10/04/2020 13:52 GMT+7

Dịch COVID-19 chiều 10-4: New York nhiều người mắc hơn các nước, Anh gần 1.000 người chết 1 ngày

HỒNG VÂN - BẢO ANH
HỒNG VÂN - BẢO ANH

TTO - New York có đến 162.000 người mắc COVID-19, chiếm gần 1/3 trong tổng số 466.299 ca nhiễm trên toàn nước Mỹ, nhiều hơn cả những quốc gia xếp sau nước Mỹ là Tây Ban Nha và Ý. Anh tăng thêm 980 ca tử vong so với ngày trước đó.

Dịch COVID-19 chiều 10-4: New York nhiều người mắc hơn các nước, Anh gần 1.000 người chết 1 ngày - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

* Bản tin cập nhật lúc 21h30 ngày 10-4

Hãng tin Reuters ngày 10-4 dẫn thông tin từ Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở Anh đã tăng thêm 980 ca so với ngày trước đó, lên tổng cộng 8.958 ca (cao thứ 5 thế giới sau Ý, Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp).

New York ghi nhận số ca nhiễm cao nhất thế giới

Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng 10-4 (giờ địa phương), New York ghi nhận khoảng 162.000 ca bệnh COVID-19, chiếm gần 1/3 trong tổng số 466.299 ca nhiễm trên toàn nước Mỹ.

Trong khi đó Tây Ban Nha hiện là nước có số bệnh nhân COVID-19 cao thứ hai thế giới sau Mỹ, với 157.022 ca. Kế đến là Ý với 143.626 ca. Như vậy số ca nhiễm ở New York còn cao hơn cả Tây Ban Nha và Ý.

Nhà chức trách ở những vùng dịch nghiêm trọng nhất hiện nay là Mỹ và châu Âu cho biết số ca tử vong và nhiễm mới đối với virus corona gây bệnh viêm đường hô hấp cấp hằng ngày giảm nhẹ. Dữ liệu này cho phép chúng ta hi vọng rằng những gì xấu nhất có thể đã qua.

New York: Lần đầu tiên số bệnh nhân dùng máy thở giảm

Thống đốc bang New York Andrew M. Cuomo ngày 10-4 cho hay số ca tử vong do COVID-19 ở bang New York tăng thêm 777 ca trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn so với ngày trước đó (799 ca). Số ca tử vong ở bang này hiện là 7.844.

Lần đầu tiên kể từ lúc dịch bùng phát, số bệnh nhân phải sử dụng máy thở ở New York đã giảm đi, giảm xuống còn 4.908 ngày 10-4 so với con số 4.925 của ngày hôm trước.

Dịch COVID-19 chiều 10-4: New York nhiều người mắc hơn các nước, Anh gần 1.000 người chết 1 ngày - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Phuket: Tỉnh đầu tiên ở Thái Lan phong tỏa

Phuket đã trở thành tỉnh đầu tiên của Thái Lan áp đặt lệnh phong tỏa hoàn toàn kéo dài 14 ngày kể từ 13-4 tới nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.

Theo đó mọi người được yêu cầu ở lại trong nhà, ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt như nhân viên y tế hay quan chức chính quyền. Ai vi phạm các quy định mới có thể bị phạt 1 năm tù và tối đa 100.000 baht.

Trang The Thaiger ngày 10-4 cũng cho biết các thống đốc tại 14 tỉnh (trong tổng số 76 tỉnh của nước này) như Chiang Rai, Tak, Nan... đã tuyên bố áp dụng các hạn chế đi ra và vào các tỉnh của họ.

Thủ tướng Tây Ban Nha: "Đã kiểm soát được tình hình"

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết: "Hiện đã kiểm soát được tình hình khi số ca tử vong của nước này giảm xuống 683 từ con số 757 của ngày hôm trước".

Tây Ban Nha khẳng định trước mắt không nới lỏng các biện pháp bảo vệ dân chúng.

Theo hãng tin Reuters, đến hết ngày 9-4, số ca nhiễm mới ở Tây Ban Nha 4.576 trường hợp. Theo Bộ Y tế nước này, tổng số ca nhiễm virus corona được xác nhận của Tây Ban Nha là 157.022. Số ca tử vong mới tính đến hết ngày 9-4 là 606, tiếp tục xu hướng giảm của những ngày gần đây. Tổng số ca tử vong vì bệnh COVID-19 của Tây Ban Nha là đến nay là 15.843 người.

Số ca tử vong ở Pháp, Mỹ cũng giảm và bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về miễn dịch học, giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia của Mỹ, cũng khẳng định Mỹ đang đi đúng hướng và kiểm soát được đà tăng của dịch bệnh.

Theo hãng tin Reuters, Bộ Y tế Iran cập nhật đến ngày 10-4, số ca nhiễm mới của Iran là 1.972 trường hợp, số ca tử vong mới là 222. Tổng số ca nhiễm virus corona của Iran là 68.192, tổng số ca tử vong vì bệnh COVID-19 là 4.332 người, với 32.309 người hồi phục.

Pháp ghi nhận 50 ca nhiễm trên tàu sân bay

Ngày 10-4, Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận có 50 thành viên trên tàu sân bay Charles de Gaulle, hàng không mẫu hạm duy nhất của nước này, đã dương tính với virus corona chủng mới.

Có 3 thủy thủ được sơ tán bằng máy bay tới một bệnh viện quân đội ở Toulon, miền nam Pháp. Một nhóm thủy thủ đã được xét nghiệm sau khi Bộ Quốc phòng Pháp nhận thấy khoảng 40 người có triệu chứng nghi mắc COVID-19.

Được biết tàu sân bay Charles de Gaulle có 1.760 người phục vụ trên tàu. Hiện một số khu vực của tàu đã bị phong tỏa.

* Tại Ý, số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 570, lên tổng cộng 18.849. Trong khi đó, số ca nhiễm tăng thêm 3.951, lên tổng cộng 147.577.

* Tại Canada, số ca nhiễm tăng từ 19.774 lên 21.243, còn số ca tử vong tăng từ 461 lên 531.

Dịch COVID-19 chiều 10-4: New York nhiều người mắc hơn các nước, Anh gần 1.000 người chết 1 ngày - Ảnh 3.

Du khách mặc đồ bảo hộ bít bùng ở sân bay quốc tế Wuhan Tianhe ở thành phố Vũ Hán - Ảnh: REUTERS

Singapore thêm ca nhiễm ở ổ dịch trong chung cư

Theo báo Channel News Asia, Singapore có 287 ca nhiễm virus corona mới trong vòng 24 giờ qua với hơn một nửa số trường hợp liên quan đến một ổ dịch tại một khu chung cư. Số ca nhiễm mới này là kỷ lục của kỷ lục vì hơn gấp đôi số ca nhiễm của ngày hôm qua, vốn đã là ngày có số ca nhiễm cao nhất từ trước tới nay.

Tổng số ca nhiễm của Singapore hiện là 1.910 trường hợp và 6 trường hợp tử vong vì bệnh COVID-19. 314 người đã hồi phục và xuất viện và 705 người được cho cách ly trong cộng đồng.

Theo báo Phil Star, Bộ trưởng y tế Philippines ngày 10-4 cho biết nước này có thêm 119 ca nhiễm virus corona mới và 18 ca tử vong. Từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, Philippines có 4.195 ca nhiễm virus corona và 221 ca tử vong. Tổng cộng 140 người được điều trị khỏi bệnh. 

Bộ Y tế Philippines cho biết dự báo số ca nhiễm sẽ tăng lên do nước này đang tích cực xét nghiệm.

Ngày 10-4, Malaysia chính thức thông báo gia hạn biện pháp hạn chế di chuyển thêm 2 tuần, đến ngày 28-4.

Theo báo Malay Mail, biện pháp này được áp đặt từ ngày 18-3 để hạn chế tình hình dịch bệnh trên cả nước. Hiện nay Malaysia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất ở Đông Nam Á. Trong ngày 10-4, Malaysia có 118 ca nhiễm mới, tổng cộng nước này có 4.228 ca nhiễm và 67 trường hợp tử vong.

Tân Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin nói với quốc dân: "Phải nhiều tháng chúng ta mới có thể thoát khỏi virus corona".

Ngày 10-4, theo Reuters, bộ Y tế Indonesia công bố thêm 219 ca nhiễm và 26 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus corona của Indonesia là 3.512 trường hợp và tổng số ca tử vong là 306.

Dịch COVID-19 chiều 10-4: New York nhiều người mắc hơn các nước, Anh gần 1.000 người chết 1 ngày - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Campuchia: đưa ra dự luật tình trạng khẩn cấp

Bộ Y tế Campuchia ngày 10-4 công bố thêm 1 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tổng số ca nhiễm tại nước này lên 119 ca, trong đó 72 người đã hồi phục.

Theo Hãng tin Reuters, cùng ngày Campuchia đã thông qua dự thảo luật tình trạng khẩn cấp quốc gia cho phép tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi người dân đối mặt với những nguy hiểm như sự xâm chiếm từ bên ngoài, vấn đề sức khỏe cộng đồng liên quan đến dịch bệnh, hỗn loạn nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và trật tự công cộng, thiên tai nghiêm trọng.

Theo đó, Quốc vương có thể ra tuyên bố đất nước trong tình trạng khẩn cấp sau khi có sự nhất trí của Thủ tướng, Chủ tịch quốc hội và Chủ tịch thượng viện.

Dự luật cần được Thượng viện Campuchia phê chuẩn trước khi trình lên Quốc vương.

Úc: chưa nới lỏng các biện pháp kiểm soát

Theo báo News của Úc ngày 10-4, Úc có 174 ca dương tính với virus corona mới và 1 ca tử vong mới.

Úc hiện có tổng cộng 6.152 ca dương tính với virus corona, và 54 trường hợp tử vong. Úc hiện chưa ở giai đoạn có thể bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, ưu tiên chính lúc này vẫn là làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

Theo hãng tin Reuters, Hungary ghi nhận thêm 210 ca nhiễm virus corona mới, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên 1.190 trường hợp.

Trong khi đó, người phát ngôn của chính phủ Ba Lan dự báo Ba Lan sẽ đạt đến đỉnh dịch trong vài ngày tới. Trong ngày 9-4, Ba Lan có 62 ca nhiễm mới và 15 ca tử vong. Hiện Ba Lan có tổng cộng 5.575 ca nhiễm, 174 ca tử vong.

Theo hãng tin AFP ngày 10-4, số ca tử vong của Bỉ đã lên đến 3.019 trường hợp và 26.667 trường hợp nhiễm virus. Số ca nhiễm mới tính đến hết ngày 9-4 là 1.580 ca và 283 ca tử vong.

Dịch COVID-19 chiều 10-4: New York nhiều người mắc hơn các nước, Anh gần 1.000 người chết 1 ngày - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Đài Loan có ca tử vong thứ 6

Lãnh đạo cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung ngày 10-4 cho biết Đài Loan vừa có ca tử vong thứ 6.

Ngoài ra, trong ngày 10-4 Đài Loan có 2 ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm của Đài Loan là 382 trường hợp.

Các nước Nam Á tiếp tục siết chặt các biện pháp phong toả 

Có tổng cộng 12.000 ca nhiễm virus corona ở các nước Nam Á trong bối cảnh các biện pháp phong toả để kiểm soát dịch bệnh đã diễn ra nhiều tuần. Các bang của Ấn Độ đang kêu gọi Thủ tướng Narendra Modi kéo dài thời hạn phong toả đất nước. Theo báo Times of India, đến ngày 10-4, Ấn Độ hiện có tổng cộng 6.412 ca nhiễm và 199 ca tử vong. 

Nước láng giềng Pakistan có tổng cộng 4.601 ca nhiễm và 66 tử vong. Afghanistan có 521 ca nhiễm, 15 ca tử vong. Sri Lanka có 189 ca nhiễm, 7 ca tử vong. Bangladesh có 330 ca nhiễm, 21 ca tử vong.

Maldives có 19 ca nhiễm, Nepal có 9 ca nhiễm, Bhutan có 5 ca nhiễm. Ở ba nước này, chưa có ca tử vong nào được ghi nhận.

Yemen có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên

Yemen vừa ghi nhận ca dương tính với virus corona chủng mới đầu tiên ở tỉnh Hadramawt, phía nam Yemen, do quân chính phủ kiểm soát. Theo hãng tin AFP, do bị chiến tranh tàn phá, dịch bệnh COVID-19 xảy ra ở nước này sẽ là một thách thức vì Yemen không còn nhiều nguồn lực để đối phó với dịch bệnh.

Ủy ban phụ trách vấn đề khẩn cấp quốc gia tối cao của Yemen đã xác nhận về trường hợp này và cho biết bệnh nhân trong tình trạng sức khoẻ ổn định, được chăm sóc về y tế. Cuộc chiến tranh giữa Yemen và liên quân do Saudi Arabia đứng đầu diễn ra trong nhiều năm qua.

Theo Liên Hiệp Quốc, Yemen đã gặp thảm hoạ nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới do hậu quả của chiến tranh.

Dịch COVID-19 ngày 10-4: Thế giới hơn 1,6 triệu ca nhiễm, Thủ tướng Anh rời khoa chăm sóc đặc biệt Dịch COVID-19 ngày 10-4: Thế giới hơn 1,6 triệu ca nhiễm, Thủ tướng Anh rời khoa chăm sóc đặc biệt

TTO - Tình hình sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson tiếp tục được cải thiện và ông được cho rời khoa chăm sóc đặc biệt. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump thông báo hàng chục liệu pháp điều trị COVID-19 đang được thử nghiệm.

HỒNG VÂN - BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên