12/06/2013 06:09 GMT+7

Cô học trò mồ côi ở làng SOS

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TT - Trong buổi tuyên dương học sinh tiêu biểu vừa qua ở Đà Nẵng, ông Nguyễn Minh Hùng - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng - đã rất cảm kích nói về một học sinh: “Đó là một tấm gương sáng để các em noi theo”.

Eg9dYjNy.jpgPhóng to
Hồ Thị Liễu (bìa trái) chia sẻ niềm vui với mẹ và em gái - Ảnh: Đoàn Cường

Người ông Hùng nhắc đến là em Hồ Thị Liễu - học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng).

Từ đứa trẻ người Cor mồ côi

Giữa trưa nắng chang chang, Liễu vẫn cùng mẹ (những người nuôi dạy trẻ ở làng SOS) ở gia đình số 11 của làng trẻ em SOS Đà Nẵng cặm cụi nấu nướng trong bếp. Liễu có một đại gia đình với tám anh chị em cùng một người mẹ hiền hậu. Nhìn người chị cả trong gia đình ấy, ít ai biết rằng Liễu có một quá khứ đầy nước mắt.

Là đứa con người dân tộc Cor ở vùng núi Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), lên 8 tuổi ba chị em Liễu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ba chị em Liễu lay lắt sống qua ngày bằng tình thương của ông bà nội, ngoại. Hình ảnh còn mãi ám ảnh trong đầu cô nữ sinh này chính là những bữa ăn chỉ có khoai mì luộc và rau rừng. Cuộc sống ba đứa trẻ cứ như cây cỏ giữa núi rừng cho đến một ngày làng trẻ em SOS Đà Nẵng biết được hoàn cảnh của Liễu.

Bà Trần Thị Cẩm Vân - mẹ gia đình số 11 - vẫn còn nhớ như in ngày ba đứa trẻ người Cor từ trên núi xuống Đà Nẵng bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới. “Từ nhà Liễu xuống đến trung tâm huyện phải đi bộ mất nửa ngày đường. Lúc ba chị em về đến làng SOS nhìn rất thảm, tóc vàng khè, khét lẹt, da đen nhẻm, nói tiếng Kinh chỉ lõm bõm vài ba câu, ánh mắt sợ sệt” - bà Vân nhớ lại. Ba chị em được cắt tóc, tắm rửa. Những đứa trẻ núi rừng đã có gia đình riêng của mình, đã có người mẹ. Nhưng để hòa nhập cuộc sống là cả một chặng đường chông gai. Liễu tâm sự: “Từ hồi mẹ mất em chẳng gọi tên mẹ, nay lại gọi một người xa lạ là mẹ của mình nên cứ ngọng nghịu mãi không thành lời”.

Thương con, bà Vân đạp xe qua trung tâm thành phố để tìm mua sách dạy tiếng Việt. Hằng đêm, bốn mẹ con quây quần bên cuốn sách với mong muốn con sẽ sớm hòa nhập với các anh chị em ở làng SOS.

Đến trò giỏi ở trường chuyên

Từ đứa trẻ người Cor phải vật lộn với từng chữ tiếng Việt, Liễu đã không ngừng cố gắng để được đứng tên vào ngôi trường chuyên tiếng tăm của Đà Nẵng là Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Nhưng hành trình của Liễu vẫn như người đi ngược con dốc dựng đứng. Ngày vào học Trường phổ thông Hermann Gmeiner, Liễu là học sinh có học lực kém nhất lớp. “Ở dưới xuôi các cô dạy nhanh hơn và các bạn học cũng khá hơn nên em không theo kịp” - Liễu chia sẻ.

Nghỉ hè năm đó, bạn bè được nghỉ ngơi, vui chơi trọn ba tháng. Còn Liễu được mẹ Vân kèm học suốt thời gian ấy. Cuối năm học, thành tích học của Liễu đã lên loại khá. Không chỉ được mẹ tận tình giúp đỡ mà ngay những người anh, người chị trong làng SOS cũng trở thành động lực giúp Liễu noi theo. “Gia đình có chị Uyên cứ 3-4 giờ sáng là dậy ôn thi ĐH, em thấy vậy cũng dậy theo và nhờ chị giảng giải thêm nên cũng tiến bộ nhanh hẳn” - Liễu vui vẻ nói.

Ngày thi vào trường chuyên, mẹ Vân gọi Liễu đến và đeo vào tay em chiếc vòng may mắn với lời dặn: “Con hãy làm hết khả năng của mình. Mẹ và các em luôn tin ở con”. Sự cố gắng không mệt mỏi của Liễu cũng được đền đáp xứng đáng khi em đã thi đậu vào trường chuyên. Tổng kết năm học lớp 10 với tấm bằng khen học sinh giỏi và đoạt giải nhì môn văn của thành phố. “Mẹ luôn căn dặn chỉ có học giỏi mới giúp được bản thân và hai em khỏi khổ” - Liễu tâm sự.

Đơn vị tài trợ

Sl3DM9UV.jpg

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên