08/08/2012 09:40 GMT+7

Giám sát thoái vốn

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Cuối cùng, hoạt động đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được quyết định khi Chính phủ đưa ra lộ trình ba năm để các đơn vị này thoái vốn, tập trung đầu tư cho ngành ”tay phải”. Nhưng cũng như khi “đưa vốn đi” dẫn đến phân tán nguồn lực, một số trường hợp không hiệu quả thì việc “thu vốn về” nếu không làm chặt cũng làm đồng vốn bị “sứt mẻ”, tài sản nhà nước bị thất thoát.

Thoái vốn, thực chất đó là các hoạt động mang tính thị trường như mua bán cổ phần, mua bán doanh nghiệp, sáp nhập... đầy phức tạp. Càng phức tạp vạn lần khi đó là tài sản của doanh nghiệp nhà nước hoặc cổ phần do Nhà nước nắm giữ, bởi trong quá trình này có thể nảy sinh những tính toán phục vụ cho một số nhóm lợi ích, những “ông chủ” được Nhà nước giao làm đại diện phần vốn sẽ chấp nhận bán rẻ tài sản nhà nước.

Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên phải được xác lập khi thoái vốn đó là phải bảo toàn được vốn đã đầu tư ngoài ngành. Thứ hai là khoản vốn thu về phải sinh lãi, bởi không hẳn khoản đầu tư ngoài ngành nào của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đều kém hiệu quả. Nguyên tắc thứ ba là khi thoái vốn, có xảy ra thua lỗ, mất mát tài sản nhà nước cũng phải làm rõ trách nhiệm của những “ông chủ” đã rải tiền qua các hoạt động đầu tư ngoài ngành. Cần lưu ý, thoái vốn cũng là cơ hội để các “ông chủ” lỡ đầu tư kém hiệu quả chuyển lỗ từ nơi này sang nơi khác, phân tán lỗ...

Có chuyên gia kinh tế nói rằng thoái vốn có hiệu quả hay không còn phụ thuộc rất lớn vào việc chọn thời điểm để thực hiện. Giá cổ phiếu của công ty X nay ở mức thấp nhưng trong tương lai gần có thể tăng mạnh. Nếu “ông chủ” phán đoán sai, dẫn đến bán rẻ tài sản nhà nước. Sẽ có trường hợp nhận định sai do không đủ thông tin, nhưng cũng có trường hợp cố tình nhận định sai để bán rẻ tài sản nhà nước cho đối tác thân quen của mình. Vì vậy, không nên thúc ép tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn bằng mọi giá. Lộ trình ba năm Chính phủ đề ra cho các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn đầu tư ngoài ngành là tương đối rộng để các “ông chủ” chọn thời điểm thích hợp thực hiện có lợi nhất. Bởi trong ba năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ khả quan hơn khi chúng ta duy trì một mức tăng trưởng vừa phải với lạm phát thấp hơn những năm vừa qua.

Để đảm bảo “vốn đi lạc” được thu hồi trọn vẹn, sinh lãi, phải ràng buộc đến cùng trách nhiệm của những người có liên quan đến hoạt động thoái vốn. Làm sao cho “ông chủ” đang thay mặt Nhà nước làm đại diện sở hữu các khoản vốn đã đầu tư phải biết “đứt ruột” với các khoản vốn mà mình đang nắm trong tay nếu nó bị bán không đúng giá trị. Nhưng cũng không thể trông chờ “ông chủ đứt ruột” mà cần phải xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ để xã hội biết được lộ trình, bước đi đồng vốn nhà nước đã được tập đoàn, tổng công ty đặt không đúng chỗ nay đang được bán đúng giá để thu vốn về. Thiếu cơ chế giám sát này sẽ không có những uốn nắn kịp thời trong trường hợp đồng vốn nhà nước bị bán rẻ. Vì vậy, đảm bảo “thoái vốn hiệu quả”, đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là thử thách cho các cơ quan quản lý nhà nước trước nhân dân.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên