09/05/2018 15:18 GMT+7

Học trò tôi 'vui không tưởng' khi bị phạt tiền!

TIÊU NHI
TIÊU NHI

TTO - Tôi quan sát thấy cả học sinh bị phạt và học sinh thu tiền phạt vui không tưởng được. Quan trọng nhất là các học sinh 'cá biệt' nhờ bị phạt kiểu này mà tiến bộ dần.

Học trò tôi vui không tưởng khi bị phạt tiền! - Ảnh 1.

Câu chuyện bà Nguyễn Thị Kim Tuyến - giám đốc Công ty MST, phạt học viên bằng tiền gây xôn xao dư luận vừa qua không có gì lạ về nội dung xử phạt, mà "lạ và độc" ở chỗ bà này đã dùng những lời lẽ thiếu tính sư phạm với học viên và vô tình biến hình phạt này trở nên tiêu cực và xấu xa trong bối cảnh ngành giáo dục đang có nhiều trăn trở như hiện nay.

Là giáo viên, từ lâu tôi đã nghe và thấy không ít hình thức phạt tiền này, từ hồi tôi còn là sinh viên sư phạm đi kiến tập và thực tập cho đến khi trực tiếp đứng lớp.

Bản thân tôi thấy dùng phương pháp này đối với học sinh cấp THCS rất hiệu quả và có ích. Tuy nhiên việc phạt tiền phải được sự đồng thuận giữa học sinh với giáo viên. Với học sinh cấp 2, chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới thuận lợi áp dụng tốt phương pháp này.

Tôi còn nhớ năm tôi đi kiến tập sư phạm (2002), sau khi làm quen và nhận lớp, tôi tập làm chủ nhiệm. Buổi thứ hai bước vào lớp, tôi thấy bạn thủ quỹ cầm một quyển sổ vừa thu tiền vừa ghi chép cái gì đó, còn các học sinh khác vây quanh vừa cười vừa nói vui vẻ.

Các em bảo: "Đây là tiền phạt học sinh vi phạm nội quy của trường, của lớp cô ạ. Làm thế này các bạn 'cá biệt' sẽ không vi phạm nữa mà lớp lại có thêm tiền quỹ để cuối năm liên hoan. Đây là thỏa thuận giữa cô chủ nhiệm với cả lớp, đặc biệt là các bạn quậy phá".

Tôi quan sát thấy cả học sinh bị phạt và học sinh thu tiền phạt vui không tưởng được. Sau một lượt nộp phạt là một tràng pháo tay và những trận nhảy nhót của các em. Tôi được biết số tiền nộp phạt rất ít, chỉ bằng 1/10 tiền ăn sáng của các em. Nhưng các học sinh 'cá biệt' nhờ bị phạt kiểu này mà tiến bộ dần.

Bây giờ, học sinh lớp 9 tôi đang giảng dạy cũng dùng cách phạt này và lớp tiến bộ trông thấy.

Cách đây mấy tuần, trong giờ dạy của tôi, một số học sinh nam nói chuyện và không chịu chép bài. Sau mấy lần nhắc nhở, tôi lấy sổ đầu bài ghi tên các em thì một em năn nỉ: "Cô ơi cô đừng ghi tên chúng em vào sổ, vì một lần có tên trong sổ em phải nộp phạt 2.000 đồng. Em có 5.000 đồng ăn sáng, nếu nộp 2.000 đồng thì làm sao ăn sáng no được".

Các học sinh khác nói: "Bạn biết vậy sao còn vi phạm? Nếu tiếc tiền thì đừng nói chuyện và chép bài đầy đủ đi".

Sợ bị phạt và được bạn động viên, góp ý, em học sinh đó trở nên nghiêm túc hơn và tôi cũng không ghi tên em vào sổ nữa.

Đem câu chuyện kể cho giáo viên chủ nhiệm lớp này, chị cười cho biết: "Hôm sinh hoạt lớp đầu học kì 2, thấy tình hình lớp không tiến bộ, chị cùng lớp bàn giải pháp đưa lớp đi lên và cố gắng cho các em tốt nghiệp để có bằng cấp hai. Thế là lớp tự đưa ra phương pháp và hình thức phạt tiền này rồi nhất trí 100% luôn. Chị vui quá vì lớp đã tự quy định và tự thỏa thuận với nhau".

Rõ ràng cũng là phạt tiền, nhưng cách làm của các em học sinh cho thấy có tác dụng. Quan trọng hơn, các em tự thấy xấu hổ khi phải nộp tiền cho những lần vi phạm. Mỗi lần nộp tiền như thế lại nhận được sự góp ý của các bạn cùng trang lứa, nên học sinh rất nhanh tiến bộ cả trong suy nghĩ lẫn trong học tập.

Giáo dục không có chỗ cho "buôn bán" hay "vụ lợi", càng không có chỗ cho việc xúc phạm nhân cách người học mà cần dựa vào nguyên tắc tôn trọng và lắng nghe nhau.

Những người làm công tác giáo dục luôn cần đặt chữ tâm lên hàng đầu, góp phần giúp giáo dục nước nhà tiến bộ, đừng vì đồng tiền mà đánh mất bản chất vốn có của giáo dục.

Phạt tiền học viên mới sợ và học tốt? Phạt tiền học viên mới sợ và học tốt?

TTO - 'Phạt tiền chúng nó mới sợ', tuyên bố của cô giáo dạy tiếng Anh thuộc một trung tâm Anh ngữ ở Hà Nội khiến nhiều người băn khoăn chuyện học ngày nay.

TIÊU NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên