09/04/2013 09:17 GMT+7

Tên lửa nghênh chiến tên lửa

VIỆT PHƯƠNG - SƠN HÀ
VIỆT PHƯƠNG - SƠN HÀ

TT - Nhiều dự đoán liên quan đến thời hạn 10-4 mà Bình Nhưỡng đã nêu ra mấy ngày trước: sẽ có một vụ thử tên lửa! Các nước trong khu vực đã lên tiếng: sẽ giương tên lửa chực chờ!

1Wxw3GEf.jpgPhóng to
Nguồn: Global Security - Đồ họa: V.Cường

Ngày 8-4, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã ra lệnh cho các lực lượng vũ trang bắn hạ bất cứ tên lửa nào của CHDCND Triều Tiên bay về phía lãnh thổ Nhật. AFP cho biết theo mệnh lệnh này, các tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa Aegis đánh chặn trên biển của Nhật sẽ được điều động đến biển Nhật Bản để sẵn sàng đối phó.

Khiêu khích và chống khiêu khích!

Mệnh lệnh này được Tokyo đưa ra dựa trên dự đoán CHDCND Triều Tiên sẽ phóng thử tên lửa trong tuần này, có thể trước hoặc sau ngày 10-4, thời điểm mà Bình Nhưỡng khuyến cáo các nhà ngoại giao quốc tế nên rút khỏi thủ đô Bình Nhưỡng vì không thể đảm bảo an ninh cho các sứ quán.

"Sự tàn phá còn lớn hơn thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986"

Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại nếu căng thẳng leo thang nổ ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên.

"Một giải pháp phù hợp cho vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là trách nhiệm của tất cả các bên"

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Trung Quốc mong muốn nhìn thấy hòa bình chứ không phải chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Giải thích việc Tokyo không tổ chức “họp báo đặc biệt” về mệnh lệnh trên, người phát ngôn giấu tên của Bộ Quốc phòng Nhật cho rằng Tokyo “không muốn bị xem là chịu ảnh hưởng từ những khiêu khích của phía Triều Tiên thời gian qua” và muốn giữ bí mật, bởi “nếu chúng tôi công bố mệnh lệnh và giải thích chi tiết, Triều Tiên sẽ biết một phần chiến lược của chúng tôi”. Nhưng ông cũng lập tức tìm cách “hạ nhiệt” khi nhấn mạnh “không có nhiều khả năng tên lửa (của Triều Tiên) sẽ nhắm vào Nhật, nhưng chúng tôi đã quyết định chuẩn bị cho mọi tình huống”.

Trong khi đó, theo báo New York Times, Mỹ và Hàn Quốc đã lên kế hoạch “chống khiêu khích” đối với những hành động từ phía Triều Tiên, nhưng sẽ được giới hạn để tránh leo thang tình hình lên mức một cuộc chiến. Theo kế hoạch này, nếu Bình Nhưỡng tấn công bằng vũ khí gì, quy mô nào thì họ sẽ bị đáp trả bằng các loại vũ khí tương tự, với quy mô tương ứng. Nếu Bình Nhưỡng phóng tên lửa Musudan mới, Lầu Năm Góc nói sẽ tính toán quỹ đạo bay của tên lửa này trong vài giây và sẽ bắn hạ nếu nó có khả năng ảnh hưởng đến Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc đảo Guam. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không làm gì nếu tên lửa này bay ra vùng biển trống.

uOU0vfXx.jpgPhóng to
Ba thành phần của lá chắn tên lửa Mỹ: rađa X-band, tên lửa THAAD, tàu khu trục Aegis - Ảnh: Global Security

Hệ thống đánh chặn châu Á của Mỹ

Theo báo cáo Phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMDR) của Bộ Quốc phòng Mỹ, Mỹ đang theo đuổi hợp tác xây dựng lá chắn tên lửa tại châu Á với Nhật, Hàn Quốc, Úc và sắp tới có thể là Philippines. Nhật là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực. Với sự hỗ trợ của Mỹ, Nhật đã xây dựng một lá chắn tên lửa riêng bao gồm tàu khu trục được trang bị hệ thống tên lửa đánh chặn Aegis, PAC-3, một trạm rađa X-band chuyên dò tìm tên lửa đối phương ở căn cứ Shariki tại phía bắc Nhật Bản.

Theo trang web Bộ Quốc phòng Nhật, Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản hiện có bốn tàu khu trục lớp Kongo được trang bị hệ thống tên lửa Aegis, hai tàu khu trục lớp Atago vốn là phiên bản hiện đại hơn của tàu lớp Kongo. Ngoài Mỹ, Nhật là nước duy nhất có khả năng bắn chặn tên lửa đạn đạo ở tầng khí quyển cao. Nhật cũng đang hợp tác với Cơ quan Phòng vệ tên lửa Mỹ để phát triển tên lửa Standard Missile (SM) thế hệ mới của hệ thống Aegis. Ngoài ra, Mỹ và Nhật đã đạt thỏa thuận xây dựng một hệ thống rađa X-band mới ở miền nam Nhật Bản.

Mỹ đã hỗ trợ Hàn Quốc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa riêng. Hàn Quốc hiện có ba tàu khu trục lớp Sejong trang bị hệ thống tên lửa Aegis, các khẩu đội tên lửa Patriot (chống tên lửa đạn đạo tầm ngắn) và đặt mục tiêu phát triển thêm các hệ thống tên lửa đánh chặn trên đất liền và trên biển, cũng như xây dựng trạm rađa X-band.

Mỹ cũng đang xây dựng lá chắn tên lửa chung với Úc được khởi động từ năm 2004. Mỹ và Úc đang chia sẻ các dữ liệu phòng thủ tên lửa và tập trận chống tên lửa chung. Úc đang đóng ba tàu khu trục lớp Hobart, trang bị hệ thống Aegis.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc đang xem xét khả năng xây dựng trạm rađa X-band tại Philippines. Tạp chí The Diplomat dẫn lời một số quan chức quân sự Mỹ tiết lộ trạm rađa này không chỉ có tác dụng dò tìm tên lửa từ CHDCND Triều Tiên mà còn từ cả Trung Quốc. Ba trạm rađa X-band của Mỹ sẽ tạo thành một vòng cung giúp Mỹ và các đồng minh khu vực phát hiện và đánh chặn tên lửa từ CHDCND Triều Tiên một cách dễ dàng hơn.

Thời gian qua, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ không giấu giếm mục tiêu ngăn chặn tên lửa từ Trung Quốc. Các chuyên gia an ninh Mỹ nhận định với hệ thống lá chắn tên lửa toàn châu Á, Washington muốn gửi đến Bắc Kinh một thông điệp: Mỹ vẫn là quyền lực số 1 về an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương.

VIỆT PHƯƠNG - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên