26/08/2020 12:50 GMT+7

Thay đổi để "cứu" mình

TRẦN HẢI QUỲNH
TRẦN HẢI QUỲNH

TTO - Những mất mát, tổn thất và lo lắng từ vùng dịch đã khiến việc duy trì cuộc sinh hoạt hằng ngày, cầm cự sản xuất kinh doanh của hàng triệu người dân, doanh nghiệp trở nên vô cùng gian nan, không chỉ ở nơi có dịch.

Thay đổi để cứu mình - Ảnh 1.

Người dân tự ý thức giãn cách khi đi chợ mua thực phẩm tại chợ Đống Đa, Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Những âu lo cho đủ thứ chi phí gia tăng, thu nhập không còn được như trước khi mà khái niệm "ổn định công việc" dần trở nên bấp bênh trước dịch bệnh khó lường. Tổn hại không chỉ ở những con số bao nhiêu ca nhiễm, bao nhiêu người tử vong. 

Hàng trăm bệnh nhân đợt 2 đã khỏi bệnh, những con số xanh hi vọng về hàng trăm người âm tính lần 1, 2, 3 sẽ còn tăng lên nhiều trong những ngày tới. Nhưng những khó khăn sẽ còn lan rộng, thấm sâu vào mọi góc cạnh thực tế đời sống kinh tế - xã hội.

Các tỉnh thành cũng đang xúc tiến hỗ trợ như một cách chia sẻ khó khăn ở mức tối thiểu với người dân, nhìn ở thời điểm hiện tại quả là đáng quý. Ví như khi Đà Nẵng sớm kết thúc được việc kiểm soát dịch thì hàng triệu học sinh ở "thành phố đáng sống" này sẽ được miễn học phí năm học mới. 

Số tiền được giảm tính ra không quá lớn với từng nhà có con đi học bởi phụ huynh còn phải lo rất nhiều khoản khác lớn hơn nhưng đọc tin cũng thấy ấm lòng.

Hay ngay trong giai đoạn cách ly xã hội, Đà Nẵng cấp 5kg gạo/14 ngày cùng mức chi thực phẩm, nhu yếu phẩm trị giá 40.000 đồng/ngày cho người dân. Nhiều thực phẩm thiết yếu từ đồng bào cả nước đã được gửi tặng bà con khó khăn, không chỉ ở những vùng đang có dịch. 

Các hỗ trợ này, xét về mặt lý thuyết lẫn thực tế, đã giảm không nhỏ áp lực, người dân bớt bị "cắn" thêm vào nguồn thu nhập vốn đã vơi đi rất nhiều kể từ khi đại họa từ dịch bệnh ập đến, trong bối cảnh mất việc, giảm ngày làm vẫn chưa thôi đè nặng đầy ám ảnh. 

Tuy nhiên cần nói ngay, việc "nhường cơm sẻ áo" hay "chung vai đấu cật" mà đồng bào cả nước chung tay chia sẻ những khó khăn trước mắt ở các địa phương cũng chỉ là các giải pháp tình thế.

Giải pháp căn cơ nhất vẫn là tinh thần và ý chí chủ động "thắt lưng buộc bụng", tự điều chỉnh thói quen, hành vi tiêu dùng kèm các "phương án" chi tiêu sao cho thật phù hợp, linh hoạt với từng điều kiện, môi trường sống của từng cá nhân, hộ gia đình, hay tùy vào mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các gói hỗ trợ dù ít dù nhiều cũng quý nhưng không thể đủ trong khó khăn chung từng người, từng nhà, từng doanh nghiệp và nghĩ rộng ra là từng quốc gia. 

Cắt giảm các khoản chi không thiết yếu, hạn chế dần những thói quen mua sắm xa xỉ theo sở thích hay tiếp tục tìm kiếm thêm các giải pháp giảm tối đa chi phí sản xuất ở mức hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp là điều cần thiết và sẽ còn duy trì để sống cùng khó khăn còn dài trước mặt.

Đây thật sự không phải là điều dễ thực hiện. Nhưng nếu chỉ cần nhìn sâu vào tỉ lệ thất nghiệp nửa đầu năm 2020 đã lên đến 2,26%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái và đặc biệt cao trong quý 2-2020 do tác động mạnh mẽ của COVID-19, hay số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng gần 39% so với thời điểm cùng kỳ của năm 2019, chắc chắn việc lựa chọn thái độ đồng hành tương xứng với những gì hiện thực đang phô bày là điều khó né tránh.

Một thái độ tích cực tự thay đổi, tự điều chỉnh cũng là cách tự giúp chính mình lẫn cộng đồng tiếp tục duy trì đủ lực để "chiến đấu" giữa nhiều mối lo phía trước.

Người Việt đang lo gì nhất?

Trong tác động của COVID-19, người Việt Nam quan tâm gì nhất? Theo khảo sát của Kanta Worldpanel - tập đoàn đa quốc gia chuyên nghiên cứu, khảo sát hành vi người tiêu dùng - vừa công bố cho thấy người dân đã quan tâm hàng đầu về thu nhập, ổn định công việc, e ngại chi phí gia tăng vượt lên hẳn so với ba tiêu chí ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, thậm chí cả sức khỏe.

Rầu chi phí tăng, thu nhập giảm

Không lo rầu sao được khi công ăn việc làm còn chưa ổn định sau đợt dịch lần trước, thu nhập teo tóp, đủ sống đã khó.

Một tuần nữa học sinh tựu trường, tôi đi mua đồng phục trường tiểu học cho con. Mọi năm tôi vẫn mua cả thảy 7 bộ (3 bộ đồng phục, 3 bộ đồ ngủ bán trú và bộ đồng phục thể dục), nay chỉ mua đồ thể dục và một bộ đồng phục cho con có quần áo mới ngày tựu trường. Soạn lại quần áo cũ và nghĩ thầm khi nào lương thưởng khá hơn bây giờ sẽ đi mua thêm sau vậy.

Chị công nhân cạnh nhà tôi còn lo lắng, trăn trở nhiều hơn. Hai con chị, đứa vào lớp 1, đứa lên lớp 6, đầu cấp thì kiểu gì cũng phải sắm mới đồng phục, mỗi thứ 1-2 bộ, mua xong áo quần đã hết tháng lương (may còn có tăng ca) của chị. Rồi còn sách giáo khoa, bút mực, tiền đầu năm… toàn những thứ không thể không chi. Dự định mua một chiếc xe đạp mới cho con vào lớp 6 coi như "tan tành mây khói". Tiền để dành mua xe phải giữ lại để đóng tiền trường. Và từng bữa ăn hằng ngày nhín nhút hơn, đến sữa uống cũng phải cắt giảm một phần.

Chồng tôi làm kỹ sư xây dựng, không có công trình cũng nghỉ dài hưởng 60% lương. Ngưng việc, giảm lương đợt này thật ra là hậu quả của đợt dịch lần trước, công ty còn chưa kịp gượng dậy. Tìm việc mới mùa này cũng đâu có dễ!

Chị bán quần áo học sinh lắc đầu: biết năm nay khó khăn, chỉ dám may sẵn một nửa số đồng phục (so với mọi năm) nhưng giờ này vẫn còn ế quá nhiều. Còn có mấy ngày nữa tựu trường mà phụ huynh còn chưa ghé lại mua. Ai cũng nói ít tiền, ưu tiên mua sách vở trước. Anh bán đồ chơi trẻ em kế bên cũng than bán ế. Cô gái bán chè kem cũng chung cảnh ngộ, nói sẽ chuyển con gái nhỏ sang một trường mầm non khác học phí "mềm" hơn, tiết kiệm ít nhất 1,5 triệu đồng/tháng sau mấy tháng thu nhập cả hai vợ chồng đều giảm.

Anh bạn tôi có một cơ sở thiết kế nhỏ đang tính trả mặt bằng để tìm chỗ khác rẻ hơn 3 triệu/tháng vì từ tết đến giờ khách hàng thưa vắng, chơi nhiều hơn làm. Một cô bạn mở quán ăn từng đông nghịt khách, sau tết đến giờ khách còn phân nửa, phải thu dọn, cắt giảm chi phí nhân công, điện nước… Bạn bè gặp nhau chỉ nói nhau kinh nghiệm tiết kiệm chi phí hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng… Đâu ai biết chừng nào đến lúc chia tay "Cô Vi"!

Chúng tôi đang sống và làm việc tại TP.HCM, hiện có thể là vẫn ổn với covid đợt 2 này, nhưng bao khó khăn ảnh hưởng từ đợt 1 vẫn còn đó. Không có giải pháp nào hơn tiết kiệm mọi thứ để tồn tại, chờ ngày phục hồi công chuyện làm ăn.

PHẠM NGỌC TƠ

Thích nghi qua mùa dịch Thích nghi qua mùa dịch

TTO - Không than vãn khi bị giảm lương, không "ngồi chờ" hỗ trợ, mua bán khó khăn không chèo kéo khách hàng... Mỗi người tự tìm cách sống thích nghi giữa những khó khăn mùa dịch.

TRẦN HẢI QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên