(Số báo khởi động chương trình học bổng 10 năm “Tiếp sức đến trường” (số ra ngày 25-8).
Khi ấy tôi mới luống cuống chạy ra quầy báo trước bệnh viện để nhìn thấy mình trong tấm ảnh của gần 10 năm trước và tôi bây giờ.
![]() |
Nguyễn Thị An của ngày trăn trở với ước mơ đi tiếp con đường học. Ảnh: Lê Đức Dục |
Thật khó ngăn được nước mắt khi nhìn lại hình ảnh mình ngồi bên nồi cám lợn trong gian bếp ám khói với khuôn mặt buồn trĩu âu lo trước hai tờ giấy báo đại học y khoa và sư phạm đến cùng lúc. Khi đó tôi chưa biết gì về học bổng "Tiếp sức đến trường", cho đến khi chú Lê Đức Dục, phóng viên báo Tuổi Trẻ, tìm đến nhà và cho biết sẽ có những suất học bổng “tiếp sức” cho tân sinh viên nghèo.
Tôi vẫn nhớ bài báo viết về tôi đã tả rằng: “Nồi cám ấy có vẻ to hơn cả sức vóc của An, nhưng nỗi lo để có tiền đi học còn to hơn thế gấp nhiều lần”. Bên nồi cám lợn ấy nước mắt tôi đã lặng lẽ ứa ra, cay sè vì khói bếp, cay sè vì mơ ước trở thành bác sĩ của tôi suốt mười mấy năm học trò có thể vĩnh viễn khép lại.
Tôi nhớ những cuốc xe thồ của ba tôi ở bến xe Đông Hà, chiếc xe cà khổ đó đã cõng trên mình nó cuộc sống của người mẹ quanh năm đau yếu và ba chị em tôi đều đang tuổi ăn học. Ba tôi động viên cứ nhập học vào Trường ĐH Y khoa Huế, nhưng vài trăm ngàn đồng với gia đình tôi những năm tháng ấy là một số tiền quá lớn, huống nữa học phí trường y bấy giờ là 1,8 triệu đồng/năm và sẽ phải học đến những... sáu năm. Tôi chọn học ngành sư phạm với lý do sinh viên sư phạm sẽ không phải đóng học phí. Sau mấy tuần vào học ở khoa toán Trường ĐH Sư phạm Huế, tôi nghĩ cánh cổng trường y đã hoàn toàn khép lại với tôi, giấc mơ khoác chiếc áo blouse trắng cũng sẽ lặng im giấu kín trong những trang nhật ký. Và có thể sẽ là vĩnh viễn!
![]() |
Và bác sĩ Nguyễn Thị An hôm nay (bìa trái). Ảnh: Lê Đức Dục |
Nhưng rồi tôi được chọn là một trong số 32 tân sinh viên đầu tiên của Quảng Trị nhận học bổng đợt đầu. Tôi nhớ rõ số tiền học bổng năm ấy là 2,5 triệu đồng/sinh viên. Hai triệu rưỡi là một số tiền “khủng khiếp” với tôi lúc đó, ít ra tôi có thể nộp học phí cho khoảng 3 học kỳ đầu tiên trong số 12 học kỳ của 6 năm học, và với số tiền học bổng đó trong tay, tôi xin phép các thầy ở khoa toán Trường ĐH Sư phạm Huế cho tôi được trở về với cánh cổng trường y mơ ước của mình. Trên con đường Ngô Quyền mỗi sáng dẫn vào Đại học Y khoa Huế, tôi luôn bước đi với cảm giác như mình đang bay.
Tôi nhớ hôm nhận học bổng, chú Vũ Văn Bình, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, đã phát biểu rằng: “Mỗi suất học bổng 2,5 triệu đồng chưa thể cho các em yên tâm suốt hành trình đại học nhưng sẽ giúp các em vượt qua khó khăn buổi đầu. Và khi vượt qua rồi nó có thể thay đổi một số phận, mở ra một tương lai...”. Với tôi và nhiều bạn bè nhận học bổng ngày ấy, điều ấy nay đã thành hiện thực. Và riêng với gia đình tôi còn có thêm một niềm vui khác, là Nguyễn Thiện Nhàn, em gái kế tôi, cũng đã nhận học bổng "Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ vào năm học 2006, đó là nguồn động viên ban đầu để sau đó em dự thi và giành được học bổng du học ở Trường Kỹ sư quốc gia Val de Loire của nước Pháp.
Tôi vẫn còn thêm một năm nữa mới hoàn thành chương trình học (An đã hoàn tất chương trình ĐH y và đang học ba năm chương trình bác sĩ nội trú - TT). Con đường phía trước còn rất dài, tôi vẫn chưa làm được gì để cảm ơn cha mẹ, cảm ơn cuộc đời đầy bao dung và những tấm lòng nhân ái. Nhưng sống là hi vọng và hãy tin vào những giấc mơ của mình.
Tôi vốn là người nhút nhát, có thể hơi vụng về để bày tỏ lòng biết ơn, nhưng câu chuyện của tôi, cô học trò với ánh mắt đầy tuyệt vọng bên nồi cám lợn trước những cánh cửa đại học của gần mười năm trước và công việc hôm nay của tôi có thể sẽ là một chút gì đó tin yêu, từ chính tôi, muốn chia sẻ cùng các bạn tân sinh viên đang được “Tiếp sức đến trường” bởi chương trình Vì ngày mai phát triển của báo Tuổi Trẻ, và hôm nay tờ báo ấy đang đón mừng sinh nhật tuổi 37 của mình.
Nếu suất học bổng hôm qua là hạt mầm tin yêu mà báo Tuổi Trẻ đã gieo xuống giấc mơ đời của tôi và bạn bè, thì thành quả hôm nay của tôi và bạn bè xin được là một lẵng hoa nhỏ để chúc mừng báo Tuổi Trẻ bước vào tuổi mới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận