![]() |
Triệt tiêu bất công, bất hợp lý
Tôi đang là một công chức, tôi thừa nhận việc “xà xẻo” thời gian, đi muộn về sớm của công chức không những có thật mà còn diễn ra phổ biến từ bấy lâu nay.
Khi phân tích được nguyên nhân thì bạn cũng sẽ thấy được giải pháp cho vấn đề này. Theo tôi, trị bệnh công chức “lấy cắp” giờ công thì phải triệt tiêu được một số nguyên nhân sau:
1. Xuất phát từ tình trạng bất công, người làm nhiều cũng như làm ít hay không làm. Cuối năm, trừ những người vi phạm quá đến mức bị kỷ luật, còn lại tất cả đều có danh hiệu, giấy khen này nọ theo kiểu “đến hẹn lại có”. Phần đánh giá cán bộ công chức thì thường là 100% đều hoàn thành nhiệm vụ cả.
2. Tình trạng bất hợp lý còn biểu hiện ở lương thưởng. Cùng một khối lượng công việc như nhau, thậm chí những chuyên viên phải làm việc nhiều hơn nhưng lương lại thấp hơn người làm việc lâu năm có “thâm niên”.
3. Lương quá thấp so với mặt bằng chung của xã hội nên công chức phải tranh thủ tận dụng thời gian để chân trong chân ngoài kiếm thêm thu nhập cho đời sống của họ. Không ít công chức chen chân vào cơ quan nhà nước để lấy mối quan hệ, tìm kiếm cơ hội làm việc bên ngoài. Tình trạng này có thể diễn ra ở cả tầng lớp các lãnh đạo cơ quan lẫn nhân viên.
4. Công việc thì ít mà biên chế thì nhiều. Nhiều người được nhận vào làm việc vì quen biết với lãnh đạo, vì được gửi gắm chứ không vì nhu cầu thật sự của cơ quan. Ngoài ra, công chức chờ “trên có bảo thì dưới mới làm” chứ không chủ động cống hiến hết mình.
5. Công chức tham mưu, hiến kế, đề xuất cho lãnh đạo nhưng khi lãnh đạo không mặn mà với những đề xuất đó thì đâm ra nản chí, buông xuôi, “cha chung không ai khóc”. Trong thời gian phụ trách công tác cải cách hành chính, tôi từng tham mưu cho huyện nhà thí điểm trả hồ sơ qua đường bưu điện cho người dân đỡ cực nhiều lần chạy lên chạy xuống cơ quan công quyền. Nhưng lãnh đạo đáp "khó lắm, chưa làm được, sợ mất hồ sơ" nên đành chịu. Tôi chẳng muốn nghĩ đến chuyện "tham mưu giải pháp đột phá" gì nữa.
Việc yêu cầu công chức đi đúng giờ, ngồi đủ 8 tiếng một ngày rất đơn giản. Nhưng liệu có giải quyết được vấn đề? Xin thưa việc đó đôi khi làm lãng phí thời gian và năng lực của các công chức giỏi. Vì người giỏi có thể chỉ cần làm 2 tiếng mỗi ngày là có thể giải quyết xong khối lượng công việc của 8 tiếng. Nếu họ ngồi đủ 8 tiếng trong khi không có việc gì để làm sẽ làm họ bị ức chế, nảy sinh tâm lý “cứ làm từ từ” cũng chả hại ai.
Theo tôi, đối với những vị trí trực tiếp làm việc, tiếp xúc với người dân thì công chức cần phải đảm bảo đến sở làm đúng chính xác thời gian, thậm chí làm việc ngoài thời gian để đáp ứng nhu cầu của người dân một cách tốt nhất. Bộ phận làm việc vì dân này phải nhận được tiền lương tương xứng.
Những vị trí khác thì áp dụng cách làm việc, đánh giá, trả lương theo khối lượng và hiệu quả công việc để đảm bảo tính công bằng, chứ không phải “làm đủ 8 tiếng” là xong. Công chức cần ý thức rằng “anh làm tốt được hưởng lương cao, anh làm ít thì hưởng lương thấp, không làm gì thì sẽ không có lương hoặc mời nghỉ để người khác làm”.
Lập tiêu chí đánh giá chặt chẽ
Tôi là một người dân Đồng Tháp đã từng là công chức và rời khỏi ngành đi làm tại một tập đoàn kinh tế tư nhân, hôm nay đọc bài “Trị bệnh công chức “lấy cắp” giờ công” trên Tuổi Trẻ tôi rất tâm đắc vì thấy thiết thực, ý nghĩa.
Vấn đề công chức “ăn gian” giờ công là không mới, ai là công chức cũng hiểu. Làm sao để họ làm việc hiệu quả là một câu hỏi lớn.
Tôi thấy khác biệt nhất là cách quản lý giữa một cơ quan nhà nước với một đơn vị tư nhân. Tại nơi tôi làm việc hiện tại, người ta trả lương cao, đúng với năng lực, nhưng phân trách nhiệm, quyền hạn, thưởng phạt rõ ràng. Nếu tôi vi phạm sẽ bị trừ lương (trừ bao nhiêu rất cụ thể). Tôi cũng phải chịu trách nhiệm về cấp dưới, giám sát chéo các bộ phận liên quan, nếu họ vi phạm, tôi cũng liên đới chịu phạt. Tóm lại là người lao động được xét công việc và đánh giá xử lý một cách sòng phẳng, không khoan nhượng.
Quan trọng nhất là chỗ làm có nhiều việc nhưng việc nào cũng cần thiết, thực tế, không có những thủ tục rườm rà nhưng không hiệu quả. Người ta lập ra tiêu chí đánh giá chặt chẽ. Không ai được dùng tài sản công hay thời gian việc công mà làm việc riêng.
Tư tưởng người làm việc cũng không thể xem nhẹ. Khi làm việc mọi người phải có ý thức vì cái chung, đó là văn hóa cả doanh nghiệp. Nếu ai có tư tưởng bè phái, cục bộ, bao che nhau làm việc xấu hay không vì điều tốt cho lợi ích tập thể nhất định sẽ bị loại trừ. Còn trong giới công chức nhà nước, tôi thấy bệnh này rất nhiều. Thậm chí có nhiều nơi người công chức quyền hạn lớn nhưng tư tưởng nhỏ, cho dù có người tâm huyết vào cũng không làm việc được, có năng lực cũng không dám lộ ra, thấy tiêu cực cũng không dám kiến nghị thay đổi. Cuối cùng, mọi người cho cái xấu thành không xấu, có cái tốt thì không bàn, có cái sai thì không sửa, nơi nào cũng có "thành tích xuất sắc" ảo.
Có những nhà lãnh đạo và công chức rất tâm huyết. Nhưng khác với công ty tư nhân - nơi người chủ họ có thể quyết định, có thể thay đổi ngay vì liên quan trực tiếp đến lợi ích của chính họ - ở công sở ban ngành, chuyện công chức làm gì, trả lương ra sao, quy chế nào phải sửa… khó có thể do một cá nhân tự quyết được một cách đột phá, táo bạo. Sự thay đổi quyết liệt, nhanh chóng là rất khó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận