18/12/2014 10:53 GMT+7

​Vì đâu ta thiếu tử tế?

ÐẶNG HUỲNH MAI ANH
ÐẶNG HUỲNH MAI ANH

TT - Trả lời câu hỏi này, cũng là cách tìm được lối ra để có ý thức và chuyển hóa thành hành động tử tế.

Tập quan tâm đến mọi người là cách để hướng mình đến sự tử tế. Trong ảnh: sự quan tâm của đông đảo tình nguyện viên là đóng góp không nhỏ trong thành công của Ngày hội Hoa hướng dương vì bệnh nhi ung thư 2014 - Ảnh: Q.Định

Tử tế vốn dĩ chẳng phải điều gì lớn lao mà là những điều đơn giản nhất ta đối xử với nhau mỗi ngày. Cho dù nó bình thường là thế nhưng sự văn minh, bền vững của một xã hội lại thường bắt đầu từ những việc nhỏ như thế.

Vì thiếu quan tâm

Tôi vẫn tin xã hội không thiếu những người tử tế. Nhưng chúng ta bàn nhiều hơn về chuyện người ta thiếu tử tế thế nào, chen lấn thế nào, hùa nhau “ném đá” thế nào... Ngoài chuyện lên án, tôi nghĩ việc nhìn lại những lý do người ta đã không tử tế cũng cần thiết. Vì ngoài mô tả thực trạng, ta còn cần nghĩ ra giải pháp.

Bàn nhiều về chuyện tử tế, tôi thấy vừa đáng mừng lại vừa đáng lo. Mừng vì người ta đã bắt đầu quan tâm hơn đến những điều nhỏ, đến cách người đối xử với người trong đời sống thường nhật, đó có thể xem là sự tiến bộ. Nhưng lại đáng lo ở chỗ, thường người ta sẽ nói nhiều về những điều đang thiếu. Nói nhiều về tử tế có nghĩa xã hội đang rất... thiếu tử tế, trong khi sự văn minh, bền vững của một xã hội lại thường bắt đầu từ những việc nhỏ như thế.

Chúng ta thường lấy sự thiếu hụt về ý thức, thói quen hay hạn chế của giáo dục để giải thích cho những hành vi kém tử tế ta thường gặp.

Nhưng tôi từng thấy những người vốn được xem là có học thức trong xã hội lại chẳng tử tế bằng một người lao động bình thường.

Như vậy, khó có thể nói nền tảng giáo dục quy định mức độ tử tế của một người. Ý thức thật ra nói theo một nghĩa gần gũi và dễ hiểu thì đó là sự để tâm.

Thiếu tử tế là vì con người chỉ quan tâm đến bản thân, sẵn sàng chửi bới để thỏa mãn sự tức giận, chen lấn để kịp giờ, đến trễ vì vấn đề cá nhân, họ phớt lờ mọi người xung quanh.

Khi một người quan tâm đến sự thoải mái của người khác thì họ sẽ tự có cách ứng xử đúng mực và phù hợp. Khi ta biết mình đến trễ mọi người phải chờ đợi, ngại mất thời gian của người khác ta sẽ cố gắng đúng giờ. Khi ta biết việc chen lấn sẽ khiến người xung quanh khó chịu, ta sẽ ngay ngắn xếp hàng.

Gần đây tôi có biết đến phong trào “Tử tế là” trong giới trẻ. Chúng tôi cùng nhau đưa ra những việc làm được cho là tử tế như: “tử tế là giữ lời hứa”, “tử tế là giúp bạn học”, “tử tế là nấu một bữa cơm ngon cho cha mẹ”...

Khó có thể nghĩ ra một định nghĩa đủ đầy cho hai từ “tử tế”, việc liệt kê như thế lại là một ý tưởng hay để chúng ta hình dung thêm thế nào là tử tế. Rồi từ góc nhìn của các bạn, tôi nhận ra tử tế không chỉ là chuyện ta cư xử thế nào trong đám đông mà còn là cách ta chăm sóc những người thân thương, gần gũi nhất.

Quét nhà cho mẹ, mua một món quà cho bố, nhắn một tin nhắn chúc ai đó ngủ ngon... đều có thể xem là những việc tử tế vì những điều đó đang làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng rõ ràng tất cả những điều đó đều đòi hỏi sự quan tâm thật sự.

Tôi cho rằng đến cả những người tử tế nhất trong chúng ta cũng đã có đôi lần kém tử tế. Chúng ta có thể tử tế xếp hàng, tử tế không vứt rác nhưng hẳn đã bao lần kém tử tế vì thất hẹn với bạn, vì về nhà rất trễ để gia đình phải chờ đợi. Chỉ cần một chút vô tâm, ta sẽ tự biến mình thành thiếu tử tế.

Thiếu sự nghiêm khắc

Những người không xếp hàng, bấm còi inh ỏi trên đường phố, vô tư vứt túi rác giữa đường, hẳn họ cũng đã không thèm để tâm bởi đôi khi chính họ cũng chẳng biết họ đang thiếu tử tế. Biết mình thiếu tử tế liệu họ có còn tiếp tục ứng xử như vậy?

Chúng ta vẫn thường nói về sự thiếu tử tế, từ than thở, trách móc cho đến lên án nhưng thường là quy chụp thành một đám đông, lên án cả một bộ phận.

Trong thực tế, khi bắt gặp ai đó vứt rác bừa bãi, ai đó không nhường chỗ cho người già trên xe buýt, ai đó đi trễ giờ, ai trong chúng ta sẽ dám lên tiếng nói thẳng với họ rằng: “Anh ơi, chị ơi, như vậy là chưa tử tế”?

Thông thường đến cả những người tự nhận mình tử tế cũng chọn cách lờ đi vì nhiều lý do: vì sợ phiền hà, vì ngại mất lòng, vì không thích ồn ào. Nhiều người chọn cách thỏa hiệp vì thấy thật ra vài điều kém tử tế cũng chẳng làm ảnh hưởng đến mình mấy.

Ðó thực chất lại là một sự không quan tâm khác. Chưa kể pháp luật cũng có nhiều điều chi li, nhưng tại sao vẫn chưa áp dụng cho những trường hợp thiếu tử tế?

Vậy nếu vấn đề của sự tử tế là quan tâm thì cách giải quyết là hãy quan tâm nhiều hơn. Như một lẽ tất yếu: ai thương mình thì mình sẽ thương lại, ai tốt với mình thì mình sẽ tốt lại. Tôi tin nếu được đối đãi tử tế, dần dần rồi người ta sẽ tử tế.

Là một người trẻ trong xã hội, đã chứng kiến nhiều chuyện tử tế và thiếu tử tế, nhưng lúc nào tôi cũng lạc quan về sự tiến bộ. Xã hội chúng ta vẫn tốt hơn mỗi ngày, thật ra chẳng bằng điều gì lớn lao hơn là những việc làm nhỏ bé nhất của mỗi cá nhân.

Tôi có một người bạn hay đi mua sách cùng, một hôm khi cô bán hàng gói cuốn sách vào túi nilông cho bạn, bạn bảo: “Thôi, em bỏ vào balô, khỏi mất một cái túi, bảo vệ môi trường”. Tôi nhìn bạn ngạc nhiên lắm, rồi bạn giải thích: sau nhiều lần đi cùng tôi, thấy tôi vẫn làm vậy nên bạn cũng làm theo như từ tiềm thức. Thì ra chúng ta vẫn tác động, thay đổi nhau mỗi ngày, dù chẳng nói chẳng rằng.

Việc dù nhỏ nhưng không tập, không trở thành thói quen.

Mong được thấy nhiều hơn nữa những hành xử tốt đẹp

Cơn mưa bất chợt buổi sáng sớm đầu tháng 12 làm tôi phải tấp vội vào lề đường ngay dưới gầm cầu quay sông Hàn (Đà Nẵng) trú mưa. Chưa kịp tắt máy, tôi đã nghe có tiếng con gái phía sau lưng: “Bác không mang theo áo mưa à?”. Tôi quay lại chưa kịp trả lời thì cô gái đang cầm lái chiếc xe máy đậu ngay phía sau tôi nói tiếp: “Bác mang tạm chiếc áo mưa này, mẹ con cháu có đủ rồi”. 

Tôi nói nhà tôi ở gần nhưng cô gái cứ dúi vào tay tôi chiếc áo mưa. Cô gái này chừng 28-30 tuổi, chở một bé trai 7- 8 tuổi mặc đồ học sinh. Nói xong, cô gái lên tiếng chào tôi xin phép đưa con đến trường kẻo trễ.

Quá bất ngờ, tôi chưa kịp cảm ơn nhưng chắc chắn cách hành xử của cô gái trẻ nói giọng Đà Nẵng ấy là động thái quen thuộc của những người sống có văn hóa văn minh đô thị. Tôi thầm cảm ơn cô gái thêm một lần nữa, bởi cô gái trẻ này đã củng cố thêm niềm tin của tôi vào lớp người trẻ bây giờ, dẫu vẫn còn khá nhiều bạn trẻ đang chỉ biết sống vì mình.

Hi vọng lối hành xử văn minh như cô gái trên sẽ được thấy nhiều hơn nữa.

MAI MỘNG TƯỞNG (Quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)

Hãy tập nói “Cảm ơn” và “xin lỗi”

Những chuyện tử tế lặt vặt trong cuộc sống là việc cũng rất dễ làm. Chẳng hạn nhường cho người bận rộn mua đồ trước mình nếu như mình đang rảnh rỗi, nói một câu “thông cảm” với chị lao công khi phải bước lên nền nhà đang được lau, giảm tốc độ khi qua vũng nước ngoài đường, không tạt đầu khi qua mặt xe khác...

Tập nói “cảm ơn” khi nhận một món đồ mình mua hay khi giao món hàng mình bán cho khách, tập “xin lỗi” khi lỡ quẹt vào đuôi xe trước... và còn vô số hành động nhỏ nhặt khác chúng ta có thể làm mà chẳng tốn bao nhiêu thời gian, công sức chỉ với hai từ “cảm ơn” và “xin lỗi”. Tuy nhiên, mình thấy có nhiều người dường như cảm thấy mắc cỡ khi phải sử dụng hai từ này. 

(Một bạn đọc)

Kính mời quý bạn đọc tiếp tục góp ý giải pháp để cùng hướng đến cuộc sống mà mọi mối quan hệ đều có thể được dẫn dắt bằng sự tử tế, bằng sự tôn trọng nhau ở mức cao nhất có thể. Mọi ý kiến vui lòng gửi về nhipsongtre@tuoitre.com.vn hoặc chuyentute@tuoitre.com.vn.

 

 

ÐẶNG HUỲNH MAI ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên