24/08/2017 11:10 GMT+7

Người Việt phải học cách đi thang máy, đừng để quá muộn!

QUANG KIỆT (TP.HCM)
QUANG KIỆT (TP.HCM)

TTO - Thang máy, thang cuốn ngày nay không còn quá xa lạ trong đời sống hằng ngày. Khi những tuyến tàu điện đô thị được đưa vào sử dụng ở Hà Nội, TP.HCM, thói quen tốt khi đi thang máy sẽ mang lại nhiều tiện ích.

*** Error ***
Hành khách đi thang cuốn tại một ga điện ngầm ở Đài Bắc (Đài Loan) - Ảnh: QUANG KIỆT

Theo bạn đọc Quang Kiệt, việc tạo thói quen tốt khi sử dụng phương tiện này nơi công cộng là rất cần thiết. Tuy nhiên, thực tế việc đi thang máy, thang cuốn ở nước ta còn tương đối lộn xộn.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến này.

"Không khó để bắt gặp những hình ảnh chưa đẹp khi sử dụng các phương tiện này: trên cùng một thang cuốn, người thì đứng bên trái, người đứng bên phải, người lại đứng ngay chính giữa với hành lý, đồ đạc chắn ngay cạnh bên; thang máy vừa mở cửa, khách bên trong chưa kịp bước ra, khách bên ngoài đã chen nhau đi vào; vào thang máy mà nhiều người cứ đeo nguyên cái balô to tướng trên lưng, vừa choán chỗ vừa gây khó chịu khi balô cứ ép vào người đứng đằng sau... 

Về lâu dài, khi những tuyến tàu điện đô thị được đưa vào sử dụng ở Hà Nội, TP.HCM, thói quen này sẽ mang lại nhiều tiện ích cho hành khách. Ví dụ biết đứng chờ khách từ trong tàu bước ra rồi mới đi vào, hoặc đứng qua một bên nhường cho khách cần chạy trên thang cuốn để bắt gấp một chuyến tàu nào đó.

Quang Kiệt

Có lần, tôi đã bị balô khá to của một thanh niên đứng trước “đập” vào mặt và dù tôi và các khách đứng gần đó đề nghị bỏ balô xuống sàn, nhưng cậu ta vẫn không quan tâm và còn lẩm bẩm: “Đâu có luật nào kêu phải cởi balô ra khi đi thang máy”!

Những ai từng có dịp đi nước ngoài sẽ dễ dàng nhận ra ở nhiều nước khi sử dụng thang cuốn, mọi người đều đứng qua một bên, chừa một bên nhường cho những người có việc gấp cần đi nhanh và thường mọi người sẽ đứng qua phía trùng với phía lái xe trên đường. 

Ví dụ như ở Tokyo (Nhật), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia) - những nơi lái xe bên trái, khách sẽ đứng qua bên trái, chừa trống làn thang cuốn bên phải; trong khi những thành phố lưu thông về bên phải như Đài Bắc (Đài Loan), Seoul (Hàn Quốc), bên phải sẽ là chỗ đứng và bên trái là chỗ để trống, nhường cho khách cần chạy đi gấp...

Với một quốc gia lưu thông bên phải như nước ta, thiết nghĩ hành khách sử dụng thang cuốn nên đứng về phía bên phải và nhường phía bên trái cho những ai đang cần di chuyển gấp.

Các siêu thị, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại có thang cuốn có thể treo các bảng thông báo hay phát loa thông báo yêu cầu khách tuân thủ quy định đứng về bên phải khi đi thang cuốn.

Còn với thang máy, nguyên tắc đơn giản để thể hiện phép lịch sự, thể hiện hành vi văn hóa cũng không hề quá khó để thực hiện: khi chờ thang máy, nên đứng qua hai bên cửa thang máy chứ đừng đứng chặn ngay giữa; ai đến trước thì đứng trước, vào thang máy trước; luôn luôn nhường cho người bên trong thang máy bước ra hết rồi hãy bước vào thang; nếu có đeo túi xách, balô, khi vào thang máy hãy cởi túi, balô ra, cầm trên tay hoặc đặt xuống dưới chân để không ảnh hưởng đến các khách khác đứng xung quanh...

Những hành vi này ban đầu có thể sẽ khó khăn khi thực hiện, do phần đông người Việt Nam chưa có những thói quen này. Thế nhưng nếu thực hiện thường xuyên, đồng loạt tại mọi nơi, đồng thời đưa vào giáo dục cho trẻ em từ nhỏ sẽ dẫn đến thói quen cư xử văn hóa, văn minh khi sử dụng các phương tiện công cộng như thang cuốn, thang máy.

Đi thang máy, thang cuốn thế nào là lịch sự? Bạn đã gặp những trường hợp "coi thang máy là nhà riêng của mình" của một số hành khách vô ý thức? Bạn đọc có hiến kế gì về văn hóa đi thang máy, thang cuốn? Mời viết bình luận cuối bài hoặc gửi cho Tuổi Trẻ Online câu chuyện của mình về địa chỉ: email tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
QUANG KIỆT (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên