25/08/2016 14:40 GMT+7

Số phận kỳ lạ của những người Nhật tự nguyện sang Triều Tiên

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Từng có hàng chục ngàn người từ Nhật quyết định sang Triều Tiên hơn nửa thế kỷ trước. Họ ra đi theo tinh thần tình nguyện nhưng nay lại muốn được hỗ trợ để rời khỏi Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói chuyện với cánh phóng viên hôm 3-8 sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo - Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói chuyện với cánh phóng viên hôm 3-8 - Ảnh: AFP

Tháng 4-1960, Eiko Kawasaki 17 tuổi và chưa tốt nghiệp phổ thông đã quyết định lên một con tàu Xô Viết tại cảng Niigata của Nhật để dấn bước vào một chuyến hành trình của cuộc đời đến một nơi mà người ta bảo với cô là thiên đường: CHDCND Triều Tiên. Cô đã mất hơn nửa đời người để quay lại Nhật.

Sống ở Nhật cũng khổ

Kawasaki và hàng trăm người trên chuyến tàu hồi hương ấy muốn đến Triều Tiên vì nghe tuyên truyền về việc cung cấp nhà ở miễn phí và đảm bảo công ăn việc làm ở đất nước của lãnh đạo Kim Nhật Thành.

Những người trên chuyến tàu, còn được gọi là "người trở về", cũng có cảm giác thân thuộc nhau bởi tất cả đều là người dân tộc Triều Tiên sinh ra tại Nhật hay người dân tộc Triều Tiên bị đưa đến Nhật để làm việc trong thời kỳ thuộc địa 1910-1945 khi Nhật chiếm và kiểm soát bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù không hoàn toàn tin tưởng vào lời tuyên truyền về một đất nước Triều Tiên tươi đẹp nhưng Kawasaki mơ tưởng rằng ít nhất Triều Tiên sẽ giúp bà thoát khỏi sự kỳ thị và nghèo khổ mà những người Triều Tiên hay Hàn Quốc tại Nhật phải đối mặt sau Thế chiến II.

Dù cha mẹ của Kawasaki đều là người Hàn Quốc nhưng bà không chọn đến nước này do Hàn Quốc lúc ấy đang chật vật hồi phục sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Do đó, bất chấp sự phản đối của ba mẹ và 4 anh chị em, Kawasaki quyết định đến Triều Tiên và kiểm tra những điều được nghe. Nếu mọi thứ đều như đã hứa hẹn, Kawasaki định quay về đón gia đình trong vòng một năm sau đó.

Mất 43 năm để quay lại Nhật

Khi con tàu cập cảng thành phố Chongjin của Triều Tiên, Kawasaki đã gặp một người bạn cũ tại đây. Người bạn này đã đến Triều Tiên trước cô gái trẻ vài tháng. Kawasaki vẫn nhớ như in lời nói của người bạn: "Hãy quay về đi!".

Nhưng tất cả đã quá muộn. Kawasaki đã mất 43 năm sống tại Triều Tiên trước khi xoay sở để trở về Nhật.

Kawasaki là một trong số hơn 93.000 người rời Nhật đến Triều Tiên trong giai đoạn từ 1959 đến 1984. Hầu hết trong số này rời Nhật trong đợt đầu tiên kéo dài từ năm 1959 đến 1963.

Sau Hiệp ước San Francisco năm 1952, Nhật không xem những người dân tộc Triều Tiên là công dân và nếu những người này rời đi họ sẽ không có quyền quay trở lại Nhật, thậm chí kể cả khi Triều Tiên sẵn lòng để họ đi.

Ước tính khoảng 97% người dân tộc Triều Tiên tại Nhật sau Thế chiến II đến từ phía nam của bán đảo Triều Tiên và khoảng 6.000 "người trở về" từ Nhật đến Triều Tiên là phụ nữ Nhật đã kết hôn với người Triều Tiên.

Báo Los Angeles Times cho biết số phận của nhiều người đến Triều Tiên đến nay vẫn còn là bí ẩn trong khi người thân của họ đã chờ đợi trong vô vọng hơn nửa thế kỷ qua để có được những cơ hội gặp mặt dù là những giây phút đoàn tụ ngắn ngủi.

Sau khi lấy chồng Triều Tiên và có với nhau 5 mặt con, bà Kawasaki quyết định ra đi trong lặng lẽ. Bà đã về lại Nhật và hiện là một công dân Nhật. Một trong những đứa con của bà Kawasaki mãi đến gần 1 năm sau mới phát hiện ra sự việc sau khi sự nghiệp thăng tiến của chồng của cô này bị chặn đứng với lý do "có mẹ vợ mất tích".

Sora Li thật sự sốc khi biết thông tin trên. Không lâu sau đó đứa con trai 4 tuổi của Li đổ bệnh và cô gần như kiệt sức khi làm con của một "người trở về". Cuối cùng, Li quyết định bỏ trốn vì tương lai của con trai mình. Li đến Trung Quốc năm 2007, học luật và làm việc cho nhóm phi chính phủ "Korea of All" do mẹ cô thành lập.

Cần quốc tế giúp đỡ

Hiện nay bà Kawasaki đang vận động một chiến dịch kể về câu chuyện của họ và hi vọng rằng chính phủ Nhật và Triều Tiên sẽ hành động trước khi quá muộn.

Tuy nhiên học giả Tessa Morris Suzuki, chuyên về lịch sử Nhật và Hàn Quốc tại ĐH Quốc gia Úc, cho biết không chỉ Triều Tiên mà chính phủ Nhật cũng như Hội chữ thập Đỏ Nhật và Ủy ban Quốc gia của Chữ thập Đỏ đều có liên quan đến chương trình hồi hương này.

Theo một số tài liệu cho thấy các quan chức Nhật coi số dân thuộc dân tộc Triều Tiên tại Nhật là "một dư vị không mong muốn" từ thời thuộc địa; họ được mô tả là gánh nặng và có thể đe dọa đến an ninh quốc gia.

Bộ Ngoại giao Nhật đã trả lời câu hỏi về chiến dịch hồi hương với một tuyên bố ngắn gọn là chính phủ Nhật đã yêu cầu Hội Chữ Thập Đỏ "xác nhận ý muốn của những người tham gia chương trình".

"Phản ứng của chính phủ Nhật nhìn chung là đổ lỗi hoàn toàn cho Triều Tiên"
Học giả Tessa Morris Suzuki (chuyên về lịch sử Nhật và Hàn Quốc tại ĐH Quốc gia Úc)

Học giả Suziki cho rằng Tokyo có thể lo ngại việc đưa ra vấn đề của 93.000 "người trở về" này sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Nhật trên mặt trận giải cứu những người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc hoặc có lẽ vấn đề này nhạy cảm với thủ tướng Shinzo Abe. Ông của ông Abe là Nobusuke Kishi từng là thủ tướng Nhật giai đoạn 1957 - 1960 khi chương trình hồi hương được phê chuẩn và tiến hành.

Kawasaki cũng đã trình bày trường hợp của bà tại Geneva (Thụy Sĩ), kêu gọi sự giúp đỡ tại buổi thảo luận được tổ chức bởi nhóm Giám sát Nhân Quyền bên lề hội nghị của Ủy ban Nhân Quyền LHQ.

"Nên có một cuộc họp giữa chính phủ Nhật, chính phủ Triều Tiên và Hội Chữ Thập Đỏ. Chúng tôi không thể giải quyết vấn đề mà không có sự giúp đỡ của quốc tế" - cô Li cho biết.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên