17/10/2013 00:53 GMT+7

Nghiêm trọng hay không nghiêm trọng?

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Một số nhà kinh tế cho rằng tác động của vỡ nợ Mỹ nếu ngắn hạn thì “không có gì quá nghiêm trọng”.

Trong những ngày qua, các nhà lãnh đạo tài chính toàn cầu liên tục cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng của nguy cơ Mỹ vỡ nợ. Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng nước Mỹ vỡ nợ sẽ “gây xáo trộn thế giới”. Những người khác dự báo viễn cảnh lãi suất tăng vọt, tăng trưởng đình trệ, thậm chí nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái tương tự hậu quả của vụ Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ năm 2008.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế nói Mỹ vỡ nợ thực tế chỉ là “vỡ nợ một phần” do vấn đề chính trị trong nước, còn thực tế Mỹ vẫn có khả năng trả nợ sau đó. Vì vậy, họ cho rằng “vỡ nợ” sẽ không kéo dài và tác động sẽ không phải là quá lớn. Tạp chí Foreign Policy dẫn lời Hãng nghiên cứu Capital Economics (Anh) cho rằng giới truyền thông đã thổi phồng hậu quả. “Tác động sẽ hạn chế và kém xa những gì đã xảy ra sau vụ Ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ. Bởi tình trạng vỡ nợ không đồng nghĩa với việc chính quyền Mỹ không có khả năng trả nợ” - Capital Economics nhận định.

Theo Capital Economics, một khi các chính trị gia Mỹ đạt được một thỏa thuận, lập tức Chính phủ Mỹ sẽ phục hồi khả năng trả nợ. “Ngoài ra, vụ Ngân hàng Lehman Brothers xảy ra bất thình lình, trong khi chính phủ các nước và các thị trường đã có sự chuẩn bị để đối phó với nguy cơ Mỹ vỡ nợ” - Capital Economics cho biết.

Nhật, Trung Quốc lo ngại

Trung Quốc và Nhật, lần lượt giữ 1.280 tỉ USD và 1.140 tỉ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, đều bày tỏ quan ngại về nguy cơ Mỹ vỡ nợ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khoản đầu tư của hai quốc gia này. Tuy nhiên, nhà phân tích Andrew Kenningham của Capital Economics cho rằng ảnh hưởng của vụ vỡ nợ đối với Bắc Kinh và Tokyo sẽ không lớn với điều kiện Chính phủ Mỹ sẽ thanh toán đầy đủ cho hai nước này sau đó. Hãng Bloomberg cũng dẫn lời cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Roger Altman cho rằng vụ vỡ nợ ngắn ngày sẽ không dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Theo khảo sát của IGM, 36 chuyên gia kinh tế quốc tế đánh giá tình trạng Mỹ vỡ nợ càng sớm chấm dứt thì thiệt hại càng giảm thiểu. Mối đe dọa thật sự đối với nền kinh tế toàn cầu là tình trạng vỡ nợ kéo dài, đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái mới. Nếu vụ vỡ nợ kéo dài nhiều tuần, các nhà đầu tư có thể xác định trái phiếu chính phủ Mỹ không còn là tài sản an toàn. Khi đó, khủng hoảng tài chính toàn cầu sẽ nổ ra.

Tuy nhiên các chuyên gia Capital Economics cho rằng khả năng này khó xảy ra. AP cũng dẫn lời một số nhà phân tích khác nhận định: “Các chính trị gia ở Washington quả là ngu xuẩn nhưng cũng không ngu xuẩn đến mức đó”. Bất chấp những dự báo trên, thị trường vẫn phản ứng tiêu cực với nguy cơ Mỹ vỡ nợ. Theo Reuters, giá cổ phiếu châu Âu giảm 0,1-0,2%, các thị trường chứng khoán châu Á sụt 0,1% dù vẫn đứng ở mức cao.

Theo báo USA Today, hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đe dọa sẽ hạ bậc tín dụng Mỹ từ “tiêu chuẩn vàng” AAA nếu Mỹ vỡ nợ. Dù vậy, hãng Moody’s và S&P tuyên bố chưa có kế hoạch hạ bậc tín dụng của Mỹ.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Chính phủ Mỹ trước nguy cơ vỡ nợNếu không nâng mức trần nợ công, Washington sẽ vỡ nợ Mỹ cận kề nguy cơ vỡ nợMỹ lên kế hoạch B tránh thảm họa vỡ nợ Chính phủ bất đồng, Mỹ đối mặt nguy cơ vỡ nợ

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên