03/01/2012 15:31 GMT+7

Đầu năm, VN-Index giảm còn 350 điểm

H.NHỰT
H.NHỰT

TTO - Khởi động phiên giao dịch đầu năm 2012, chỉ số VN-Index giảm điểm ngay từ đầu phiên. Thị trường giao dịch khá ảm đạm. Về cuối phiên, chỉ số VN-Index giảm 1,55 điểm, xuống mức 350 điểm.

aO2Gv8rd.jpgPhóng to
Giao dịch thị trường phiên đầu năm khá ảm đạm - Ảnh minh họa

Thanh khoản của thị trường trong phiên giao dịch đầu năm giảm thê thảm, theo thống kê có khoảng 20,6 triệu chứng khoán giao dịch chuyển nhượng trong phiên, tương ứng 320,4 tỉ đồng giao dịch.

Toàn thị trường có 123 mã chứng khoán tăng giá, 95 mã giảm giá và 88 mã đứng giá. Các cổ phiếu lớn có sức ảnh hưởng đến thị trường như VIC, VNM, MSN… và nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có phiên giao dịch không thành công khi có mức giảm mạnh.

Tuy vậy, một số cổ phiếu như BVH, ITA, SJS, KBC… vẫn đạt mức tăng trần vào cuối phiên giao dịch, nâng đỡ chỉ số VN-Index không giảm sâu vào cuối phiên.

Phiên giao dịch đầu năm, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1,2 triệu cổ phiếu. Cụ thể, trong phiên khối ngoại chỉ mua vào 1,58 triệu cổ phiếu, trị giá giao dịch đạt 72,4 tỉ đồng. Ngược lại, khối này bán ra hơn 2,75 triệu cổ phiếu, trị giá giao dịch 85,2 tỉ đồng.

Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index chốt phiên giảm 1,95 điểm (tương đương giảm 3,32%), xuống còn 56,79 điểm. Thanh khoản giảm thấp với tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ đạt 14,7 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, tương ứng giá trị giao dịch 117,7 tỉ đồng. Nhiều cổ phiếu chủ chốt giảm mạnh như ACB giảm 600 đồng, còn 19.000 đồng/cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc năm 2011 với phiên tăng điểm nhưng không thể xóa đi một năm tồi tệ khi được biết đến như một trong những thị trường rớt mạnh nhất thế giới. VN-Index cả năm 2011 giảm 27,46%, tương ứng giảm 133 điểm; trong khi HNX-Index giảm tới 48,6%, tương đương 55,5 điểm.

Chỉ số HNX-Index có mức giảm mạnh thứ hai thế giới ngang bằng với Hi Lạp là quốc gia trong “tâm bão” của cuộc khủng hoảng nợ và thị trường chứng khoán của đảo Cyprus, một hòn đảo nhỏ.

Trong năm 2011, thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất hơn 10 tỉ USD vốn hóa (tương ứng khoảng gần 220.000 tỉ đồng), bất kể có nhiều doanh nghiệp lên niêm yết trên sàn.

Theo Công ty chứng khoán Kim Eng VN, trong ngắn hạn mặc dù còn nhiều yếu tố cơ bản chưa hỗ trợ thị trường nhưng việc thị trường chứng khoán đang có mức giảm chậm lại và phân tích kỹ thuật bất ngờ cho dấu hiệu tích cực hơn.

Một phân kỳ dương ở một số chỉ báo phân tích kỹ thuật xuất hiện nhiều khả năng sẽ giúp thị trường chứng khoán đã giảm sâu và lâu sẽ có một vài phiên phục hồi, hoặc ít nhất cũng có thể làm xu hướng giảm chậm lại. Xu hướng tăng của thị trường chứng khoán chỉ có thể rõ nét hơn nếu VN-Index tăng vượt mốc 370 điểm. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cho rằng các nhà đầu tư vẫn cần thận trọng lúc này và việc giải ngân cần hết sức cân nhắc.

Theo bộ phận phân tích thị trường Công ty chứng khoán FPTS, trong ngắn hạn tâm lý nhà đầu tư sẽ duy trì trạng thái thận trọng, nghe ngóng là chủ yếu. Tuy nhiên, những thông tin về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý IV và cả năm 2011 sẽ chưa thể hứa hẹn những cải thiện tích cực và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tạo tác động đến tâm lý đầu tư vốn đang nhạy cảm với thông tin xấu. Ngoài ra, tình hình căng thẳng trong huy động vốn của hệ thống ngân hàng vào thời điểm cuối năm cũng sẽ khiến khả năng lãi suất được điều chỉnh giảm không được đánh giá cao.

Do đó, khả năng xuất hiện xu thế hồi phục bền vững của thị trường trong ngắn hạn và trung hạn vẫn khá thấp.

H.NHỰT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên