21/04/2011 04:03 GMT+7

Hơn 30% bệnh nhân suy dinh dưỡng

L.ANH - N.HÀ
L.ANH - N.HÀ

TT - Trong một nghiên cứu mới đây về tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân tại bệnh viện, hơn 30% bệnh nhân các khoa tiêu hóa, thần kinh, nội tiết... bị suy dinh dưỡng.

Read this on Tuoitrenews.vn

f7nvmfOt.jpgPhóng to

Người nhà bệnh nhân tham khảo thực đơn mẫu về dinh dưỡng theo bệnh lý tại khoa dinh dưỡng Bệnh viện Bạch Mai trước khi mua suất ăn - Ảnh: N.Hà

Tỉ lệ này lên đến 40-60% đối với các bệnh nhân điều trị tại khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hai khoa ngoại thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM và bệnh viện ở Cần Thơ (qua điều tra về cân nặng, albumin máu trong sáu tháng cuối năm 2010) - PGS.TS Nguyễn Gia Bình, trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho biết.

Ăn cũng cần kê toa như thuốc

“Thói quen ở VN là đưa cơm và cháo nấu từ nhà đến cho bệnh nhân, người nhà nào cũng mang cặp lồng đến bệnh viện, thật ra là không đúng vì chưa đủ thành phần dinh dưỡng. Dinh dưỡng cho bệnh nhân chưa được quan tâm đầy đủ, trong khi dinh dưỡng là một phần tất yếu của điều trị”- ông Bình nói.

Ở nước ngoài thường điều trị cho bệnh nhân là một nhóm gồm bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia dinh dưỡng và điều dưỡng. Khi bác sĩ kê đơn thuốc, dược sĩ sẽ có ý kiến về việc thuốc trong đơn có tương tác với nhau không, chuyên gia dinh dưỡng sẽ cho ý kiến bệnh nhân cần ăn như thế nào, bao nhiêu calo/bữa và điều dưỡng sẽ góp ý về chăm sóc bệnh nhân, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. “Ở VN còn thiếu chuyên gia dinh dưỡng tại bệnh viện, trình độ hiểu biết của bác sĩ và điều dưỡng về dinh dưỡng còn thấp”- ông Bình nhận định.

Đến nay, Bệnh viện Bạch Mai xây dựng được gần 100 ký hiệu chế độ ăn cho các loại bệnh lý khác nhau. Ngay tại cửa bếp ăn có in một loạt thực đơn cho một số loại bệnh lý điển hình để người nhà bệnh nhân tham khảo, chọn lựa. Hiện bệnh viện cung cấp 1.000 suất ăn/mỗi bữa ăn theo chỉ định của bác sĩ. Những suất ăn này được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn và bệnh nhân lựa chọn cho phù hợp với khẩu vị và điều kiện cá nhân.

Tuy nhiên, Bệnh viện Bạch Mai chỉ là bệnh viện hiếm hoi xây dựng được trung tâm dinh dưỡng tiết chế. Còn lại, cảnh thường thấy ở bệnh viện là mỗi người nhà bệnh nhân xách một chiếc cặp lồng, và cổng bệnh viện thì la liệt cháo phở bày lộ thiên không bảo đảm vệ sinh bên hè phố.

Bảo hiểm nên chi trả phí ăn uống

Theo bác sĩ Đinh Thị Kim Liên - giám đốc Trung tâm dinh dưỡng (Bệnh viện Bạch Mai), đặc điểm bệnh lý và tình trạng stress vì bệnh (nhất là bệnh mãn tính) khiến phần lớn bệnh nhân đều chán ăn, dẫn đến sút cân, dễ bị suy dinh dưỡng. dinh dưỡng không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị.

Theo quan điểm y học hiện đại, dinh dưỡng không còn là một cách thức hỗ trợ, mà cùng với thuốc đã trở thành một phương pháp điều trị bệnh cần thiết với mọi bệnh lý. Nếu dinh dưỡng không đủ, cơ thể sẽ không có sức lực chống đỡ bệnh tật.

Bác sĩ Liên cho rằng bệnh lý nào cũng cần quan tâm đến dinh dưỡng: “Bệnh cao huyết áp cần ăn nhạt, người nhà không biết lại cho ăn mặn, nhiều muối, huyết áp tăng cao ngay. Bệnh nhân bệnh thận ăn nhiều đạm làm bệnh nặng hơn. Bệnh nhân phải phẫu thuật nếu dinh dưỡng không tốt, vết mổ lâu lành”.

TS Nguyễn Quốc Tuấn - trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng mấu chốt để cải thiện yếu tố dinh dưỡng trong người bệnh chính là quan niệm đúng đắn về vai trò của thức ăn trong điều trị bệnh tật. “Trong các đơn thuốc xưa, bên cạnh các bài thuốc bao giờ cũng có những căn dặn rất kỹ lưỡng bệnh nhân nên ăn gì, kiêng gì. Thức ăn không chỉ ảnh hưởng đến bệnh tật mà còn có những tương tác nhất định với thuốc”.

Một hiện tượng phổ biến là không ít bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng do không dám ăn nhiều, không dám tẩm bổ vì suy diễn rằng “ăn nhiều thì chất bổ cũng tập trung nuôi khối u hết”. Có bệnh nhân ung thư phổi chỉ dám ăn gạo lứt muối mè, bệnh tiến triển rất nhanh vì bệnh nhân không đủ sức kháng cự lại bệnh tật. “Thực tế bệnh nhân ung thư phải chịu đựng liệu trình điều trị rất vất vả, phải có sức khỏe mới chịu được lượng hóa chất truyền vào cơ thể. Dinh dưỡng không đủ nên nhiều bệnh nhân điều trị không đủ liều truyền, bệnh không cải thiện”, TS Tuấn nói.

Theo bác sĩ Liên, chế độ ăn cho bệnh nhân phải dần được coi như thuốc và phải được bảo hiểm chi trả. Trung bình một ngày bệnh nhân tuân thủ bữa ăn dinh dưỡng theo bệnh lý chi trả 50.000-60.000 đồng/ba bữa, trong khi truyền dịch nuôi dưỡng có khi tốn vài trăm nghìn đồng. Bảo hiểm chỉ chi trả tiền dịch truyền nên xảy ra nghịch lý đáng buồn. Bệnh nhân vẫn có thể ăn được nhưng bác sĩ đành chỉ định truyền dịch để giảm chi phí cho bệnh nhân.

“Tôi đã chứng kiến tận mắt bệnh nhân sau cuộc mổ, gia đình quá nghèo chỉ được ăn bát cháo loãng thì làm sao đủ dinh dưỡng để vết thương được mau lành. Còn nhiều lắm người bệnh phải chi trả tiền thuốc cả triệu đồng và chỉ dám ăn miếng bánh mì qua ngày vì bệnh tật làm kinh tế kiệt quệ...” - bác sĩ Liên chia sẻ.

L.ANH - N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên