27/04/2019 09:49 GMT+7

Việt Nam ủng hộ "Vành đai - con đường" cùng có lợi

DIỆU AN - BÌNH AN
DIỆU AN - BÌNH AN

TTO - Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ việc triển khai sáng kiến "Vành đai và con đường" (BRI) bảo đảm các nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế...

Việt Nam ủng hộ Vành đai - con đường cùng có lợi - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Thủ tướng Lý Khắc Cường trong cuộc gặp ở Bắc Kinh ngày 26-4 - Ảnh: REUTERS

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói như vậy trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh ngày 26-4, theo tin từ Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Giải quyết nhập siêu của Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Trung Quốc đã tích cực phối hợp giải quyết vấn đề nhập siêu của Việt Nam theo hướng thương mại cân bằng, bền vững, mở cửa thị trường cho các sản phẩm sữa và măng cụt của Việt Nam; đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở cửa cho các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam, nhất là thịt heo và tổ yến, tạo thuận lợi cho thương mại gạo giữa hai nước; hoan nghênh Trung Quốc triển khai các dự án, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, đại diện cho trình độ phát triển của Trung Quốc tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung Quốc tìm biện pháp giải quyết một số tồn tại trong các dự án hợp tác giữa hai bên; cấp giờ hạ - cất cánh phù hợp cho các hãng hàng không Việt Nam, thúc đẩy ký mới hiệp định đường sắt, kết nối đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tham gia hiệu quả vào tuyến vận tải Trùng Khánh - Singapore.

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc bày tỏ tán thành những phương hướng và biện pháp lớn do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất; khẳng định Trung Quốc không chủ trương xuất siêu sang Việt Nam.

Chống tham nhũng BRI

Sáng 26-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao của 36 quốc gia tham dự khai mạc Diễn đàn hợp tác quốc tế BRI (BRF) lần 2.

Theo Hãng tin Press Trust of India, tại phiên khai mạc diễn đàn, trong một phát biểu được cho là đề cập đến các chỉ trích về "bẫy nợ" và việc Trung Quốc sử dụng BRI làm công cụ địa chính trị để đạt được vị trí siêu cường, ông Tập đã khẳng định BRI "không phải là một câu lạc bộ độc quyền".

"Mọi thứ cần được thực hiện một cách minh bạch và chúng tôi không chấp nhận nạn tham nhũng" - ông Tập nêu rõ.

Ông Tập cũng khẳng định bảo vệ môi trường phải là một trụ cột quan trọng nhằm "bảo vệ ngôi nhà chung nơi chúng ta đang sống". "Chúng ta phải giữ vững khái niệm cởi mở, xanh và sạch. Xây dựng cơ sở hạ tầng toàn diện, chất lượng cao, bền vững, chống rủi ro, có giá cả hợp lý sẽ giúp các quốc gia tận dụng đầy đủ nguồn lực của họ" - ông Tập phát biểu.

Không như BRF đầu tiên hồi năm 2017, nơi ông Tập cho biết các ngân hàng Trung Quốc sẽ cho vay 380 tỉ nhân dân tệ (56,43 tỉ USD) để hỗ trợ hợp tác BRI, ông Tập không đưa ra con số hỗ trợ tài chính tại BRF năm nay.

Bình luận về BRI, Thủ tướng Hun Sen của Campuchia nói BRI không chỉ mang lại lợi ích cho người dân xứ chùa tháp, mà còn "không làm tăng nợ công" cho nước này. Còn Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad chia sẻ: "Tôi hoàn toàn ủng hộ sáng kiến BRI. Tôi chắc chắn đất nước của tôi, Malaysia, sẽ hưởng lợi từ dự án này".

Tuy nhiên, Mỹ - quốc gia không gia nhập BRI và nhiều lần cảnh báo về các nguy cơ khi gia nhập sáng kiến này - không cử các quan chức cấp cao đến dự BRF lần 2. "Chúng tôi tiếp tục lo ngại nghiêm trọng rằng những hoạt động ngoại giao hạ tầng của Trung Quốc phớt lờ hoặc làm suy yếu các chuẩn mực quốc tế cùng những thủ tục tốt nhất liên quan tới phát triển, bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường" - Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh nêu rõ.

Đề nghị Trung Quốc không làm phức tạp tình hình trên biển

Tại hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường về vấn đề trên biển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung Quốc thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển đạt tiến triển thực chất; đạt tiến triển về phân định ở khu vực ngoài cửa vịnh Bắc Bộ vào năm 2020; xử lý vấn đề nghề cá và ngư dân trên tinh thần nhân đạo; sớm ký kết Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển Việt Nam - Trung Quốc...

Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc sẽ nỗ lực cùng Việt Nam kiểm soát tốt bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc

TTO - Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc và mong muốn thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước.

DIỆU AN - BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0