04/03/2014 08:02 GMT+7

Căng thẳng ở Ukraine: Sẽ có thỏa hiệp?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Nội vụ đã ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) trong khuôn khổ một cuộc họp khẩn sáng 1-3 (giờ VN) thể theo yêu cầu của phái bộ đại diện thường trực của Ukraine tại LHQ. Sau những phiên họp cả kín lẫn công khai, đến sáng qua (giờ VN), Phó tổng thư ký LHQ Jan Eliasson đã rời New York đi Ukraine tìm hiểu tình hình tại chỗ, làm nền tảng cho LHQ có thể giúp xuống thang tình hình ở đây.

Ukraine cảnh báo Nga không can thiệp quân sự vào CrimeaNga ra tối hậu thư buộc Crimea đầu hàng

Thật ra, không đợi Ukraine cầu cứu thì LHQ mới họp hay hành động. Từ hôm 25-2, tổng thư ký LHQ đã cử cố vấn cao cấp của mình là Robert Serry, được biết đến như là điều phối viên hòa bình Trung Đông, đến Ukraine. Đến Kiev, ông này đã lần lượt gặp một số lãnh đạo mới để “đoan chắc với mọi công dân Ukraine về sự hậu thuẫn của LHQ, đồng thời kêu gọi tất cả tác nhân quốc tế cùng cộng tác để giúp đất nước này ra khỏi thời điểm thách thức này của lịch sử”.

Thế nhưng tình hình ở Ukraine diễn biến nhanh hơn tính toán của các phe trong cuộc. Thay vì đáp ứng lời kêu gọi của đặc phái viên Robert Serry, Nga đã ra tay trước ở Crimea. Vì thế ông Serry, tuy cũng đã được lệnh đến Crimea, nhưng phải thối lui về lại Geneva vì lý do “hậu cần”!

Tại sao Nga tự tin ra tay ở Crimea đồng thời tự tin họp khẩn ở Hội đồng Bảo an thể theo yêu cầu của Ukraine? Trong các vụ đưa nhau ra trước Hội đồng Bảo an như đã thấy qua các vụ Iran, Syria, thường có một bên “nguyên đơn” và một bên “bị đơn”. Thường là bên “bị đơn” (và đồng minh) tìm đủ cách thoái thác do biết mình đuối lý, thì lần này phía Nga gật đầu đồng ý họp ngay. Câu trả lời có thể thấy ngay trong phát biểu của ông Jan Eliasson: “Tân Thủ tướng của Crimea, Sergei Aksenov, hôm nay đã ra một tuyên cáo yêu cầu Tổng thống Putin cung cấp hỗ trợ nhằm đảm bảo hòa bình và yên ổn trong lãnh thổ cộng hòa tự trị Crimea”.

Như vậy, cuộc đấu lý ở trụ sở LHQ sẽ là vô tận nếu một bên (Ukraine) cứ trách “xâm phạm và đe dọa vẹn toàn lãnh thổ của chúng tôi”, và bên kia cứ trả lời “chúng tôi được một chính quyền hợp pháp yêu cầu nhảy vào”. Hẳn chỉ có thể có giải pháp qua một thỏa hiệp nào đó. Đúng như cầu chúc mới nhất của Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon là có “một giải pháp lâu dài qua thỏa hiệp”.

Vấn đề là để đi đến một thỏa hiệp sẽ rất căng thẳng. Không phải bên nào có lý hay đuối lý hơn, mà là bên nào cứng hay yếu bóng vía hơn, để có thể chấp nhận hay không chấp nhận đổi chác những gì!

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên