28/04/2019 09:27 GMT+7

Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng có lợi

D.KIM THOA - DIỆU AN
D.KIM THOA - DIỆU AN

TTO - Ngày 27-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng nêu rõ thông điệp của Việt Nam tại hội nghị bàn tròn các nhà lãnh đạo trong khuôn khổ diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai - con đường” lần 2 ở Bắc Kinh.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng có lợi - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn chụp ảnh chung - Ảnh: TTXVN

Bàn tròn do Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ tọa với sự tham dự của nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ 37 quốc gia.

“Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng về tính bền vững trên phương diện kinh tế, xã hội, tài chính và môi trường của các dự án.

Thông cáo chung của các lãnh đạo nêu. Văn bản này cũng nói BRI sẽ hoan nghênh các nước phát triển và các nhà đầu tư quốc tế tham gia các dự án.


Cộng hưởng

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, phát biểu tại bàn tròn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các nỗ lực thúc đẩy kết nối, liên kết kinh tế quốc tế, trong đó có sáng kiến "Vành đai - con đường" (BRI).

Thủ tướng hoan nghênh các nguyên tắc hợp tác quan trọng của sáng kiến BRI: "Hợp tác cùng có lợi, cùng thắng giữa các quốc gia, đóng góp vào hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cùng phát triển, đem lại ngày càng nhiều lợi ích cho nhân dân các nước dọc theo tuyến đường BRI".

Theo Thủ tướng, sự cộng hưởng giữa sáng kiến BRI với các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế khác sẽ là tấm gương thành công to lớn về sự gắn kết hài hòa, tương tác hiệu quả, vì hòa bình, bình đẳng cùng có lợi, cùng thịnh vượng và phát triển bền vững. Thủ tướng bày tỏ Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tốt với Trung Quốc và các nước để xây dựng các hình thức hợp tác hiệu quả, cùng có lợi.

"Phát triển là trách nhiệm của mỗi quốc gia và phát huy tốt tiềm năng thế mạnh cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng là nền tảng cho hợp tác thành công" - Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cho rằng chủ đề kết nối của diễn đàn phải được thúc đẩy một cách toàn diện cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, bao gồm cả kết nối số, từ giao thông, năng lượng, thông tin viễn thông... đến kết nối con người.

"Nếu dự án kết nối hạ tầng cơ sở là điều kiện cần thì sự phối hợp giữa các quốc gia nhằm bảo đảm môi trường chính sách thuận lợi là điều kiện đủ để kết nối thành công, mở rộng không gian hợp tác giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và sự tham gia của các doanh nghiệp, người dân" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Nói trước các lãnh đạo thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hợp tác với sáng kiến BRI.

Theo Bộ Ngoại giao, phát biểu của Thủ tướng đã được hội nghị đánh giá cao, nhiều nhà lãnh đạo bày tỏ ủng hộ quan điểm của Việt Nam.

Thêm nhiều nước tham gia BRI

Theo Hãng tin AFP, kết thúc diễn đàn thượng đỉnh kéo dài 3 ngày, ông Tập và 37 nhà lãnh đạo thế giới đã cùng đi tới những cam kết sẽ đảm bảo việc thực thi những dự án thuộc BRI hợp lý về tài chính và bền vững về môi trường sau rất nhiều những ý kiến quan ngại về kinh tế và tổn hại môi trường dấy lên trong dư luận các nước về BRI.

Theo ông Tập, sẽ có thêm nhiều quốc gia tham gia sáng kiến này trong bối cảnh ông cam kết tìm giải pháp giảm nhẹ bớt những băn khoăn, lo ngại liên quan. "Chúng tôi cam kết hỗ trợ sự phát triển cởi mở, xanh và sạch, đồng thời phản đối chủ nghĩa bảo hộ" - ông Tập phát biểu trước báo giới khi kết thúc hội nghị, song không tiếp nhận các câu hỏi.

BRI là chính sách đối ngoại tiêu biểu của ông Tập Cận Bình nhằm hồi sinh lại "Con đường tơ lụa" cổ xưa kết nối châu Á với châu Âu và châu Phi thông qua các khoản đầu tư khổng lồ vào các dự án trên biển, đường bộ và đường sắt, với hàng trăm tỉ USD nguồn vốn đầu tư từ các ngân hàng Trung Quốc.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng đây là kế hoạch nhằm tăng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc với quá nhiều những thỏa thuận mơ hồ nhằm làm lợi cho các công ty Trung Quốc và đẩy các nước liên quan rơi vào thế tăng nợ công và tổn hại môi trường.

Trên thực tế, Mỹ, Ấn Độ và một số nước châu Âu vẫn tỏ ra ngờ vực BRI. Washington đã không cử đại diện tới diễn đàn này. Tuy nhiên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: "Diễn đàn năm nay gửi đi một thông điệp rõ ràng: ngày càng nhiều hơn bạn bè và đối tác sẽ tham gia hợp tác trong Vành đai - con đường".

Ông Tập cũng nói các doanh nghiệp sẽ là động lực chính trong mọi dự án BRI và các nguyên tắc thị trường sẽ được áp dụng, chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. "Điều này sẽ giúp các dự án bền vững hơn và tạo ra môi trường công bằng, không phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài" - ông Tập cam kết.

Trong thông cáo chung, các nhà lãnh đạo của châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin họp mặt tại khu thắng cảnh hồ Nhạn Thê bên ngoài thủ đô Bắc Kinh cũng đã nhất trí là các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò hành động như các nhân tố chính yếu trong các dự án BRI.

Thông cáo phát đi khi kết thúc hội nghị cho biết các nhà lãnh đạo khuyến khích các ngân hàng phát triển đa quốc gia và tổ chức tài chính quốc tế tham gia hỗ trợ các dự án "theo những cách thức bền vững về tài chính" và huy động nguồn vốn tư nhân phù hợp với nhu cầu địa phương.

64 tỉ USD

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết tại diễn đàn hợp tác quốc tế "Vành đai - con đường" lần 2 từ ngày 25 đến 27-4, các lãnh đạo doanh nghiệp đã ký kết các hợp đồng trị giá khoảng 64 tỉ USD. Nhưng ông Tập không cung cấp thông tin chi tiết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

TTO - Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và mong muốn thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước.

D.KIM THOA - DIỆU AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên