26/09/2019 15:12 GMT+7

Người nhập viện đã khổ, thêm suy dinh dưỡng càng khổ hơn

HOÀNG LỘC
HOÀNG LỘC

TTO - Nhập viện vốn đã khổ sở với người bệnh. Thế nhưng nhập viện trong tình trạng bị suy dinh dưỡng đang là nguyên nhân "kép" khiến bệnh trở nặng, kéo dài thời gian điều trị, thậm chí có nguy cơ tử vong.

Người nhập viện đã khổ, thêm suy dinh dưỡng càng khổ hơn - Ảnh 1.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Từ nghiên cứu ở nhiều bệnh viện cho thấy số người bệnh suy dinh dưỡng khá cao.

Sát thủ giấu mặt

Dựa trên các chỉ số được phân tích, bà Trần Thị Minh Hạnh - trưởng khoa dinh dưỡng và tiết chế Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn - đánh giá "bệnh nhân bị suy dinh dưỡng" bởi ảnh hưởng của bệnh lý và ăn quá ít. 

Nắm đôi tay lộ rõ từng đường gân của một người bệnh, bác sĩ Hạnh khuyên: "Bây giờ phải ăn thêm xúp, uống thêm sữa và sinh tố trái cây. Biết là giai đoạn này rất khó ăn, nếu ăn không được nhiều thì cố gắng chia nhỏ ra nhiều lần để ăn mới có sức để chiến đấu với bệnh tật".

Mới đây, một nghiên cứu của bác sĩ Hạnh về tình trạng suy dinh dưỡng trên 200 bệnh nhân nằm điều trị tại 6 khoa lâm sàng đưa ra các con số rất đáng chú ý. Có hơn 1/3 số người bệnh nằm điều trị tại bệnh viện bị suy dinh dưỡng.

Để cho ra tỉ lệ này, khi nhập viện người bệnh sẽ được đo chiều cao, cân nặng, vòng cánh tay tại giường, phỏng vấn tình trạng sụt cân, chế độ ăn uống, bệnh tật, đánh giá khối cơ, mỡ, tình trạng phù, báng... 

Dựa vào công cụ đánh giá tình trạng dinh dưỡng toàn diện chủ quan (SGA), xác định tỉ lệ bệnh nhân suy dinh dưỡng tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn là 35,5%. Con số này tương đương với Bệnh viện Thống Nhất là 34,6%, các bệnh viện đa khoa tại TP.HCM là 34,1% và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên là 33,4%. 

Tuy nhiên lại thấp hơn so với tỉ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân ung thư dạ dày ở Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) là 48% và bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội là 51,7%.

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy nhóm tuổi lớn hơn hoặc bằng 70 tuổi bị cao nhất (chiếm gần 60%), kế đến là nhóm từ 60-69 tuổi (chiếm 50%).

Bệnh nhân suy thận, ung thư mắc nhiều

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, suy dinh dưỡng ở người bệnh trong thời gian nằm viện rất phổ biến trên thế giới. Tỉ lệ suy dinh dưỡng bệnh viện trung bình trên thế giới 20-40% tùy theo các loại bệnh tật.

Nghiên cứu 10 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho thấy ở thời điểm nhập viện có 34,8% bệnh nhân bị suy dinh dưỡng; có hơn 50% bệnh nhân tiếp tục sụt cân trong quá trình điều trị. 

"Tùy vào giai đoạn mà phác đồ điều trị có thể trải qua một số phương pháp như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Điều này kéo theo một số tác dụng phụ như nôn ói, tiêu chảy khiến bệnh nhân có thể bị sụt cân. Nhưng phần lớn bệnh nhân chỉ tập trung vào điều trị mà quên mất vấn đề dinh dưỡng, nâng cao thể trạng" - nghiên cứu của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM phân tích.

Còn theo TS Trần Thị Minh Hạnh, tỉ lệ suy dinh dưỡng cao nhất ở người bệnh lớn tuổi, đang được điều trị tích cực, bệnh ung thư, đường tiêu hóa, một số bệnh mãn tính như bệnh phổi, suy thận, suy gan và bệnh nhân đại phẫu. Điều này thể hiện rõ trong số hàng trăm bệnh nhân suy thận mãn đến lọc máu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. 

Tỉ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhân suy thận mãn có lọc máu chu kỳ là 67%, trong đó có 7,1% bệnh nhân có tình trạng nặng. Nghiên cứu (phương pháp SGA) của nhóm bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương còn chỉ ra mối liên quan giữa thời gian lọc máu và tình trạng suy dinh dưỡng. 

Đó là tỉ lệ suy dinh dưỡng ở nhóm có thời gian lọc máu trên 4 năm cao gấp 2,2 lần so với nhóm lọc máu dưới 2 năm và cao gấp 1,5 lần so với nhóm lọc máu từ 2 - 4 năm.

Nguy cơ từ việc giảm ăn kéo dài

Nguyên nhân của việc suy dinh dưỡng ở nhóm bệnh nhân này, theo nhóm nghiên cứu, xuất phát từ hậu quả của việc tiết chế ăn uống, biếng ăn kéo dài, nhiễm trùng tái diễn, mất nhiều dinh dưỡng cần thiết trong quá trình lọc máu. Ngoài ra, với người suy thận thường kèm theo các yếu tố liên quan đến tâm lý xã hội như mệt mỏi sau lọc thận, trầm cảm, gánh nặng về kinh tế...

"Tình trạng suy dinh dưỡng gây ra những thay đổi về mặt miễn dịch, chẳng hạn sự sụt giảm tế bào lympho sẽ làm tăng tần suất và mức độ nhiễm trùng. Điều này càng làm tăng nguy cơ biến chứng, gia tăng tần suất nhập viện và tử vong" - nhóm nghiên cứu đánh giá.

"Người bệnh bị suy dinh dưỡng không chỉ do sự mất cân bằng giữa năng lượng tiêu thụ và năng lượng tiêu hao. Vấn đề này còn chịu ảnh hưởng bởi bệnh lý, nhiễm trùng, tổn thương và sốt. Suy dinh dưỡng sẽ làm giảm hiệu quả điều trị, tăng tình trạng bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng, chậm lành vết thương, loét tì đè. Đặc biệt kéo dài thời gian nằm viện, kéo theo tăng chi phí, tỉ lệ tử vong ở người bệnh" - bác sĩ Hạnh phân tích.

Đánh giá mức độ suy dinh dưỡng trong 36 giờ đầu

Dựa trên các khuyến cáo và tiêu chí chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, Sở Y tế TP.HCM cho ra đời 12 khuyến cáo nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện.

Trong đó có nội dung đáng chú ý là bảo đảm người bệnh khi nhập viện được cân trọng lượng và đo chiều cao, tính chỉ số khối cơ thể hoặc các chỉ số khác tùy đặc thù của bệnh viện và thể hiện trong hồ sơ bệnh án.

Trong vòng 36 giờ kể từ khi nhập viện, người bệnh được đánh giá phân loại, xác định chính xác nguy cơ suy dinh dưỡng bằng phiếu sàng lọc, đánh giá. Bác sĩ thực hiện khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, tư vấn và chỉ định chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh theo mã của Bộ Y tế và ghi hồ sơ bệnh án.

Khó lành bệnh vì suy dinh dưỡng Khó lành bệnh vì suy dinh dưỡng

TTO - TS Trần Quốc Cường - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho biết nhiều người bệnh nằm viện chỉ thích ăn thức ăn từ ngoài mang vào, không thích hoặc chưa dùng được suất ăn do bệnh viện cung cấp.

HOÀNG LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên