30/03/2015 10:40 GMT+7

​Lễ phép, kính trọng nhân dân

* ThS ĐỖ THỊ LAN ANH (tổng biên tập tạp chí Sổ Tay Xây Dựng Đảng, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM)
* ThS ĐỖ THỊ LAN ANH (tổng biên tập tạp chí Sổ Tay Xây Dựng Đảng, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM)

TT - Hẳn không phải ngẫu nhiên, điều thứ tư trong sáu điều Bác dạy công an nhân dân là phải kính trọng, lễ phép đối với nhân dân.

Có thể nói, hơn bao giờ hết, trong tình hình hiện nay những lời nhắc nhở hàm chứa những giá trị tư tưởng, đạo đức nhân văn cao quý của Bác càng trở nên có ý nghĩa thời sự và lý luận sâu sắc với những cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân.

Vì sao Bác Hồ lại nhắc nhở công an phải kính trọng, lễ phép với nhân dân? Đó là vì công an nhân dân là một lực lượng vũ trang trọng yếu của Đảng và Nhà nước nhưng đây lại là lực lượng “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, hi sinh và phục vụ”.

Có thể khẳng định thái độ ứng xử đối với nhân dân có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách người công an cách mạng - công an nhân dân.

Muốn hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, ngoài những phẩm chất nổi bật khác như lập trường tư tưởng vững vàng, lòng dũng cảm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ... thì trọng dân, lễ phép với dân là một phẩm chất cao quý được gắn với bản chất tốt đẹp của mỗi cán bộ chiến sĩ công an nhân dân.

Kính trọng, lễ phép với nhân dân không chỉ giúp cán bộ chiến sĩ công an luôn đoàn kết gắn bó mật thiết với nhân dân, mà còn dựa vào nhân dân để rèn luyện, chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trong bài nói chuyện tại Trường Công an trung cấp khóa 2 năm 1951, Bác Hồ phân tích: “Công an ta có bao nhiêu người? Dù có vài ba nghìn hay năm bảy vạn đi nữa thì lực lượng ấy vẫn còn ít lắm bên cạnh lực lượng nhân dân. 5 vạn người thì chỉ có 5 vạn cặp mắt, 5 vạn đôi bàn tay. Phải làm sao có hàng triệu đôi bàn tay, hàng chục triệu cặp mắt và đôi tai mới được.

Muốn như vậy, phải dựa vào dân, không được xa rời dân. Nếu không thế thì sẽ thất bại”. Gần dân, kính trọng, yêu thương nhân dân để nhân dân giúp chính quyền, giúp công an bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Gần dân, kính trọng, yêu thương nhân dân để nhân dân hiểu rõ sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội quan hệ trực tiếp đến lợi ích bản thân của mỗi người, từ đó mỗi người đều có trách nhiệm tham gia xây dựng thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân, tạo thành sức mạnh của lòng dân.

Nhân dân yêu mến những cán bộ, chiến sĩ công an ngày đêm lăn lộn, gắn bó với cuộc sống người dân, dũng cảm chiến đấu với bọn tội phạm để bảo vệ sự bình yên của quê hương, đất nước.

Nhân dân yêu mến những chiến sĩ công an hết lòng cùng chính quyền chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân.

Nhân dân tin cậy, yêu thương những cán bộ chiến sĩ công an có lương tâm, trong sáng, tận tụy với công việc, sẵn sàng vượt lên mọi áp lực để không xảy ra oan sai và bỏ sót tội phạm, bảo vệ công lý xã hội.

Nhân dân yêu quý những chiến sĩ công an không chỉ nghiêm trang, trách nhiệm trong sắc phục công an mà còn có một trái tim nhân ái luôn yêu thương, giúp đỡ nhân dân.

Và nhân dân mãi biết ơn những chiến sĩ công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, quên mình trên mặt trận thầm lặng, dũng cảm lao vào hang ổ bọn tội phạm, lưu manh côn đồ để chiến đấu gìn giữ sự bình yên cho Tổ quốc, cho cuộc sống an lành của nhân dân.

Thế nhưng, bên cạnh những hình ảnh đẹp đó, phải thẳng thắn thừa nhận có những cán bộ, chiến sĩ công an không còn là những công bộc của dân mà trở thành những “ông quan cách mạng” nhũng nhiễu, cửa quyền, hạch sách dân.

Nhân dân bất bình, thậm chí căm ghét một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức, lối sống, trong đó có lực lượng công an. Họ không chỉ làm xấu hình ảnh người chiến sĩ công an mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân, làm hại thanh danh của lực lượng công an nhân dân.

Làm thế nào để tiếp tục xây dựng và củng cố hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân gần dân, kính trọng, lễ phép với nhân dân, “đi dân nhớ, ở dân thương”?

Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân phải nỗ lực rèn luyện, xây dựng nếp sống văn hóa ứng xử tốt đẹp với nhân dân, với đồng chí đồng đội, với bản thân mình.

(*) Trích tham luận được trình bày tại hội thảo khoa học “Vai trò của lực lượng công an nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM (1945-2015)”.

* ThS ĐỖ THỊ LAN ANH (tổng biên tập tạp chí Sổ Tay Xây Dựng Đảng, Ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên