13/12/2017 11:41 GMT+7

Anh chị em đường sắt lắng nghe và sẽ sửa sai

THANH MAI
THANH MAI

TTO - Sau bài góp ý: 'Ga Hà Nội tiếc chi với khách lời... cảm ơn?', là người trực tiếp bán vé, bạn đọc Thanh Mai (ga Đông Anh, Hà Nội) đã có bài viết phản hồi.

Anh chị em đường sắt lắng nghe và sẽ sửa sai - Ảnh 1.

Nhằm góp thêm góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu ý kiến này.

"Chiều qua, tôi lên ban bán vé tại 1 ga ngoại ô Hà Nội. Tôi đọc báo Tuổi Trẻ Online, thấy bài viết về ngành đường sắt là đọc vội vàng, đọc đi đọc lại, đọc hết các bình luận của bạn đọc phía dưới.

"Đọc bài viết của tác giả Trần Nguyệt Nga tôi thấy rất hay. Tôi đọc và nhận ra chính mình cũng có những lúc tiếp đón khách hàng chưa chu đáo, chưa thân thiện. Tôi tin là sau phản ánh chân thực này chắc chắn thư ký bán vé tàu ở ga Hà Nội sẽ mỉm cười nhiều hơn, thái độ phục vụ sẽ thay đổi tốt hơn".

Thanh Mai

Là người trực tiếp làm công việc bán vé, tôi xin được nói lên ý kiến chủ quan của bản thân mình như sau: 

Áp lực công việc

- Hành khách mua vé tàu thường hỏi kĩ lưỡng và chi tiết về lịch trình đoàn tàu, giờ giấc, các mức giá vé khác nhau như ghế ngồi thường, ghế ngồi điều hòa, giường nằm cứng, giường nằm mềm để so sánh. 

Có khi mọi người đối chiếu chi tiết rất lâu giữa các mác tàu, tôi chỉ có thể nói ngắn gọn là giữa các mác tàu có độ vênh về giá cả chừng mấy chục ngàn. Chứ nói kĩ đến 10 mác tàu, các loại giá vé sẽ chiếm rất nhiều thời gian. 

- Ga Hà Nội là ga đầu mối, lượng khách mua vé đông đúc. Thư ký bán vé thường chỉ dành khoảng thời gian nhất định với từng khách hàng để có thể kịp thời phục vụ các hành khách đang đứng xếp hàng đầy sốt ruột phía sau. 

Đây có thể là lý do khiến thư ký bán vé ga Hà Nội ít niềm nở, chào hỏi, cảm ơn với hành khách. 

- Những ngày lễ 30/4, giỗ Tổ Hùng Vương, Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán thì áp lực công việc gấp đôi, gấp 3 ngày thường. 

Số lượng vé bán cố định, lượng khách đông phải đi ghế phụ, thư ký bán vé càng phải rất khẩn trương trong việc phục vụ để có thể kịp thời điện báo liên hệ với trưởng tàu khách sắp xếp chỗ ngồi hoặc thông báo trên loa phát thanh dừng bán vé vì số lượng chỗ ngồi đã hết, đảm bảo an toàn chạy tàu. 

Những ngày lễ tết, quả nhiên thư ký bán vé khó mà mỉm cười đon đả chào hỏi mà chỉ có thể cắm cúi tập trung hết mình để kịp bán vé nhanh nhất. 

 Luôn lắng nghe và sửa sai    

Khoảng 5 giờ sáng hôm nay, bài viết "Ga Hà Nội tiếc chi với khách lời cảm ơn" đã được một thành viên trong nhóm facebook chung mang tên Câu lạc bộ yêu Đường sắt Việt Nam chia sẻ, khá nhiều anh chị em trong ngành bình luận sôi nổi. 

Có bạn phản ánh, mua vé mà gặp thư ký trẻ thì rất linh hoạt, gặp các cô bác trung tuổi thì khó khăn hơn như việc phải mang Chứng minh thư mới bán vé. Một vài bạn nói lương công nhân đường sắt thấp nên không thể đòi hỏi chất lượng phục vụ. 

Tôi nghĩ đây chỉ là suy nghĩ của số ít, đa phần anh chị em chúng tôi khi lên ban đi làm đều làm việc hết mình.

Chúng tôi hiểu chính thái độ phục vụ tận tình sẽ kéo hành khách về với ngành, tăng doanh thu của công ty chính là gắn với quyền lợi của bản thân khi đồng lương tăng. 

Hành khách đi tàu có phản hồi thắc mắc gì đều có anh em trong ngành tư vấn, giải đáp nhiệt tình. Chúng tôi luôn dõi theo những biến động nhỏ nhất về ngành đường sắt, chính là công việc mà chúng tôi hàng ngày gắn bó. 

Bài viết "Ga Hà Nội tiếc chi với khách lời cảm ơn" của tác giả Trần Nguyệt Nga tôi nghĩ rất hay, tôi đọc và nhận ra chính mình cũng có những lúc tiếp đón khách hàng chưa chu đáo, chưa thân thiện. 

Nhưng có lẽ, hành khách cũng phần nào cảm thông cho cảnh "làm dâu trăm họ", nghề phục vụ mà chúng tôi đang làm cũng có rất nhiều nỗi niềm. 

Tôi tin là sau bài viết phản ánh chân thực cảm xúc của hành khách đi tàu như chị Trần Nguyệt Nga đã viết, chắc chắn thư ký bán vé tàu ở ga Hà Nội sẽ mỉm cười nhiều hơn, thái độ phục vụ sẽ thay đổi tốt hơn. 

THANH MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên