![]() |
Cố Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - Ảnh: T.T.D. (Tuổi Trẻ) |
Hình như không ai hiểu người nghệ sĩ tài hoa này bằng chính ông. Đi trong cõi đời, ông như chú Hoàng tử bé, mải miết tìm, biết là vô vọng vẫn hân hoan. Bởi nếu cô đơn giữa con người, Trịnh Công Sơn còn có cỏ cây và hoa trái, núi đá, suối nguồn và biển khơi, mưa và nắng... những người bạn lặng lẽ, an nhiên mà luôn luôn mới lạ, luôn luôn ân cần, chỉ mang đến cho ta niềm cảm hứng, sự sẻ chia mà không làm ta mỏi mòn đau đớn.
Tình ca của Trịnh Công Sơn đã là một phần đời của nhiều thế hệ công chúng VN. Nhưng Em và Tôi ở đấy chưa bao giờ mang ý nghĩa lứa đôi, chưa hề là hạnh phúc quấn quýt như trong ca từ của nhiều nhạc sĩ khác. Ngay từ những bài tình ca đầu tiên ông đã tiên cảm về khoảng cách bất khả vượt qua của Em và Tôi "Một người về đầu non, một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau, như bóng chim cuối đèo". Đó không chỉ là những cách trở "sơn khê". Người nghệ sĩ ấy hình như không thể chịu đựng những gì dung tục, tầm thường, và ông e sợ. Con người vốn bất toàn và ông quá nhạy cảm để đọc thấy "trong mắt nhau" những buồn chán và thất vọng. Với Trịnh Công Sơn, thiên nhiên chưa bao giờ là khung cảnh. Em của Sơn là Em trong không gian ấy, trong thời gian này, gắn bó, hòa nhập, liền khối làm nên một hạnh ngộ kỳ diệu của người và người trong ân sủng chứa chan của thiên nhiên: "Vì em như hoa lá giữa thiên nhiên hiền hòa". Em và Tôi khi ra khỏi khoảnh khắc ấy, đã là Em và Tôi khác rồi, bởi cấu trúc của hạnh ngộ đã vỡ. Cảm xúc tình yêu của Trịnh Công Sơn luôn tinh khôi và trong trẻo, luôn đầy dự cảm vuột mất, bất trắc là như vậy. Lắng nghe, ngắm nhìn, cảm nhận từng phút giây giữa đời với một trái tim hòa ái, cho và nhận của Trịnh Công Sơn không len vào chút khát vọng chiếm hữu nào, như tinh thần của thiên nhiên. |
Hơn một lần Trịnh Công Sơn viết: "Với ca khúc tôi là người tình của thiên nhiên". Ông gọi ca khúc của mình "là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc". Hãy cho tôi được thêm: là cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thiên nhiên và trái tim người nghệ sĩ tài hoa.
Trong khi tình yêu luôn là cái ngoái nhìn thì thiên nhiên hầu như là hiện tại. Thiên nhiên ở nhạc Trịnh Công Sơn là cái dòng miên viễn của mùa, cái nhịp đập của vũ trụ, cái tinh tế của đất trời. Mùa trong lời ru, lời gọi, trong tình yêu, trong sự chuyển động của quy luật tự nhiên. Đắm mình trong đó, Trịnh Công Sơn hình như được vỗ về an ủi. Đó là không gian quen thuộc, tin cậy nhất mà ông tìm thấy.
Không chỉ xuất hiện như là các biểu tượng nằm trong liên tưởng. Thiên nhiên đã là một thực thể tham gia vào đời sống Trịnh Công Sơn và làm nên nhịp thở âm nhạc của ông. Trịnh Công Sơn đi lại, đứng ngồi, hát ca, trò chuyện, yêu thương, buồn nhớ, suy tưởng, ngắm nhìn, mơ mộng... tràn ngập cảm hứng vũ trụ. Cái vũ trụ mà ông nắm bắt từng sát na hiện hữu và sát na chuyển động: "Im lặng của đêm tôi đã lắng nghe. Im lặng của ngày tôi đã lắng nghe".
Trong cuộc chuyện trò cùng thiên nhiên, Trịnh Công Sơn nhận ra cái hữu hạn của ngôn từ con người. Những cụm từ mới ra đời dường như để đáp lại tiếng thì thầm nhu mì, ảo diệu của thiên nhiên và để kịp ghi những sắc thái bí ẩn mà vũ trụ lưu lại: vết lăn trầm, mùa xanh lá vội, tay rong rêu, cọng buồn cỏ khô, cụm chiều, ngón xuân nồng, nụ đời, phiến môi mềm...
Những sáng tạo về ngôn từ của Trịnh Công Sơn táo bạo mà không cầu kỳ, ngẫu nhiên mà không tùy tiện, giàu chất suy tưởng mà không duy lý, bởi chúng thấm nhuần cái tinh thần sống động tươi xanh mềm mại của thiên nhiên. Chúng phả lại những đối ngẫu và hòa âm thường hằng của vũ trụ, trong một dòng âm giai trầm lắng mênh mang như tiếng thở dài của muôn loài.
Người nghệ sĩ ấy hiểu mình muốn gì trên hành trình sáng tạo: "Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ". Với ca khúc, ông đã đến. Đó chỉ có thể là thứ triết học từ thiên nhiên và của thiên nhiên. Là tiếng hát của dòng sông, là lời ru từ cát đá, một cội nguồn của những cội nguồn mà Trịnh Công Sơn, người đi qua cuộc thế này, biết giữ mãi trái tim trẻ thơ để có thể tìm thấy đường về.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận