08/05/2018 15:40 GMT+7

Phạt tiền học viên mới sợ và học tốt?

HOÀNG LINH
HOÀNG LINH

TTO - 'Phạt tiền chúng nó mới sợ', tuyên bố của cô giáo dạy tiếng Anh thuộc một trung tâm Anh ngữ ở Hà Nội khiến nhiều người băn khoăn chuyện học ngày nay.

Phạt tiền học viên mới sợ và học tốt? - Ảnh 1.

Trang web của trung tâm tiếng Anh nơi cô giáo chửi học viên đang dạy học - Ảnh VĨNH HÀ

Cô giáo dạy tiếng Anh, được cư dân mạng phong cho biệt danh "Tuyến cô cô" - cho rằng muốn học viên học tốt thì phải có hình thức xử phạt để học viên "thấm đòn" mà tuân theo, cũng là muốn tốt cho học viên.

Không chỉ học viên, nhiều người đã phản ứng "triết lý" này, thậm chí còn làm thơ, vè...  chế giễu:

"Tuyến bảo dạy phải chửi

gọi trò là chúng mày

thì chúng nó mới học

vãi với cô cô này

Dán trăm nghìn vào trán

là tất cả ô kê

thể loại phi văn hóa

cũng giáo viên mới ghê" (Ngọc Anh)

Thực tế hình thức phạt tiền trong môi trường học tập không mới. Cách đây mấy năm, để hạn chế việc học sinh vi phạm kỷ luật, Trường THPT L. đã đề ra hình thức thu tiền phạt đối với mỗi hành vi vi phạm từ 10.000 - 100.000 đồng.

Số tiền phạt được đưa ra cũng tăng dần theo mức độ vi phạm. Ví dụ học sinh đi học muộn bị phạt 10.000 đồng, nghỉ học hoặc trốn học phạt 100.000 đồng, nói chuyện riêng trong lớp, mang điện thoại di động đến lớp phạt từ 20.000-50.000 đồng...

Quy định trên là ý tưởng của cô H. - một giáo viên chủ nhiệm lớp 12 và là là hiệu trưởng Trường THPT này.

Theo cô H., trước kia những lỗi vi phạm như học sinh mang điện thoại đến lớp, nhà trường xử lý bằng cách thu giữ tạm thời và mời phụ huynh đến làm việc. 

Tuy nhiên việc này gây mất thời gian của cả nhà trường và phụ huynh. Sau một thời gian ngắn áp dụng "quy định" phạt tiền, số học sinh vi phạm các lỗi cơ bản "đã giảm đáng kể".

Cũng theo cô H, toàn bộ khoản tiền được thu sẽ dùng để khen thưởng cho những học sinh học tập tốt hoặc các hoạt động ngoại khóa, vui chơi để khuyến khích các em học sinh chứ nhà trường không sử dụng...

Song khi được hỏi về các giấy tờ có liên quan, cô H. lại không đưa ra được mà cho biết đó là biện pháp được thống nhất với học sinh thông qua "văn bản miệng". Cô cũng cho hay "quy định" trên đã được phổ biến cho các phụ huynh học sinh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học.

Một phụ huynh có con học cấp 1 cũng từng nêu thắc mắc với luật sư: "Cô giáo con gái tôi giờ có hình phạt khá kỳ quặc: cháu nào mắc lỗi bị phạt tiền, trong khi các cháu đều là học sinh cấp 1. Cô giáo làm như vậy có vi phạm luật không thưa luật sư?".

Liên hệ với nhiều văn phòng luật sư, chúng tôi được biết thắc mắc như trên khá nhiều nhưng luật chưa điều chỉnh nên luật sư không thể tư vấn để khởi kiện.

Có những quan điểm khác nhau, thậm chí xung đột về việc trên.

Nhóm thứ nhất phản đối vì việc chế tài bằng tiền chỉ áp dụng với những người trưởng thành, có quan hệ lao động và có thể chi trả bằng tiền, học sinh lệ thuộc bố mẹ, tiền đâu mà đóng?

"Không có tiền nộp phạt, các em có thể phải về xin tiền cha mẹ, một là nói dối, hai là nói thật. Nếu nói thật, có khi bị cha mẹ đánh đòn, gây ức chế tinh thần cho các em. Chưa kể có em sẽ phải tìm mọi cách để có tiền, kể cả ăn cắp của bố mẹ để nộp phạt", nhiều người lo ngại.

Nhóm thứ hai ủng hộ việc xử phạt để uốn nắn hành vi học sinh, học viên nhằm giúp các em tuân thủ các nguyên tắc, khuôn khổ trong học tập.

Theo lập luận của nhóm này, Luật giáo dục hiện hành chưa có những quy định hướng dẫn rõ ràng về những hình phạt trong giáo dục. Nếu hình thức kỷ luật của cô giáo không phải hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học thì pháp luật không có chế tài xử lý.

Tôi có cảm nhận riêng rằng quan hệ dạy và học nếu thiết lập trên cơ sở thưởng phạt bằng tiền thì đã mất đi ý nghĩa căn bản của giáo dục, đó là sự tự giác thực hiện quy trình nhận thức.

Giáo dục chưa bao giờ là sự mua bán bằng tiền, việc xử phạt bằng tiền là sự thất bại ngay từ đầu của người ban ra quyết định đó.

Trách - phạt được coi là một phương pháp giáo dục. Nhưng nó là lựa chọn cuối cùng khi các phương pháp khác không có tác dụng.

Dù có trách - phạt thì vẫn phải tuân theo quy tắc không được xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh, không làm thiệt hại về tinh thần và vật chất cho học sinh.

Mục đích của việc trách - phạt là nhằm làm cho học sinh tiến bộ chứ không phải trừng phạt hay làm cho "bõ ghét" mà thái độ của "Tuyến cô cô" bộc lộ rõ, điều đó dẫn tới phản ứng không đúng mực của học viên và của chính người đứng lớp.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ gì về việc phạt tiền học sinh/học viên, hoặc "chửi cho chúng nó sợ"? Mời bạn chia sẻ ý kiến dưới bài hoặc email đến địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn

Cô giáo tiếng Anh chửi mắng "kinh hoàng" mở ba cơ sở dạy không phép Cô giáo tiếng Anh chửi mắng 'kinh hoàng' mở ba cơ sở dạy không phép

TTO - Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Hà Nội, ngày 7-5, sở đã thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra và làm việc với cô giáo bị tung clip chửi mắng học sinh với tư cách là người đại diện Công ty cổ phần hệ thống giáo dục MST.

HOÀNG LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên