29/07/2020 06:30 GMT+7

Dịch COVID-19: Mỹ vẫn 50.000 ca mới mỗi ngày, EU chi 63 triệu euro mua thuốc remdesivir

ANH THƯ - BẢO ANH - MINH KHÔI - KIM THOA
ANH THƯ - BẢO ANH - MINH KHÔI - KIM THOA

TTO - Tính đến 6h ngày 29-7, thế giới đã có gần 17 triệu ca nhiễm virus corona chủng mới. Mỹ tiếp tục ghi nhận trên 50.000 ca bệnh mới hằng ngày. Các khu ổ chuột của thành phố Mumbai của Ấn Độ đã có hơn nửa dân số mắc COVID-19.

Dịch COVID-19: Mỹ vẫn 50.000 ca mới mỗi ngày, EU chi 63 triệu euro mua thuốc remdesivir - Ảnh 1.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Theo trang worldometers.info, hiện đã có 16.847.493 người mắc COVID-19, 661.524 người chết và 10.423.710 người khỏi bệnh trên toàn cầu. Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu với 4.488.483 ca COVID-19, tiếp theo là Brazil với 2.483.191 ca và Ấn Độ là 1.532.125 ca.

Hơn 150.000 người Mỹ đã chết vì COVID-19

Đây là số liệu thống kê trên cơ sở dữ liệu của báo New York Times công bố ngày 29-7 giờ Mỹ. Cột mốc u ám này được ghi nhận vào thời điểm số người chết vẫn tăng, trong khi số ca bệnh và số người phải nhập viện tiếp tục bùng nổ tại nhiều khu vực. 

 Như vậy sau 5 tháng, nước Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 vào tháng 2-2020, tới hôm nay 29-7 nước Mỹ đã có hơn 150.000 người chết. 

Thống kê theo thời gian thực của Worldometers, tới 23h10 ngày 29-7, nước Mỹ có 152.729 người chết vì corona. 

Các cột mốc đáng buồn khác như 50.000 người chết được ghi nhận ngày 27-4 và 100.000 người chết vào ngày 27-5. 

Trong giai đoạn đỉnh điểm dịch bệnh trước, tức cuối tháng 4, tổng số người chết vì COVID-19 của Mỹ chủ yếu ở bang New York, nơi mà vào thời điểm kinh hoàng nhất có tới 1.000 người chết mỗi ngày. Nhưng nay, số người chết được ghi nhận ở nhiều bang, đặc biệt ở các bang miền Nam. Tuần qua bang Texas có hơn 2.100 người chết.

Nga cam kết sản xuất các vắc xin COVID-19 "triển vọng" trong tháng 9

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp hôm nay 29-7 do Tổng thống Vladimir Putin chủ trì, Phó Thủ tướng Tatyana Golikova nêu ra cụ thể hai loại vắc xin tiềm năng đang được phát triển. Đây là sản phẩm của viện nghiên cứu Gamaleya ở Matxcơva (Moscow) và phòng thí nghiệm Vektor State ở Siberia.

"Hiện nay đây là hai loại vắc xin triển vọng nhất", Phó Thủ tướng Tatyana Golikova nói.

Chính phủ Nga cũng thông báo kế hoạch bắt đầu sản xuất hai loại vắc xin này lần lượt trong tháng 9 và tháng 10 tới đây.

Nga đang là nước có số ca bệnh COVID-19 cao thứ 4 thế giới và đang nỗ lực thúc đẩy công tác nghiên cứu để trở thành nước đầu tiên trên thế giới sản xuất được vắc xin ngừa căn bệnh này.

Ý gia hạn thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp 

Quốc hội Ý hôm nay 29-7 đã phê chuẩn việc gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia cho tới 15-10, tạo điều kiện để chính phủ được linh hoạt quyết định trong công tác phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh COVID-19. 

Nếu không gia hạn, tình trạng khẩn cấp ở Ý sẽ kết thúc ngày 31-7. 

Mặc dù kéo dài tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte hôm nay khẳng định với các nghị sĩ, việc gia hạn không có nghĩa sẽ đi kèm với các lệnh phong tỏa mới. 

Ý là quốc gia đầu tiên ở châu Âu bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới. Tới nay Ý có hơn 246.000 ca bệnh, trong đó hơn 35.000 người đã chết.

Dịch COVID-19: Mỹ vẫn 50.000 ca mới mỗi ngày, EU chi 63 triệu euro mua thuốc remdesivir - Ảnh 2.

Một phụ nữ người Romania đang tới làm xét nghiệm COVID-19 tự nguyện tại một điểm ở thành Rome, Ý ngày 29-7-2020 - Ảnh: REUTERS

EU chi 63 triệu euro (74 triệu USD) mua thuốc remdesivir

Theo hãng tin Reuters, Liên minh châu Âu (EU) hôm nay 29-7 thông báo đã đồng ý chi 63 triệu euro (74 triệu USD) để mua số liều thuốc kháng virus remdesivir đủ dùng cho khoảng 30.000 người bệnh COVID-19 và hi vọng có thể đặt mua thêm nữa sau này.

Thuốc remdesivir mới chỉ được cấp phép ở EU dùng điều trị cho những người bệnh có triệu chứng nặng. Tuy nhiên gần như mọi nguồn cung thuốc này của nhà sản xuất Gilead (Mỹ) đều đã được chính quyền Mỹ mua hết để phục vụ nhu cầu điều trị trong nước.

Trong tháng 6, chính phủ Mỹ đã ký thỏa thuận với Gilead mua hơn 500.000 liệu trình điều trị thuốc remdesivir. Số thuốc này bằng gần như toàn bộ sản lượng thuốc remdesivir Gilead sản xuất cho tới hết tháng 9 năm nay.

Hong Kong ngày thứ 8 liên tiếp trên 100 ca nhiễm mới

Hong Kong ngày 29-7 ghi nhận 120 ca nhiễm mới virus corona, ngày thứ 8 liên tiếp có hơn 100 ca nhiễm mới mỗi ngày.

Cùng ngày, một phụ nữ 76 tuổi đã tử vong do virus corona. Bà là trường hợp tử vong mới nhất và là người thứ 5 ở Hong Kong chết vì virus corona kể từ thứ hai đầu tuần.

Cho tới nay, tổng số ca nhiễm ở Hong Kong là 2.884 ca và 24 ca tử vong.

Trung Quốc có số ca nhiễm cao nhất từ giữa tháng 4

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 29-7 cho hay Trung Quốc đã ghi nhận thêm 101 ca bệnh COVID-19 trong ngày 28-7 và đây là số ca nhiễm trong một ngày cao nhất trong 3 tháng rưỡi qua ở nước này, tính từ giữa tháng 4.

Trong số này có tới 89 ca ở Tân Cương, 8 ca ở Liêu Ninh, 1 ca ở Bắc Kinh và 3 ca "nhập khẩu". Trung Quốc cũng ghi nhận thêm 27 ca không có triệu chứng, ít hơn con số 34 của ngày trước đó.

Đến nay, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 84.060 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong do COVID-19.

Mỹ vẫn 50.000 ca mới mỗi ngày

Ngày 28-7, Thống đốc bang Virginia - Mỹ thông báo sẽ áp đặt các hạn chế mới đối với các nhà hàng và quán bar đối với khu vực phía đông của bang này. Đây là khu vực ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Các quán bar ở khu vực Hampton Roads sẽ bị cấm phục vụ rượu sau 10h tối và các nhà hàng sẽ phải đóng cửa trước nửa đêm, đồng thời giảm 50% sức chứa khách ăn trong nhà hàng. Ngoài ra, tất cả các cuộc tụ họp cá nhân hay công cộng ở khu vực phía đông này, trong đó có bãi biển Virginia Beach, sẽ hạn chế tối đa số người tham dự là 50 người, giảm từ 250 người hiện nay.

Thống đốc bang Northam cho biết các hạn chế mới được đưa ra nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 ở Hampton Roads bởi các cuộc tụ tập với số lượng lớn người tham dự và không tuân thủ các quy định. Các khu vực khác của tiểu bang này vẫn tiếp tục ở giai đoạn 3 và không áp dụng hạn chế đối với các quán bar hoặc ăn ở trong nhà hàng.

Hiện tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở bang Virginia là 7,3%, giảm nhẹ so với 7,7% trong tuần trước. Riêng ngày 28-7, có thêm 922 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 lên 87.000. Tính trung bình trong vòng 7 ngày qua, số ca nhiễm mới là 800/ngày, so với hơn 1.000/ngày tại thời điểm đỉnh dịch vào cuối tháng Năm.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang tăng nhanh, chính quyền thủ đô Washington DC cũng như Maryland đang lo ngại về việc bang Virginia vội vàng thực hiện giai đoạn ba mở cửa trở lại nền kinh tế sẽ làm gián đoạn tiến trình cả khu vực.

Moderna tính áp giá văcxin từ 25 USD - 30 USD mỗi liều

Báo Financial Times ngày 28-7 đưa tin công ty Moderna đang có kế hoạch định giá văcxin COVID-19 ở mức 50 - 60 USD mỗi đợt tiêm ngừa, hoặc 25 - 30 USD mỗi liều tiêm ngừa, cao hơn so với các nhà sản xuất khác.

Dịch COVID-19: Mỹ vẫn 50.000 ca mới mỗi ngày, EU chi 63 triệu euro mua thuốc remdesivir - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Giá văcxin này sẽ áp dụng tại Mỹ và các quốc gia có thu nhập cao. Hãng tin Reuters cho biết mức giá văcxin Moderna nếu đúng như vậy thì sẽ cao hơn nhiều so với giá văcxin của Pfizer và đối tác BioNTech của Đức, đề xuất trong thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD với chính phủ Mỹ, là 39 USD cho một đợt tiêm hoặc 19,5 USD mỗi liều.

Hiện nay, Pfizer, Moderna và Merck & Co cho biết họ có kế hoạch bán văcxin thu lợi nhuận trong khi một số nhà sản xuất khác như Johnson & Johnson có kế hoạch định giá văcxin trên cơ sở phi lợi nhuận.

Một nửa cư dân khu ổ chuột ở Mumbai nhiễm virus corona

Theo nghiên cứu, được ủy quyền của thành phố Mumbai, Ấn Độ, công bố ngày 28-7 cho biết hơn một nửa người dân sống tại khu ổ chuột ở Mumbai đã nhiễm virus corona. Hiện Ấn Độ là nước chịu thiệt hại nặng thứ ba vì COVID-19 với hơn 1,5 triệu người mắc bệnh.

Mumbai, có khoảng 40% dân số sống tại khu ổ chuột lớn nhất Ấn Độ, đã ghi nhận hơn 110.000 ca COVID-19 và hơn 6.000 ca tử vong cho đến nay.

Dịch COVID-19: Mỹ vẫn 50.000 ca mới mỗi ngày, EU chi 63 triệu euro mua thuốc remdesivir - Ảnh 4.

Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe những đứa trẻ ở trại trẻ tại Mumbai, Ấn Độ ngày 28-7-2020 - Ảnh: REUTERS

Ecuador mở thêm các điểm xét nghiệm di động

Các nhà chức trách Ecuador đang triển khai các điểm xét nghiệm COVID-19 di động để giảm tải áp lực cho hệ thống y tế của nước này trong bối cảnh số ca nhiễm tăng lên nhanh chóng. Thủ đô Quito đã trở thành điểm nóng dịch COVID-19 tại Ecuador.

Theo số liệu do Bộ Y tế công bố ngày 28-7, Ecuador ghi nhận thêm 12.747 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 cả nước lên hơn 82.000 ca và 5.584 người chết.

Chính phủ cho biết các đơn vị chăm sóc đặc biệt đã đạt công suất tối đa, buộc họ phải dựng lều tại khắp các trường học ở thủ đô để tiến hành xét nghiệm nhanh và thực hiện việc khám bệnh ngay trong các trung tâm văn hóa và sân bóng rổ.

Số ca nhiễm tại Pháp giảm dần

Pháp ngày 28-7 ghi nhận 725 ca nhiễm COVID-19, thấp hơn mức trung bình hàng ngày trong tuần qua là 924 ca, theo Reuters. Số người nhập viện để điều trị COVID-19 ở nước này cũng đã giảm 104 người xuống còn 5.551 người, tiếp tục đà giảm của 2 tháng qua.

Tuy nhiên, các nhà chức trách Pháp cảnh báo "virus vẫn hiện diện trong cộng đồng", nhấn mạnh tỉ lệ lây nhiễm ở mức 1,3 - nghĩa là cứ mỗi 100 người bệnh có khả năng lây cho 130 người khác.

Yêu cầu bệnh viện dã chiến ở TP.HCM sẵn sàng nhận bệnh nhân COVID-19 nặng Yêu cầu bệnh viện dã chiến ở TP.HCM sẵn sàng nhận bệnh nhân COVID-19 nặng

TTO - Bệnh viện dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng TP phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh bị nhiễm COVID-19, đặc biệt là trường hợp bệnh nặng.

ANH THƯ - BẢO ANH - MINH KHÔI - KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên