19/09/2018 16:38 GMT+7

Dựng 'hàng rào' ngăn rác ngoại

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Ba ngày sau khi báo Tuổi Trẻ kết thúc đăng loạt bài điều tra “Rác thế giới đổ về Việt Nam”, ngày 17-9 Thủ tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị 27/CT-TTg chỉ đạo một loạt biện pháp khẩn cấp, quyết liệt để ngăn rác đội lốt phế liệu vào Việt Nam.

Dựng hàng rào ngăn rác ngoại - Ảnh 1.

Bên cạnh các quy định về nhập phế liệu, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết tái xuất các container rác đội lốt phế liệu còn nằm ở caac1 cảng - Ảnh: V.TR

Trong tuần này Bộ Tài nguyên và môi trường (TN-MT) sẽ báo cáo, đề xuất phương án xử lý hơn 17.000 container phế liệu tồn đọng ở các cảng. Bộ đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2018 các cảng biển sẽ không còn container phế liệu vô chủ. 

Với việc dựng thêm "hàng rào" từ nước ngoài và bịt kín những kẽ hở tại cửa khẩu, những đường dây đưa rác từ nước ngoài vào Việt Nam có bị chặt đứt?

Chặn rác từ bên kia biên giới

Trước nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, Thủ tướng chính phủ yêu cầu 8 bộ: TN-MT, Công thương, Tài chính, GTVT, Quốc phòng, Công an, KH-CN, Ngoại giao và UBND các tỉnh, thành cùng vào cuộc để ngăn chặn rác từ xa.

Điểm mới trong công tác quản lý nhập khẩu phế liệu lần này là Thủ tướng đã cho thiết lập "hàng rào" rất kiên cố ngay từ bên ngoài lãnh thổ. 

Cụ thể, Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ "gác cửa" bằng cách thông báo cho các quốc gia thường xuyên xuất khẩu phế liệu vào Việt Nam biết nước ta chỉ cho nhập chủng loại hàng hóa đạt chuẩn, không nhập rác thải. 

Bộ Công an phối hợp với Interpol đấu tranh phòng ngừa việc lợi dụng nhập phế liệu để đưa rác thải vào Việt Nam. Khởi tố, điều tra, xét xử các vụ vi phạm làm giả hồ sơ để đưa trái phép chất thải vào Việt Nam. 

Ngoài ra, Bộ KH-CN xây dựng quy chuẩn kỹ thuật để ngăn chặn các dây chuyền công nghệ tái chế phế liệu đã qua sử dụng và dây chuyền công nghệ lạc hậu từ nước ngoài lọt vào Việt Nam.

Trong phạm vi lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam, các lực lượng cảnh sát biển, hải quân, bộ đội biên phòng phối hợp với hải quan và địa phương kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc nhập khẩu bất hợp pháp phế liệu vào nước ta. Các tàu vào cảng biển do Bộ Quốc phòng hoặc Bộ GTVT quản lý thì không cho bốc dỡ phế liệu khỏi tàu nếu lô hàng đó không có giấy phép nhập khẩu hợp pháp.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, từ tháng 6-2018 đến nay tất cả các hãng tàu vận tải biển đều đã được thông báo chủ trương này. Chúng tôi đã thử liên hệ với nhiều hãng tàu và một số đại lý tàu biển tại Việt Nam thuê chở phế liệu nhựa từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore về nhưng đều bị từ chối. Ngay cả việc chúng tôi cam kết có giấy phép nhập khẩu hợp lệ thì các hãng tàu cũng không nhận. 

Thực tế, hiện có nhiều hãng tàu đang gặp rắc rối vì trước đây họ vận chuyển container phế liệu tới Việt Nam, nhưng không có đầy đủ hồ sơ nên giờ họ phải tái xuất các lô hàng này. Trong khi không nước nào chịu nhận loại hàng rác thải này.

Chợ trời phế liệu quốc tế hết đất sống

Trước đây hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu vô cùng bát nháo. Các "đầu nậu" mượn (hoặc thuê) giấy phép để nhập hàng về bán cho các doanh nghiệp (DN) tái chế không đủ điều kiện cấp phép thu lợi nhuận kếch sù. Hậu quả là không ai kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường do giặt giũ làm sạch và tái chế phế liệu.

Theo Tổng cục Môi trường, thời gian qua Bộ TN-MT đã cấp 139 giấy phép cho DN nhập khẩu phế liệu trực tiếp để làm nguyên liệu sản xuất và 103 giấy phép nhập khẩu ủy thác. Ngoài ra còn một số giấy phép do các sở TN-MT cấp không ghi hạn ngạch, nên nhiều DN nhập vô tội vạ về bán lại kiếm lời. Hầu hết giấy phép của địa phương cấp sẽ hết hạn trong năm 2018.

Thủ tướng chính phủ chỉ đạo từ nay không cấp mới hay gia hạn giấy phép nhập khẩu ủy thác, chỉ xem xét cấp cho DN nhập trực tiếp về sản xuất. Điều này sẽ gián tiếp "khai tử" chợ trời phế liệu quốc tế tại các cảng biển.

Bộ TN-MT đã rà soát, phân loại toàn bộ container phế liệu tồn đọng ở các cảng. Hơn phân nửa số tồn đọng nghi vấn là của "đầu nậu" vì không có thông tin DN hoặc nếu có thì là địa chỉ "ma". Số khác là của DN không có giấy phép nhập khẩu phế liệu.

Ông HOÀNG VĂN THỨC

Theo ông Hoàng Văn Thức - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, từ tháng 8-2018 đến nay Bộ TN-MT đã không giải quyết gia hạn hay không cấp mới bất kỳ giấy phép nào. Đối với các giấy phép còn thời hạn hiệu lực và còn hạn ngạch thì DN vẫn được phép nhập khẩu bình thường. Tuy nhiên phải nhập đúng chủng loại và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thì mới được đưa lên cảng và làm thủ tục thông quan. 

"Tháng 8-2018 chỉ có một số DN nhập khẩu trực tiếp có nhập một số lô hàng để sản xuất, còn các DN nhập khẩu ủy thác thì án binh bất động" - ông Thức nói.

Liệu những "hàng rào" phòng vệ vừa được Thủ tướng thiết lập có ngăn được rác thải lọt vào Việt Nam? Ông Hoàng Văn Thức nói nhóm giải pháp được nêu tại chỉ thị 27 rất quyết liệt, đủ sức ngăn chặn rác thế giới lọt vào lãnh thổ Việt Nam. 

Ông giải thích: "Chỉ riêng quy định tàu chở phế liệu từ nước ngoài đến Việt Nam mà không trình được giấy phép nhập khẩu của DN thì không cho bốc dỡ lên cảng đã ngăn được từ biển. Nếu hàng lên cảng mà giám định không đạt chuẩn thì DN phải tái xuất. Còn trên đất liền Thủ tướng cấm hoàn toàn việc nhập khẩu bằng đường bộ và đường sắt nên phế liệu và rác thải từ nước ngoài khó có thể lọt vô được".

Xử hơn 17.000 container tồn đọng thế nào?

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan với Thủ tướng, tính đến ngày 28-8 cả nước còn tồn hơn 17.000 container phế liệu chưa làm thủ tục thông quan. Trong đó, Hải Phòng có hơn 4.200 container, TP.HCM hơn 3.100, Bà Rịa - Vũng Tàu hơn 5.500, còn lại nằm ở các cảng khác trong cả nước.

Các cục hải quan TP.HCM và TP Hải Phòng đã nhiều lần có thông báo truy tìm chủ hàng, yêu cầu họ đến làm thủ tục thông quan giải phóng hàng tồn nhưng các chủ hàng "mất tích". Tổng cục Hải quan cho biết vẫn cương quyết buộc các chủ hàng đã lộ diện tiến hành tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Những trường hợp khác thì chờ Thủ tướng chỉ đạo biện pháp xử lý.

Dự kiến trong tuần này Bộ TN-MT sẽ báo cáo thực trạng này, đồng thời đề xuất Thủ tướng các phương án xử lý container tồn đọng. 

Theo đó, đối với container phế liệu có chủ thì kiên quyết yêu cầu DN tới làm thủ tục thông quan. Khi đó sẽ giám định hàng hóa trong container, nếu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bảo vệ môi trường thì cho thông quan, nếu không sẽ buộc DN tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. 

Tuy nhiên, theo một số DN, việc tái xuất là không khả thi do các nước xuất khẩu cũng cấm nhập khẩu loại này. Bộ TN-MT cũng nắm thông tin này nên sẽ đề nghị Thủ tướng cho phép DN tiêu hủy các lô hàng không đạt chuẩn. Chi phí tiêu hủy DN chịu. Quá trình tiêu hủy sẽ được cơ quan chức năng giám sát chặt.

Đối với hơn 50% số container phế liệu vô chủ ở các cảng, Bộ TN-MT đề xuất Thủ tướng giao Bộ Công an, Tổng cục Hải quan điều tra xử lý. Đối với những lô hàng vô chủ mà đạt chuẩn thì sẽ bán đấu giá cho các DN có nhà máy đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường và có nhu cầu nguyên liệu để tái chế.

"Dự kiến đến cuối năm 2018 số container tồn đọng ở cảng sẽ được giải phóng và xử lý dứt điểm" - ông Thức cho biết.

Doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng có đất sống

Một giám đốc DN tái chế nhựa tại Bình Phước cho biết thời gian qua các DN rất lo ngại tình trạng nhập rác thải thay vì phế liệu có thể khiến Chính phủ cấm nhập như Trung Quốc thì hàng loạt DN sẽ chết. Tuy nhiên, với chỉ thị này các DN làm ăn đàng hoàng thở phào bởi vì vẫn được tạo điều kiện nhập khẩu phế liệu đạt tiêu chuẩn từ nước ngoài về sản xuất.

Rác thế giới đổ về Việt Nam - Kỳ 1: Lần theo đường dây nhập rác Rác thế giới đổ về Việt Nam - Kỳ 1: Lần theo đường dây nhập rác

TTO - 4.900 container phế liệu, rác đang ngập ngụa ở VN. Phóng viên Tuổi Trẻ đã lần theo đường đi của phế liệu, rác từ khắp nơi trên thế giới được nhập khẩu công khai về Việt Nam trong những năm qua.

TTO - 4.900 container phế liệu, rác đang ngập ngụa ở VN. Phóng viên Tuổi Trẻ đã lần theo đường đi của phế liệu, rác từ khắp nơi trên thế giới được nhập khẩu công khai về Việt Nam trong những năm qua.
VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên