10/05/2012 09:18 GMT+7

Chậm trễ là có tội

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Khi bộ trưởng Bộ Y tế nhậm chức, dư luận kỳ vọng vị tư lệnh ngành vốn xuất thân từ Viện Pasteur chuyên về vệ sinh dịch tễ sẽ có những quyết sách chiến lược để công tác phòng dịch ở một đất nước nhiệt đới vốn hứng chịu nhiều dịch bệnh và hệ thống y tế cơ sở còn yếu kém rồi sẽ có những cải thiện.

Gần một năm qua, người ta đã thấy tân bộ trưởng xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông, đăng đàn ở không ít hội nghị, phát biểu nhiều vấn đề nóng bỏng của ngành y.

Bộ trưởng đưa ra cả “sáng kiến gây sốc” kiểu “phải làm khó cho bệnh nhân chuyển viện” để chống quá tải tuyến trên, đưa ra nhiều lý lẽ thể hiện quyết tâm tăng viện phí nhưng hình như lại quên những bệnh nhân nghèo mắc “bệnh lạ” ở vùng sâu Quảng Ngãi? Mãi khi báo chí lên tiếng, thúc giục, các đoàn chuyên gia mới về Quảng Ngãi. Đích thân bộ trưởng xuất hiện yêu cầu “bằng mọi cách giảm thiểu số ca tử vong” và đưa ra “nghi án”: nguyên nhân mắc bệnh có thể từ gạo mốc (?).

Một loại bệnh mới, chưa tìm được nguyên nhân, gây ra đến 21 ca tử vong thì thử hỏi người dân làm sao an tâm được? Còn ông cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói một bệnh mới chưa tìm ra căn nguyên cũng là chuyện bình thường. Theo lý giải của ông: “Chưa tìm ra nguyên nhân bệnh không phải do ngành y tế mà bởi nhiều căn bệnh có khi một năm, 20 năm cũng chưa chắc đã tìm ra”. Nhưng có bình thường không khi đằng đẵng suốt một thời gian dài thông tin về bệnh lạ rất nhỏ giọt và ngay cả thông tin từ bộ cũng không hề thống nhất?

Lúc căn bệnh bắt đầu gây lo sợ trong cộng đồng, đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh thông báo sẽ đề nghị Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ vào cuộc giúp đỡ. Nhưng người dân đã bị mừng... hụt khi ngay sau đó Bộ Y tế chần chừ với lý do “cần tự tìm hiểu trước khi mời trợ giúp từ bên ngoài”. Chính phát ngôn viên Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội cũng bày tỏ sự thông cảm với những người bị bệnh ở Quảng Ngãi: “Chúng tôi chưa nhận được lời đề nghị giúp đỡ chính thức từ Bộ Y tế Việt Nam nhưng chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ bằng bất cứ cách nào có thể”.

Các tổ chức quốc tế đã sẵn sàng, còn bộ trưởng vẫn dùng dằng không quyết. Phải chăng vì nỗi lo uy tín ngành bị ảnh hưởng mà người đứng đầu Bộ Y tế bỏ qua nỗi lo sinh mệnh của hàng trăm bệnh nhân, tiếp tục phó mặc trách nhiệm cho các cơ sở y tế trong nước còn đang lúng túng dò tìm nguyên nhân và chữa trị theo kiểu “may thì được”?

Cách trả lời báo chí ráo hoảnh, “bình thường” với số phận con người của ông cục trưởng hay sự bận rộn với bao sự vụ rối bòng bong của vị tân bộ trưởng cũng đủ khiến dư luận, trong đó có nhiều người bệnh nghèo, người bệnh vùng sâu vùng xa lo lắng.

Tấm lòng người thầy thuốc luôn là liều thuốc cần thiết đầu tiên. Chỉ muộn một chút thôi, có thể một hay nhiều sinh mạng sẽ không cứu được. Sự chậm trễ trong ngành y dù thế nào cũng không thể chấp nhận, nhất là khi con số tử vong vì “bệnh lạ” vẫn tăng lên từng ngày, bất chấp những động thái trấn an của ngành y tế.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên