15/10/2011 06:46 GMT+7

Vũ khí chống... "phở"

VŨ BÁCH
VŨ BÁCH

TT - Cách đây chưa lâu, một số quý bà quý cô rỉ tai nhau về một loại thiết bị định vị gắn trên xe. Cùng với đó, là "con bọ" nghe lén gắn trên điện thoại di động. Mục tiêu để giám sát bất cứ khi nào ra khỏi tầm mắt của họ chính là các ông chồng. Tất nhiên, giám sát không nhằm để bảo vệ an ninh, mà để tăng cường khả năng phòng chống “phở” trong mọi tình huống và thời tiết.

Thời buổi kỹ thuật số, chỉ cần một chi phí vừa vừa, cũng chẳng cần rành rẽ công nghệ, mọi nhu cầu về thiết bị theo dõi đều có thể được đáp ứng. Chỉ cần ngồi nhà, vào mạng tìm kiếm gõ vài chữ, alô vài cuộc, thế là sắm được tai mắt điện tử với đủ nguồn xuất xứ. “Anh đang ở đâu đấy” - câu hỏi mang tính kinh điển này nay đã có thêm phương tiện kiểm tra. Các quý ông mất cảnh giác mà có hoạt động ngoài luồng lập tức bị phát hiện. Tốn kém và chuyên nghiệp hơn là thuê thám tử. Cách thức này sẽ được đền đáp bằng báo cáo chi tiết, kèm hình ảnh, âm thanh ghi lén. Và chỉ cần bằng ấy là đủ cho những phiên tòa nội bộ, bị cáo đàn ông bị dồn vào chân tường. Chạy đâu cho thoát!

Theo dõi - giám sát hôn nhân, đấy là đầu việc ăn khách trong danh mục quảng cáo của các văn phòng thám tử. Một giám đốc “công ty” thám tử tư có trụ sở tại Q.Gò Vấp, TP.HCM tiết lộ đến hơn 80% yêu cầu theo dõi chồng/vợ chỉ sau khoảng một tuần là có thể thu thập được bằng chứng đáng tin cậy. Cấp độ "nhẹ" là cà phê, ăn trưa, coi ca nhạc, đi shopping... Cấp độ "nặng" thì nhà nghỉ, khách sạn, khu du lịch xa nhà... 20% còn lại phải mất nhiều thời gian theo dõi hơn, nếu người bị theo dõi có “kinh nghiệm phản gián” hoặc vô can.

Tuy vậy, kết cục sau việc theo dõi và thu thập được bằng chứng có liên quan đến "phở" thường chẳng vui vẻ gì. Bị dồn đến chân tường, một số ông cũng tởn vì sự ghê gớm của tướng bà. Quan hệ sau đấy của hai người sẽ sứt mẻ do mất tin cậy. Nhưng một số ông khác thì coi đó là cớ để già néo đứt dây, “đã lỡ lên xe thì đi tới bến”. Thêm một thời gian nữa, cuộc hôn nhân sẽ được phán quyết ở tòa án, và họ phải hát "tình ta tan vỡ ôi từ đây".

Không giám sát thì không yên tâm, giám sát thì lại dở cả đôi đàng, vậy phải làm thế nào? Có những người chọn cách an phận rằng "có đi với địch rồi cũng sẽ về với ta". Có những người khác lại chọn cách tăng cường các hoạt động theo “phương pháp Liên Hiệp Quốc”: bao vây, hù dọa, vận động hành lang (với gia đình lớn, người thân, bạn bè) hoặc... cấm vận! Tóm tắt kết quả của các cách này đều đáng tiếc: chén nước đầy đã đổ thì không thể hốt lại.

Một số người khác áp dụng binh pháp cổ điển: phòng cháy hơn chữa cháy. Mối dây tình cảm luôn được thắt chặt bằng chăm sóc, quan tâm, chia sẻ vui buồn. Mặt khác, quan hệ với con cái, gia đình lớn, dòng họ, bạn bè thân của cả hai bên cũng luôn được tạo cơ hội để gắn kết. Cách này rất khôn ngoan, vì họ hiểu bản chất của tan vỡ cốt yếu là chuyện hai người chứ không phải ở người thứ ba. Tuy vậy, trong nhịp sống đô thị khi nhiều áp lực lo toan kéo tới hằng ngày, có rất ít lứa đôi đủ kiên nhẫn và tinh tế để thực hiện cách thức chống “phở” hiệu nghiệm này.

Nghe có vẻ hơi “sến”, nhưng quả thật chẳng có buộc ràng nào bền chặt bằng sự yêu thương và tin cậy. Cách giám sát tốt nhất phải chăng là chẳng cần săm soi theo dõi hay xài công nghệ cao gì?

VŨ BÁCH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên