28/11/2015 20:44 GMT+7

Nguyên giám đốc Sở Y tế làm trưởng khoa y trường kinh doanh

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TTO - Ngày 28-11, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội tổ chức họp báo giải thích về điều kiện mở ngành y, dược của trường mà Bộ GD-ĐT vừa cấp phép.

GS Trần Phương, hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trước luồng dư luận cho rằng điểm chuẩn ngành y đa khoa các trường khối y, dược truyền thống rất cao, thường từ mức 25 - 27 điểm, còn Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội “có vẻ xem nhẹ đầu vào” khi chỉ nhận mức xét tuyển với ngành này từ 20 điểm sẽ tạo độ “vênh” về chất lượng, GS Trần Phương - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - cho rằng mức điểm 20 không phải là thấp.

“So với điểm sàn Bộ GD-ĐT đặt ra là 15 điểm là điểm đủ để thí sinh theo học ĐH thì điểm nhận hồ sơ với ngành y, dược ở mức 20 điểm cũng là tương đối cao. Trường không coi nhẹ đầu vào, nhưng chúng tôi coi trọng đầu ra hơn để bắt nhịp với xu hướng đào tạo chung của thế giới” - GS Trần Phương nói.

Lý giải về đội ngũ giảng viên của nhà trường mà theo đại diện Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) là chưa đáp ứng đủ yêu cầu Bộ Y tế đặt ra, GS Trần Phương cho biết Bộ Y tế yêu cầu điều kiện mở ngành y đa khoa cần 50 giảng viên trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 6 tiến sĩ thì trường đã đáp ứng đủ yêu cầu về 6 trưởng bộ môn có trình độ tiến sĩ, chức danh GS, PGS. Còn đội ngũ giảng viên của trường ở ngành này hiện đã có 47 người cam kết làm việc.

Theo thẩm định hơn một tháng trước của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, trong số 47 giảng viên ngành y đa khoa của trường chỉ có 17 người có hồ sơ minh chứng là giảng viên cơ hữu, số còn lại chỉ có cam kết sẽ làm giảng viên cơ hữu sau khi trường được mở ngành.

Theo ông Trần Phương, số lượng giảng viên hiện có của trường đảm bảo đủ cho những năm giảng dạy đầu tiên, các năm sau sẽ mời tiếp.

“Kể cả khi trường mời đủ số lượng giảng viên như yêu cầu thì cũng sẽ có những người không về ngay vì trả lương mà lại chưa giảng dạy gì thì người ta không nhận” - GS Phương lý giải.

Một mô hình trực quan tại phòng thực hành giải phẫu tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trước ý kiến cho rằng kể cả khi chưa giảng dạy trực tiếp, giảng viên ĐH vẫn cần phải đến cơ sở đào tạo để nghiên cứu, bổ sung kiến thức cho bài giảng sau này của mình, ông Phương cho rằng các trường ĐH ở Việt Nam cũng như bất cứ nước nào trên thế giới cũng đều không bắt buộc các giáo sư phải đến trường làm việc tám giờ/ngày.

Theo kế hoạch, sau khi Bộ GD-ĐT cho phép trường tuyển sinh như công văn trường đã đề nghị, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội sẽ chính thức tuyển sinh ngành y đa khoa và dược học hai đợt/năm, bắt đầu từ năm 2016: đợt 1 vào tháng 1 và tháng 2-2016, đợt 2 từ tháng 8 đến tháng 10-2016.

Nhân sự chủ chốt khoa y Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội

* Chủ nhiệm khoa: GS.TSKH Lê Anh Tuấn - nguyên giám đốc Sở Y tế Hà Nội

* Phó chủ nhiệm khoa:

- PGS.TS Nguyễn Văn Tường - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội kiêm phó vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo - Bộ Y tế

- GS.TS Phạm Vinh Quang - nguyên chủ nhiệm bộ môn phẫu thuật lồng ngực và mạch máu Bệnh viện 103 - Học viện Quân y

* Các giảng viên cơ hữu:

- TS Nguyễn Thị Bích Đào - thầy thuốc nhân dân, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa

- PGS.TS Nguyễn Văn Thắng - giảng viên chính bộ môn nhi ĐH Y Hà Nội

- GS.TS Phạm Ngọc Đính - nguyên phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương

- BSCKII Trần Văn Hùng - giảng viên chính bộ môn phụ sản Trường ĐH Y Hà Nội

- BSCKII Lê Thị Thanh Vân - nguyên chủ nhiệm khoa Bệnh viện 354, phó giám đốc Bệnh viện Tràng An - Hà Nội

- BSCKII Phạm Văn Choang - trưởng khoa Bệnh viện Nội tiết trung ương

* Phòng khám đa khoa:

- BS Chu Tiến Cường - trung tướng, nguyên cục trưởng Cục Quân y.

Nguồn: Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội

 

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên