12/12/2017 19:08 GMT+7

Ga Hà Nội tiếc chi với khách lời... cảm ơn?

TRẦN NGUYỆT NGA
TRẦN NGUYỆT NGA

TTO - Theo bạn đọc Trần Nguyệt Nga, lời cảm ơn không chỉ sự lịch sự mà còn thể hiện thái độ phục vụ đối với khách hàng. Một lời cảm ơn dành cho nhau khó đến vậy sao ga Hà Nội?"


Ga Hà Nội tiếc chi với khách lời... cảm ơn? - Ảnh 1.

Nhằm góp thêm góc nhìn Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu ý kiến bạn đọc Trần Nguyệt Nga gởi cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.

"Tôi thường xuyên đi tàu hỏa nên việc lên ga tàu Hà Nội mua vé đã trở thành cơm bữa. Nhưng để ý, tôi thấy dường như một số nhân viên bán vé rất thờ ơ, thậm chí tôi nghĩ "chắc vì khách đông nên chê khách".

"Thực sự chưa khi nào tôi nhận được lời cảm ơn từ phía các cô bán vé ở ga Hà Nội. Lẽ nào đối với một nhân viên, nhiệm vụ chỉ là bán vé không hơn không kém? Và họ không có trách nhiệm phải cảm ơn người mua?"

Trần Nguyệt Nga

Những hôm vắng khách còn đỡ, những hôm giáp ngày lễ Giỗ tổ Hùng Vương, dịp 30-4 hay dịp Tết, người đến mua vé xếp hàng dài, các nhân viên bán vé càng chảnh hơn, khó tính hơn.

Không phải "chụp mũ" nhưng kỳ thực vẫn còn những nhân viên bán vé tàu ngẩng mặt lên hỏi mà thường nói rất "nhát gừng", đại loại: "Chị đi đâu? Mấy vé? Đi vào ngày nào?". 

Có khi họ còn dừng lại để nói chuyện điện thoại với ai đó. Khi khách hàng đợi lâu thắc mắc thì cô bán vé nói: "Máy đang lỗi, chờ chút" hoặc không nói gì luôn.

Chuyện này lặp đi lặp lại rất nhiều lần khiến tôi cảm thấy khó chịu vô cùng mỗi khi phải đi mua vé tàu. Đôi lúc tôi tự hỏi: "Thái độ tôn trọng khách hàng một chút khó đến vậy sao?". 

Thực sự chưa khi nào tôi nhận được lời cảm ơn từ phía các cô bán vé. Lẽ nào đối với một nhân viên, nhiệm vụ chỉ là bán vé không hơn không kém? Và họ không có trách nhiệm phải cảm ơn người mua?

Hiện nay, mặc dù nhiều đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp rất tiến bộ trong việc tiếp đón, chào hỏi. Nhưng thực tế, vẫn tồn tại chuyện nhân viên bán hàng "lười" cảm ơn khách hàng. 

Nếu như ở các nhà hàng nước ngoài, từ nhân viên trông xe cho đến lễ tân, nhân viên phục vụ đều rất văn minh, lịch sự trong chào hỏi, nói lời cảm ơn khi khách hàng đến ăn. Thì điều này khác hẳn với thái độ dửng dưng ở một số nhân viên ở các nhà hàng của ta.

Biết rằng, công việc của các nhân viên hàng ngày đã rất vất vả, mệt mỏi. Nhưng nở một nụ cười chào khách, nói một câu cảm ơn với khách đâu phải là điều khó thực hiện?

Lại nhớ đến chuyện ông giám đốc người Nhật cúi đầu chào khách hàng cách đây chưa lâu. Thực ra, chuyện cảm ơn cũng vốn là nét văn hóa có từ lâu đời. Chúng ta hàng ngày vẫn dạy trẻ phải biết nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ. 

Nhưng rồi, trong cuộc sống xô bồ, dường như những lời cảm ơn đó ít dần. Không chỉ đi mua vé, mua hàng trong siêu thị, đi ăn hàng, mà ngay trong cuộc sống, rất ít khi tôi nhận được lời cảm ơn.

Lẽ nào khái niệm cảm ơn nên được lập trình lại trong nhà trường cũng như ngay từ trong chính gia đình để nét văn hóa ứng xử giữa người với người không bị… đứt gãy?

Theo tôi nghĩ, lời cảm ơn không chỉ thể hiện sự tôn trọng người khác mà còn thể hiện nhân cách của chính mình. Một lời cảm ơn dành cho nhau khó đến vậy sao?"

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

TRẦN NGUYỆT NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên