06/06/2012 07:50 GMT+7

Thay đổi để bán được hàng

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Sức mua giảm và không để bị giam vốn ở hàng tồn, nhiều doanh nghiệp tìm cách tiếp cận người tiêu dùng thông qua việc thay đổi hình ảnh, cải tiến hay tung ra sản phẩm mới, tặng khách hàng dùng thử.

ZNbYnnxD.jpgPhóng to
Người dân chọn mua hàng tại ngày vàng hàng Việt ở chợ Cầu Xáng (huyện Bình Chánh, TP.HCM ngày 19-5) -Ảnh: Hải Ninh

Doanh nghiệp cho rằng đây chính là thời điểm tốt nhất để các thương hiệu bỏ ra chi phí thấp nhưng có thể tiếp cận được khách hàng gần hơn.

Làm mới hình ảnh

"Với những sản phẩm mới chưa có chỗ đứng trên thị trường, chen vào siêu thị tương đối khó. Vì vậy chúng tôi định giá sản phẩm thấp hơn hàng ngoại nhập khoảng 10% để có lợi thế cạnh tranh tại chợ truyền thống"

Ông VÕ XUÂN NAM (giám đốc chi nhánh TP.HCM của Công ty bánh kẹo Hải Hà)

Ông Võ Xuân Nam, giám đốc chi nhánh TP.HCM của Công ty bánh kẹo Hải Hà, cho biết trái với mọi năm, tại hội chợ hàng VN chất lượng cao tổ chức dịp 30-4 ở TP.HCM vừa qua, công ty chỉ giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm mới, không hề có sản phẩm cũ. Các sản phẩm này được thay đổi phù hợp với khẩu vị từng vùng, chẳng hạn như với dòng bánh Sozo người miền Nam thích ít ngọt hơn người miền Bắc nên bánh có bổ sung phô mai để có vị mặn, béo.

Cũng từ khảo sát thăm dò thói quen tiêu dùng của người phía Nam, Công ty Hải Hà điều chỉnh trọng lượng kẹo que từ 80gam lên 100gam vì người dân TP.HCM không thích kẹo quá nhỏ. Nghiên cứu phù hợp với khẩu vị và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng từng vùng miền là chiến lược của công ty trong thời buổi sức mua sụt giảm hiện nay, nhờ đó doanh nghiệp vẫn giữ được mức tăng trưởng đề ra.

Cải tiến và cho ra sản phẩm mới dựa trên khảo sát ý kiến của người tiêu dùng cũng là cách Công ty Ngô Minh (TP.HCM), chuyên sản xuất hàng nhựa gia dụng, thực hiện để vượt qua hoàn cảnh khó khăn hiện nay. “Từ đầu năm đến nay doanh số của công ty tại siêu thị sụt giảm đến 50% nên buộc chúng tôi phải khảo sát ngoài thị trường xem xu hướng cũng như thói quen tiêu dùng để cho ra những sản phẩm phù hợp, tăng thêm cơ hội nhận biết thương hiệu”, bà Nguyễn Kim Hương, giám đốc công ty, cho biết.

Vậy là những sản phẩm mới có giá mềm, vừa túi tiền của người tiêu dùng như: thùng rác, kẹp phơi quần áo... ra đời bên cạnh việc cải tiến sản phẩm bộ lau nhà theo hướng tiện lợi hơn: trục nhấn thay cho bàn đạp, chiều cao cây lau nhà linh động điều chỉnh cao thấp.

Để giảm giá thành, Công ty Ngô Minh chủ động liên kết với các doanh nghiệp có khuôn đúc sẵn hoặc có xưởng sản xuất nhưng lại gặp khó khăn về đầu ra. Sự nương tựa vào nhau này giúp hàng nhựa VN có giá tốt, có thể cạnh tranh được với hàng nhựa Trung Quốc và Thái Lan vốn đang tràn lan trên thị trường. Theo bà Hương, thực tế có nhiều sản phẩm nhựa không cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc về giá nên doanh nghiệp đành phải dừng sản xuất.

Tìm” lối thoát” ở kênh chợ

Bằng cách đẩy mạnh khâu bán hàng với những sản phẩm mới, có những mặt hàng bán một tặng một, có mặt hàng giảm giá trực tiếp trên sản phẩm và còn tổ chức rút thăm trúng thưởng, doanh số của nhiều doanh nghiệp vẫn đạt chỉ tiêu.

Tuy nhiên ông Võ Xuân Nam cho rằng quan trọng vẫn là kênh phân phối phải thật tốt, sau các hội chợ, chuyến bán hàng nông thôn, bộ phận bán hàng của công ty đã ráo riết tung quân để tiếp cận sâu sát người tiêu dùng, tăng cơ hội cho người tiêu dùng thử sản phẩm và trước mắt vẫn ưu tiên các chợ truyền thống.

Bà Nguyễn Kim Hương cho biết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bán hàng trong siêu thị hiện gặp không ít khó khăn do hàng “chôn” lâu, thanh toán chậm, chưa kể mỗi khi siêu thị thực hiện chương trình khuyến mãi thì doanh nghiệp xem như hết lợi nhuận.

“Doanh nghiệp khó đủ đường, muốn làm hàng mới để tăng sức hút với người tiêu dùng cũng khó. Sức mua thấp, hàng hóa ế ẩm khiến siêu thị lẫn chợ đều không muốn nhận thêm hàng. Chúng tôi đi chào hàng rất cực, họ nói hàng cũ bán không được thì nhận hàng mới làm gì”, bà Hương nói. Hiện Công ty Ngô Minh đang tìm đường vào chợ nhưng rào cản lớn nhất là phải cạnh tranh với hàng cấp thấp, hàng nhựa gia dụng trôi nổi của cơ sở nhỏ lẻ.

Ba cách để tăng doanh số

Theo ông Huỳnh Quang Khải, trưởng phòng tiếp thị Xí nghiệp nước chấm Nam Dương, có ba cách để tăng doanh số trong thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay. Thứ nhất, tăng giờ làm việc và khối lượng công việc cho nhân viên bán hàng. Thứ hai, tăng lợi nhuận trên mỗi đơn hàng bằng cách tăng giá bán hoặc giảm chi phí sản xuất. Thứ ba, tăng tỉ lệ đơn hàng của nhân viên bán hàng. Doanh nghiệp nào linh động sẽ biết cách tận dụng tối đa nguồn lực đang có và nhìn ra các mảng thủng của hệ thống phân phối để lấp khoảng trống bằng hàng hóa chứ không phải tăng giá bán.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên