12/02/2018 15:34 GMT+7

Xuân đang về với các em thơ

VŨ THỦY
VŨ THỦY

TTO - Những cô bé, cậu bé mồ côi, những em nhỏ tật nguyền lớn lên ở mái ấm đang náo nức đón xuân về trong màu mai vàng, màu đào hồng rực rỡ, trong vòng tay yêu thương của những người mẹ, người cô.

Xuân đang về với các em thơ - Ảnh 1.

Nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ Làng trẻ em SOS Gò Vấp (TP.HCM) trong buổi tiệc tất niên cuối năm mang chủ đề "Xuân yêu thương" - Ảnh: VŨ THỦY

Đứa mới chỉ đón cái Tết đầu tiên với mẹ, với cô, đứa thì vào mái ấm từ lúc mới lọt lòng đỏ hỏn. Lũ trẻ hồn nhiên đón Tết, háo hức chờ Tết về.

Màu Tết, vị Tết đã tràn ngập trong căn nhà nhỏ có mảnh sân nhỏ đầy cây trước nhà của mấy mẹ con. Cành đào này làm xong đúng ngày U-23 Việt Nam đá chung kết. Hai chị lớn về, mấy mẹ con cùng ngồi tết cành đào, xem bóng đá với nhau

Mẹ ĐỖ THỊ QUỲNH HƯƠNG (người mẹ tình nguyện ở làng SOS Gò Vấp, TP.HCM)

Tết ở nhà có 12 anh em

"Gia đình con đông lắm, mẹ Hương, anh Thành, anh Trường, anh Phúc lớn, anh Phúc nhỏ, anh Nam, anh Vi..." - cô bé Tấm (7 tuổi) lần lượt kể tên các anh chị em trong nhà. 

Chúng đều là những đứa trẻ mồ côi hoặc cha mẹ bỏ rơi được đưa về nuôi dưỡng ở Làng trẻ em SOS Gò Vấp (TP.HCM). Được đưa về từ một bệnh viện lúc mới 3 tháng tuổi, Tấm được các anh chị trong ngôi nhà số 18 của làng chiều chuộng vì là út và là em gái duy nhất trong nhà.

Vừa mới cùng mẹ và các anh đi xem múa lân, ăn tất niên chung với 19 gia đình khác trong làng, Tấm vẫn còn rất phấn khích, khoe "mẹ Hương đã dắt con đi mua đầm mới mặc Tết". 

Mẹ Đỗ Thị Quỳnh Hương chính là người chăm sóc các bé trong căn nhà này (Làng SOS được chia ra từng nhà, có người nhận làm mẹ của các bạn nhỏ). Mẹ đã làm mẹ của đàn con côi được 27 năm rồi.

Trên bàn phòng khách có hai cây quà màu sắc sặc sỡ là của hai cô con gái mang đến Tết sớm. Mẹ Hương kể hồi cha mẹ ở quê còn sống, năm nào mấy mẹ con cũng tha nhau về ăn Tết ở Biên Hòa, nhưng khi ông bà mất cách đây tám năm, từ đó mẹ con chị ở lại làng ăn Tết.

"Mùng 2 là các chị đưa chồng, đưa con về. Cả nhà xúm lại nấu nướng ăn chung với nhau một bữa. Cũng có bánh chưng, bánh tét của các nhà hảo tâm tới cho, có dưa hành, dưa món, thịt gà, canh khổ qua, thịt kho tàu... Sáng mùng 1 thì dậy mặc quần áo mới, chúc Tết mẹ" - mẹ Hương nói.

Cách đó vài căn là nhà số 9 có 12 anh chị em của bé T.An (6 tuổi). Trong tiệc tất niên buổi tối, T.An và hai cô chị ngang tuổi trong nhà mặc áo dài xúng xính được mẹ mới mua cho ngồi ngay hàng đầu. 

Mẹ Huỳnh Thị Ngọc Re - bà mẹ của nhà số 9 - ngày Tết cũng làm củ kiệu, dưa món, "mấy bữa có mạnh thường quân mang gạo nếp, lá dong đến, cả nhà sẽ gói bánh tét để các con biết phong tục ngày Tết".

"Cháu ngoại nhà số 9 năm nay đã học lớp 10 rồi đó. Mùng 1 mấy anh chị em ở đây mặc đồ mới chúc Tết mẹ rồi chơi lôtô, chơi tiến lên với nhau vui lắm. 

Mùng 2 các anh chị lớn hẹn nhau cùng về chơi, ăn với nhau bữa cơm canh khổ qua, thịt cuốn bánh tráng, bánh chưng, bánh tét rồi lì xì cho các em. Tới ngày mùng 7 thì mẹ con đùm nhau về Bến Tre giỗ cha mẹ của tôi. Năm nào cùng đều đều như thế" - mẹ Re kể.

Ai cũng cần có Tết

Đã qua ngày rước ông Táo, Trung tâm Bảo trợ trẻ tàn tật mồ côi Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) những ngày này hoa mai, hoa đào giăng từ cổng vào phòng bệnh. Trước Tết cả tháng, các cô phụ trách khoa thiểu năng 1 đã làm cành mai thật lớn, giăng những quả cầu hoa, những dây hoa trên trần nhà. 

"Các em ở đây là những trẻ mang dị tật bẩm sinh, trẻ thiểu năng, trẻ não úng thủy, khuyết tật vận động bị bỏ rơi ở các bệnh viện. Nhiều em chỉ nằm một chỗ nhưng các cô vẫn cố gắng trang trí phòng ốc thật đẹp để chỉ cần nhìn lên trần nhà các em đã thấy sáng bừng, tươi vui" - bác sĩ Lê Thị Hương Lan, phó giám đốc trung tâm, nói. 

Ngày 27 Tết, các cô lại hẹn nhau gói bánh chưng, vừa mang về gia đình ăn Tết, vừa cho các em có thêm hương vị Tết.

"Trung tâm đã mua quần áo mới cho các con, tăng thêm mỗi con 50.000 đồng tiền ăn để ngày Tết các con được ăn ngon, mặc đẹp hơn" - bác sĩ Lan nói thêm.

Ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (45 Nguyễn Văn Bảo, Q.Gò Vấp), ngày hội tất niên của 240 em nhỏ khuyết tật, mắc hội chứng Down... bị bỏ rơi cũng rộn ràng trống lân, sắc đỏ của bao lì xì, của hoa đào.

Để chuẩn bị ngày tất niên, Hậu (11 tuổi) - cậu bé bị cha mẹ nuôi ngược đãi mới vào trung tâm sáu tháng trước - đã học múa hát với các bạn trước cả tháng, biểu diễn ba tiết mục. Mặc áo dài, khăn đóng đứng trên sân khấu hát Mùa xuân long phụng sum vầy, nhảy múa trong tiếng nhạc xập xình, tiếng vỗ tay cổ vũ của các cô, các bạn, nụ cười của Hậu có lúc ra tận mang tai. 

"Năm nay con ăn Tết ở đây, mấy ngày nữa, ngày mùng 1, mùng 2 các cô sẽ dắt tụi con đi chơi hội hoa xuân, đường hoa nữa" - Hậu vui vẻ khoe.

Mang Tết sớm cho trẻ em vùng cao

Dịp giáp Tết, những người trẻ từ thủ đô Hà Nội ngược lên vùng núi phía Bắc đem Tết sớm đến với trẻ em vùng cao đúng đợt rét đậm, rét hại.

Trong cái giá rét cắt da thịt, các bạn học sinh và tình nguyện viên thủ đô của chương trình "Tết yêu thương, Tết sẻ chia" lại thấy ấm lòng khi nghĩ đến cái áo ấm dày sụ, cái bánh chưng hay miếng giò được trao tận tay những đứa trẻ xã Sùng Đô - xã khó khăn của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.

1.000 chiếc bánh chưng xanh, giò chả do chính tay học sinh và tình nguyện viên thủ đô gói tặng đã đến với các em.

Chương trình tình nguyện "Kỳ nghỉ hồng, Tết sẻ chia - Tết yêu thương" năm 2018 của Đoàn thanh niên cơ quan T.Ư Đoàn đến với học sinh Trường tiểu học Mỵ Hòa (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình), trao tặng quà Tết và tặng một sân chơi thiếu nhi, hai tủ sách thiếu nhi cho học sinh.

Các CLB thiện nguyện ở thủ đô cũng về thăm các em nhỏ vùng lũ Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái khi không khí Tết đã cận kề, tặng quà Tết, giao lưu văn nghệ, đốt lửa trại... xua đi cái lạnh miền sơn cước và chia sẻ phần nào khó khăn với bà con, trẻ em nơi đây.

HÀ THANH

VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên