28/08/2018 10:17 GMT+7

Cô Châu của học trò nghèo

HỮU KHÁ
HỮU KHÁ

TTO - Nhìn những đứa trẻ nghèo có nguy cơ bỏ học giữa chừng, 7 năm nay cô Lê Thị Châu (63 tuổi, ở khu dân cư Lộc Phước 3, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã mở lớp học nội trú miễn phí tại nhà.


Cô Châu của học trò nghèo - Ảnh 1.

Cô Châu tận tình hướng dẫn các em trong giờ học - Ảnh: HỮU KHÁ

Điều đặc biệt ở lớp học này, cô Châu lo cho các em từ miếng ăn giấc ngủ. Bộ áo quần các em mặc, chiếc cặp các em mang cũng một mình cô ngược xuôi lo liệu.

Nghỉ hưu nhưng không nghỉ dạy

Gắng bó với nghiệp "gõ đầu trẻ" gần 40 năm ở trường tiểu học Nguyễn Tri Phương nơi miền biển Thọ Quang, quận Sơn Trà. Bảy năm trước cô Châu nghỉ hưu. Vừa nghỉ hưu là cô lao vào việc từ thiện, lo sinh kế cho bao số phận nghèo khó.

Thấy cô lúc nào cũng tất bật, bận bịu, bạn bè cô bảo "thôi Châu nghỉ hưu rồi cố gắng nghỉ ngơi đi. Rảnh rỗi thì đi du lịch đây đó với bạn bè cho vui".

Nhưng ngày ngày nhìn những đôi vợ chồng lam lũ ra biển mưu sinh bỏ lại mấy đứa con dại trong căn nhà hoang vắng cô Châu không yên lòng.

"Mình dạy học ở vùng biển nghèo này từ 40 năm trước, đó là những ngày tháng khó khăn, cơ cực nhất nên rất hiểu hoàn cảnh của học trò. Cha mẹ các em đa phần lao động nghèo, kiếm cái ăn đã khó nên việc học của con cái ít được chăm lo" - cô Châu, nói.

Cô Châu tâm sự rằng hằng ngày từ sáng tinh mơ, cha mẹ các em nấu nồi cơm với mấy con cá rồi ra biển khi các con vẫn còn say giấc.

"Tôi có thói quen hay lang thang xuống các khu dân cư nghèo, thấy tụi nhỏ nheo nhóc nên không cầm được lòng mình. Tôi nghĩ tụi nhỏ cũng như con cháu mình. Tụi nó là mầm xanh, là tương lai của xã hội thì mình phải có trách nhiệm giúp đỡ, dạy dỗ. Ở lứa tuổi các em mà thiếu vắng sự săn sóc, kèm cặp của cha mẹ thì rất dễ sa vào nghiện game, rồi bị lôi cuốn vào các tệ nạn xã hội. Vậy là từ đó mình nghỉ hưu nhưng không được nghỉ dạy" - cô Châu cười vui vẻ, cảm thấy mãn nguyện với công việc của mình.

Năm 2011, lớp học miễn phí của cô Châu ra đời trong miền vui của các gia đình nghèo. Lớp học ban đầu chỉ có độ 10 em. Với mong muốn giúp được nhiều hoàn cảnh nghèo khó, cô Châu đến từng nhà có trẻ ở độ tuổi tiểu học, vận động các bậc phụ huynh cho con em đến lớp học miễn phí của mình.

Từ đó, lớp học của cô lúc nào cũng có trên 20 em. Lúc này căn nhà của cô được ngăn ra để phục vụ cho việc ăn học của các em. Cô Châu phân ra thành các nhóm lớp từ lớp 1 đến lớp 5 để dạy các em học chữ và học môn toán.

Buổi trưa, vợ chồng bà Châu nấu cơm cho các em ở lại ăn và nghỉ ngơi ngay tại nhà. Mùa hè, cô dạy ngày hai buổi cho các em, còn vào năm học, cô Châu sẽ phụ đạo cho các em vào buổi tối.

Bận tối mặt vậy thời gian nào mà cô nấu ăn cho các em? Cô Châu cười sung sướng: "Rất may mình làm công việc này được sự ủng hộ, cổ vũ rất lớn từ ông xã. Để lo bữa cơm cho các em, hàng ngày mình dậy từ lúc 5 giờ sáng để đi chợ mua rau, cá thịt. Về nhà cái là nhảy vào chế biến cá thịt rồi lau dọn nhà cửa, bàn ghế để đón học sinh".

"Con cá của mẹ, con chữ của cô Châu"

2 giờ chiều ngày 9-8, chúng tôi đến nhà cô Châu khi nhưng đứa trẻ còn say giấc ngủ trưa. Cô Châu nằm bên ôm đứa trẻ nhỏ nhất lớp yêu thương như ruột thịt của mình.

"Mình thương tụi nhỏ nhưng lúc đứng lớp thì nghiêm khắc lắm. Các em ăn học, ngủ và vui chơi phải đúng giờ, có nề nếp. Ở đây mình không chỉ dạy cho con chữ, phép toán mà dạy cho các em tinh thần vươn lên trong khó khăn, dạy tui nhỏ biết yêu thương, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống này" - cô Châu, nói.

Nhờ lớp học miễn phí của cô Châu nhiều em từ chỗ thụ động, chậm tiếp thu bài vở thì nay hoạt bác, tiếp thu bài rất nhanh. Nhiều em được sự kèm cặp, chỉ dạy tận tình của cô giờ đã trở thành học sinh khá giỏi.

Trong những ngày hè, lớp học hoạt động cả ngày. Từ sáng sớm đã có người mang con đến gởi tận tối mịt mới đón về. Có hôm họ đi biển về quá muộn hay vợ chồng xích mích nhau thì đứa trẻ ở qua đêm luôn tại nhà cô Châu.

Cô Châu còn cho biết, một số gia đình nghèo, không đủ điều kiện cho con đến lớp trẻ mẫu giáo, thế là cô cưu mang các em, dạy dỗ từng chút một. Đến tuổi tiểu học, bà làm hồ sơ xin cho những đứa trẻ này được đặc cách vào lớp 1 mà không phải qua trường mẫu giáo.

Cô Châu thật lòng nói để duy trì được lớp học miễn phí có một phần san sẻ, hỗ trợ của cha mẹ các em.

"Mình ý thức rằng cha mẹ các em nghèo khó nên không bao giờ đòi hỏi một cái gì của họ. Chỉ mong sao họ hiểu được sự học là tương lai mà động viên con cái học hành đến nơi đến chốn. Cha mẹ nghèo ở xóm biển rất thật lòng. Sau mỗi chuyến đi biển, họ cũng đem ít mực, mớ cá đến hỗ trợ bữa ăn của lớp. Khi lớp mới mở thấy họ cực quá tôi không nhận thì một phụ huynh nói "cô lấy mấy con cá kho cho mấy đứa ăn cho đủ chất. Em không có tiền, con cá là của em còn cái chữ là của cô thì mấy đứa mới lớn khôn được" - cô Châu, kể.

Tấm lòng cao cả

Khi mới mở lớp, cô Châu gặp khó khăn vì thiếu đồ dùng học tập. Để có được nguồn kinh phí mua sắm thiết bị dạy học, ngoài việc dành dụm tiền những đồng lương hưu ít ỏi của mình, cô Châu đã kêu gọi bạn bè, các nhà hảo tâm giúp sách vở, bút... cho các em.

Nhà của cô Châu cũng chính là nơi được Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Sơn Trà thực hiện mô hình "Tủ sách cộng đồng". Ngôi nhà của cô đã trở thành địa chỉ để bà con lối xóm, học sinh trong vùng tìm hiểu kiến thức qua những cuốn sách báo.

Ngoài ra, cô Châu còn vận động nhiều hội viên phụ nữ, các nhà hảo tâm hỗ trợ để xây dựng nhà tình thương, tặng sổ tiết kiệm cho hộ phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, hoàn cảnh khó khăn, các em học sinh nghèo, khuyết tật trên địa bàn.

Ông Võ Đình Công, chủ tịch UBND phường Thọ Quang nói việc làm của cô Châu đáng kính trọng. Cô nuôi dạy trẻ em nghèo với một niềm đam mê, yêu thương vô hạn. Đó là tấm lòng cao cả, sự cống hiến tận tụy của một cô giáo già rất đáng khâm phục.

HỮU KHÁ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên