm pháp luật và không nằm trong diện bị hạn chế (chẳng hạn đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực nhạy cảm) thì không cần ý kiến, thái độ của hàng xóm.

Trên thực tế, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người tổ chức sản xuất, kinh doanh nhưng nhiều trường hợp lại ảnh hưởng quyền tự do của hàng xóm. Chẳng hạn, một hộ sửa xe gắn máy chắc chắn sẽ gây tiếng ồn chói tai, xả nhớt và khói thải gây mất vệ sinh, mùi xăng nhớt gây ảnh hưởng những hộ xung quanh; một hộ mở quán cà phê có thể mở nhạc làm ồn hàng xóm, đồng thời khách ra vào sẽ gây ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt của các hộ lân cận, cũng như một số hoạt động trong quán có thể gây phiền phức cho nhiều người khác (cách tiếp viên ăn mặc, ứng xử với khách, khói thuốc lá trong quán...)... Như vậy, quyền tự do sản xuất, kinh doanh của người này, gia đình này có thể ảnh hưởng quyền tự do sinh hoạt, đi lại của nhiều người khác, nhiều gia đình khác.

Lâu nay việc ứng xử của người bị ảnh hưởng đối với người gây ảnh hưởng thường rất hạn chế, theo kiểu “tình làng nghĩa xóm”, “dĩ hòa vi quý”. Điều đó phù hợp với truyền thống “mua láng giềng gần” của người Việt và là một biểu hiện đáng trân trọng.

Chỉ khi các cơ sở này gây quá nhiều phiền toái cho lối xóm mới bị phản ứng. Lúc đó chính quyền địa phương can thiệp thì mới có sự điều chỉnh. Tức là người vi phạm chỉ bị xử lý khi có sự khiếu nại, phản ảnh của người dân xung quanh. Nhưng không phải bất kỳ hành vi gây phiền toái nào cũng bị xử lý, bởi nhiều trường hợp luật pháp chưa điều chỉnh hoặc không có phương tiện, thiết bị xác định mức độ vi phạm để xử lý. Chẳng hạn, đối với tiếng ồn thì âm lượng bao nhiêu sẽ bị xử lý, cán bộ địa phương dùng thiết bị gì để đo độ ồn? Đối với việc xả khói thải, gây bụi bẩn càng thiếu biện pháp và hình thức xử lý.

Vì vậy, khi chính quyền địa phương cho phép một hộ sản xuất, kinh doanh tại nhà thì nên có yêu cầu lấy ý kiến những hộ xung quanh và có cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường, tôn trọng quyền tự do của hàng xóm. Tùy tính chất và quy mô của hoạt động sản xuất, kinh doanh mà cần có số gia đình cho ý kiến. Chẳng hạn, với một hộ sửa chữa xe gắn máy thì có ít nhất sáu hộ gần nhất có ý kiến (bốn hộ bên cạnh, hai hộ phía đối diện). “Có ý kiến” ở đây có thể là “không phản đối” (nếu đáp ứng một số yêu cầu chính đáng nào đó) chứ không nhất thiết là phải “đồng ý”.

Có thể có người cho rằng việc trưng cầu này sẽ khiến một số hộ “làm khó”, khiến việc xin phép sản xuất, kinh doanh của cá nhân gặp khó khăn. Đây là điều cần cân nhắc để sao cho việc xin ý kiến không là hình thức mà cũng không gây ra phiền phức quá đáng đối với người có nhu cầu làm ăn chính đáng.

Nhưng trên hết, mỗi hoạt động của một người (dù là sản xuất, kinh doanh hay bất kỳ sinh hoạt nào khác) đều phải tôn trọng quyền tự do của người khác, phải đảm bảo lợi ích, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người khác, nhất là với những người sống xung quanh. Tức là quyền tự do của người này không được xâm phạm hay ảnh hưởng quyền tự do của người khác. Vì vậy, nên có luật chung về việc lấy ý kiến (trong Bộ luật dân sự chẳng hạn).

Ở một số nước, ngay cả việc để chó sủa, gà gáy làm phiền hàng xóm đã có thể bị xử phạt với mức phạt không nhỏ. Đó là nếp sống văn minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Thiết nghĩ xã hội ta nên thích nghi dần thói quen đó.

TRỊNH MINH GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên