06/03/2014 06:00 GMT+7

Nga được phép có 25.000 quân ở Ukraine

DUY VĂN
DUY VĂN

TT - Mới đây, tuyên bố của phía Ukraine về việc có 16.000 binh sĩ Nga được triển khai tại Crimea có vẻ gây bất ngờ cho nhiều người. Thật ra ít người biết rằng giữa Nga và Ukraine có những thỏa thuận gần cuối những năm 1990, mà đặc sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin có nhắc lại hôm 4-3, cho phép Nga triển khai 25.000 quân cùng một số khí tài ở Ukraine.

Không phải tự nhiên mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhắc rằng “quân đội Nga tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận quy định sự hiện diện của hạm đội Nga ở Ukraine”.

Tổng thống Mỹ đưa ra đề xuất hòa bình cho UkraineToàn cảnh khủng hoảng Ukraine

JPRykv3s.jpg
Tàu khu trục Phó đô đốc Kulakov của Nga - Ảnh: Interfax

Những cuộc trưng cầu

Từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, người dân trên bán đảo Crimea đã tham gia nhiều cuộc trưng cầu. Một cuộc khẳng định Crimea là cộng hòa tự trị trong khuôn khổ Xô viết với 93,26% người ủng hộ. Tiếp đó, một cuộc thăm dò khác cho thấy 54% người Crimea đồng ý cho việc độc lập của Ukraine khỏi Liên bang Nga. Tuy nhiên, cuộc thăm dò về sự độc lập của Crimea khỏi Ukraine đã bị cấm tổ chức, dẫn tới các chỉ trích rằng quyền của người Crimea đã bị nhà cầm quyền Kiev đàn áp.

Phức tạp hơn còn là sự trở về Crimea của người sắc tộc Tatar Crimea, tạo nên không chỉ vấn đề tái định cư mà còn cả sự thù địch với nhà cầm quyền địa phương. Hội đồng nhân dân Tatar Crimea được thành lập để đại diện quyền của người thiểu số Tatar, và mặc dù hội đồng này chưa bao giờ được công nhận như một cơ quan chính quyền, nhưng gần như được sự ủy nhiệm của người Tatar Crimea và đã không ít lần thành công khi đòi những nhượng bộ cho sắc tộc này trong các nhóm luật địa phương.

Nhưng chính sự kêu gọi tự trị rộng rãi hơn lẫn sự công kích từ các nhóm người Tatar Crimea đã khiến một số chính khách địa phương gọi hội đồng trên là “tổ chức tội phạm” với những “hoạt động vi hiến”. Các nhận xét này đã dẫn tới những cáo buộc “phân biệt đối xử” của phía sắc tộc Nga đối với người Tatar địa phương.

Lại chuyện phe phái sắc tộc

Hiện Cộng hòa tự trị Crimea đang chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu mới, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3-2014. Câu hỏi dự kiến đặt ra cho người dân Crimea là: “Cộng hòa tự trị Crimea có quy chế độc lập nhà nước và nằm trong thành phần Ukraine trên cơ sở các hiệp ước và thỏa thuận. Đồng ý hay không?”. Diễn giải câu hỏi này, tờ Tin Tức Crimea (báo của Nghị viện Crimea) cho biết trong câu hỏi hoàn toàn không có yêu cầu đòi độc lập cho Crimea và đưa Crimea khỏi thành phần Ukraine, mà mục đích trưng cầu là “nhằm hoàn thiện quy chế của Crimea, để quyền tự trị này luôn được đảm bảo dù có bất cứ thay đổi nào trong chính quyền trung ương cũng như Hiến pháp Ukraine, và để những quyết định của chính quyền trung ương liên quan tới Crimea phải được thỏa thuận với cộng hòa tự trị này”.

Sau khi tổng thống Yanukovych bị phế truất và chính phủ lâm thời được thành lập ở Kiev, đa số người Nga ở Crimea đã biểu tình bên ngoài tòa nhà quốc hội Crimea, đòi các nghị sĩ địa phương không ủng hộ chính phủ lâm thời Ukraine. Họ muốn cộng hòa tự trị trở lại với Hiến pháp 1992, theo đó vùng Crimea có tổng thống và chính sách đối ngoại riêng.

Trong khi đó, Hội đồng Tatar Crimea lại ủng hộ chính quyền lâm thời. Cần nhắc là năm 2012 các thành viên của hội đồng này đã tham gia tranh cử nghị viện với tư cách là ứng viên của khối Yulia Tymoshenko.

Trong khi phía Nga khẳng định không nghi ngờ gì về việc Crimea vẫn là một thành phần của Ukraine, nhưng họ không thể bỏ qua tầm quan trọng của Crimea và đồng bào họ nơi đó.

DUY VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên