10/04/2020 08:27 GMT+7

Dịch COVID-19 đã qua 100 ngày, kế tiếp sẽ ra sao?

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Hôm qua 9-4 đánh dấu 100 ngày virus corona chủng mới xuất hiện, trở thành đại dịch COVID-19 toàn cầu và vượt qua từng biên giới để đến gần như toàn thế giới. Vậy trong 100 ngày tới, thế giới sẽ ra sao?

Dịch COVID-19 đã qua 100 ngày, kế tiếp sẽ ra sao? - Ảnh 1.

Quảng trường Duomo, một điểm du lịch nổi tiếng ở Ý, đông nghẹt người (ảnh trái) đã vắng tanh sau đại dịch COVID-19 - Ảnh: Getty Images

Những dấu vết đầu tiên về cuộc "xâm lược" của COVID-19 được ghi nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc) cuối năm 2019, trong đó nhiều trường hợp bị bệnh viêm phổi lạ được tường thuật phơi nhiễm tại chợ hải sản Hoa Nam ở quận Giang Hán của thành phố. 

Sau 100 ngày, COVID-19 đã tìm đường tới nơi sinh sống của cả giới chính khách và thành viên hoàng gia bên trong các cung điện ở trời Tây.

100 ngày quá nhanh, quá nguy hiểm

"10, 9... 4, 3, 2, 1"... người dân nhiều nơi từ những hòn đảo xa xôi ở Thái Bình Dương cho tới New Zealand, Úc đếm ngược để chia tay năm cũ 2019, đón năm 2020 và cũng là mở đầu của thập niên mới. Những màn pháo hoa sáng rực trời, những cuộc tụ tập đông nghẹt từ Thái Lan cho tới Mỹ. 

Trước đó cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhận được các báo cáo về những ca bệnh viêm phổi lạ ở Vũ Hán. Cũng trong ngày cuối năm này, thông tin về các ca viêm phổi lạ được công bố rộng rãi trên Hãng tin Reuters, báo South China Morning Post... nhưng đã bị che mờ bởi cuộc vui giao thừa.

Ngày đầu năm mới, chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán đóng cửa. Hơn một tuần sau, Trung Quốc xác nhận căn bệnh là do virus corona chưa được phát hiện trước đây và ghi nhận ca tử vong đầu tiên do virus này. 

Đến ngày 13-1, WHO cho biết Thái Lan ghi nhận một ca nhiễm, bệnh nhân đến từ Vũ Hán và cũng là ca nhiễm đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. 

Chỉ trong khoảng 100 ngày, COVID-19 đi từ chợ lên các chuyến tàu điện ngầm, máy bay, du thuyền... vượt từ Vũ Hán ra khắp Trung Quốc, rồi sang từ châu Á, châu Âu tới châu Mỹ và giờ lan rộng ra khoảng 210 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, COVID-19 gây ra cái chết cho dân lành đầu tiên ngay tại Manila, Philippines đầu tháng 2. Sau đó, COVID-19 dồn quân vào "thành trì" Daegu của Hàn Quốc cuối tháng 2 gây ra cơn hoảng loạn. Tiếp đến, COVID-19 tạo ra cơn địa chấn ở châu Âu, với Ý là nơi chịu thiệt hại nặng nhất, buộc đất nước hình chiếc ủng phong tỏa toàn quốc ngày 9-3.

Đến ngày 11-3, WHO đã phải tuyên bố COVID-19 là đại dịch. Và từ lúc đó, thế giới liên tiếp chứng kiến những cột mốc buồn, từ số ca nhiễm dẫn đầu thế giới ở Mỹ, cho tới những kỷ lục thiệt hại nhân mạng ở châu Âu. Đến ngày thứ 100 (9-4), số ca nhiễm toàn cầu vượt 1,5 triệu, với hơn 89.400 ca tử vong.

COVID-19 cũng không sợ một ai, từ dân thường, tài tử Tom Hanks, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thái tử Charles cho tới y bác sĩ - những "chiến binh" ra tuyến đầu cứu dân lành. Cả phim bom tấn đua xe Fast & Furious 9 (Quá nhanh quá nguy hiểm) phải lùi chiếu một năm trước tác động nhanh và nguy hiểm gấp nhiều lần của COVID-19.

Các chuyên gia như ông Michael Ryan của WHO bình luận: "Virus không biết biên giới, không quan tâm sắc tộc, màu da hay bao nhiêu tiền bạn gửi trong ngân hàng". Hay như Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, đánh giá: "Virus không biết biên giới. Thách thức toàn cầu này cần sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn".

100 ngày kế tiếp sẽ ra sao?

Giờ đây, hơn một nửa trong số 7,8 tỉ dân toàn cầu được kêu gọi ở trong nhà để chống dịch COVID-19. Tình trạng phong tỏa, lệnh giới nghiêm, các biện pháp giãn cách xã hội... được áp dụng khắp nơi. 

Vậy trong 100 ngày tới, thế giới sẽ ra sao? Tình hình tiếp tục xấu đi hay người ta sẽ có thể quay lại những ngày tháng bình yên trước kia? Hay có một kịch bản nào khác?

Trên báo Telegraph, nhà báo Paul Nuki dự đoán: "Nếu 100 ngày đầu tiên của đại dịch này được đánh dấu bằng cú sốc chung và giờ là sự thất vọng thì 3 tháng tới sẽ được đánh dấu bằng khả năng thích nghi của chúng ta".

Đây chính là những gì mà các nhà tâm lý học gọi là mô hình Kübler-Ross, hay được biết tới là "5 giai đoạn của nỗi khổ" gồm: chối bỏ, phẫn nộ, kỳ kèo, thất vọng và chấp nhận. 

Cú sốc của 100 ngày qua đã vô cùng dữ dội, nhưng giờ đây người ta đã thấy những mầm xanh của sự hồi phục. Theo nhà báo này, đừng mong đợi lệnh phong tỏa sẽ kết thúc trong 100 ngày tới. Nguy cơ vẫn hiện diện trước mắt chúng ta và cuộc sống sẽ không thể quay lại bình thường hoàn toàn cho đến khi có được văcxin và thuốc trị virus hiệu quả.

Có thể thấy hiện nay, tình hình dịch COVID-19 khác nhau tại nhiều nước. Chẳng hạn Trung Quốc đã qua đỉnh dịch, còn Ba Lan dự kiến tới tháng 5, tháng 6 mới chạm đỉnh dịch. 

Cây bút Roland Oliphant của báo Telegraph cho rằng hiện nay có 3 nhóm nước trên thế giới: nhóm nước đang dần dần thức dậy sau ác mộng COVID-19, nhóm nước đang chìm giữa ác mộng và nhóm nước sắp đối mặt ác mộng. 

Tuy nhiên, theo nhà báo này, tất cả đều đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan chung: làm cách nào để cân bằng giữa mạng sống con người cùng sức khỏe cộng đồng với phát triển kinh tế bền vững.

Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc có thể sẽ dần thực hiện các biện pháp giúp cuộc sống trở lại bình thường, còn các nước phát triển ở châu Âu và Bắc Mỹ - nơi đỉnh dịch vẫn chưa qua - sẽ tập trung vào chuyện cứu người. 

Lệnh phong tỏa vẫn sẽ kéo dài tới mùa hè và căng thẳng xuất phát từ các hậu quả kinh tế, chính trị, xã hội sẽ tăng lên...

Cảnh báo khủng hoảng tài chính

Ngày 9-4, Bộ trưởng Thương mại Singapore Chan Chun Sing cảnh báo COVID-19 có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính cho các nước đang vật lộn với dịch bệnh này. "Điều chúng tôi lo là nếu không cẩn thận, một số nước có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính, đi xa hơn cả một cuộc khủng hoảng y tế và khủng hoảng kinh tế" - ông Chan nói.

Ông giải thích: "Vì nếu bạn không có một sự cân bằng tài chính tốt, bạn cần đi vay mượn. Nếu không mượn được thì phải in tiền. Nhưng nếu in tiền, bạn sẽ làm giảm giá trị đồng tiền và đó là điều rất nghiêm trọng liên quan tới sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu".

WHO và Trung Quốc khẳng định virus corona chủng mới bắt nguồn từ động vật WHO và Trung Quốc khẳng định virus corona chủng mới bắt nguồn từ động vật

TTO - Phái đoàn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Trung Quốc cùng chuyên gia nước sở tại công bố báo cáo cho biết virus corona chủng mới bắt nguồn từ động vật, nhưng chưa chỉ ra chính xác loài nào.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên