24/03/2017 10:24 GMT+7

Việt Nam trong nhóm dẫn đầu cuộc đua hạ tầng châu Á

M. TRUNG
M. TRUNG

TTO - Theo Bloomberg, dù là một trong những nền kinh tế nhỏ của châu Á, Việt Nam đang nằm trong top đầu của cuộc đua đầu tư hạ tầng để thu hút vốn nước ngoài.

Công trình xây dựng tàu điện ngầm ở TP.HCM tại vòng xoay Quách Thị Trang (phía trước chợ Bến Thành) - Ảnh: HỮU KHOA
Công trình xây dựng tàu điện ngầm ở TP.HCM tại vòng xoay Quách Thị Trang (phía trước chợ Bến Thành) - Ảnh: HỮU KHOA

Những năm gần đây, đầu tư hạ tầng ở hai khu vực nhà nước và tư nhân của Việt Nam chiếm trung bình 5,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - tỉ lệ cao nhất ở Đông Nam Á.

Để so sánh, ở Trung Quốc con số là 6,8% - theo số liệu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Indonesia và Philippines chi ít hơn 3% GDP cho hạ tầng, trong khi Malaysia và Thái Lan thậm chí còn dưới 2%.

ADB ước tính các nền kinh tế đang nổi trong khu vực cần phải đầu tư 26 ngàn tỉ USD đến năm 2030 để xây dựng hệ thống giao thông, tăng nguồn cung năng lượng, nâng cấp các cơ sở xử lý nước.

Việt Nam - thuộc nhóm các nước tăng trưởng nóng của thế giới - đang tăng cường xây dựng hạ tầng để thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài, hướng đến vị trí “con hổ kinh tế mới” của châu Á theo cách dùng từ của Bloomberg.

“Chính phủ (VN) biết nếu họ muốn cạnh tranh thu hút đầu tư, lao động giá rẻ vẫn chưa đủ. Họ cần cơ sở hạ tầng đủ tốt để hấp dẫn các công ty mở nhà máy. Sự phát triển đã và đang tương đối trải rộng, với các công trình sân bay và đường giao thông đang thi công trên khắp cả nước” - bà Eugenia Victorino, nhà kinh tế thuộc Australia & New Zealand Banking Group (Singapore), nhận xét về Việt Nam.

Theo Bloomberg, các nỗ lực của Việt Nam đang được đền đáp. Đầu tư nước ngoài trực tiếp của Việt Nam tăng lên mức kỷ lục 15,8 tỉ USD năm 2016. Ngân hàng thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ giữ mức tăng trưởng hơn 6% đến 2019.

Nhưng bên cạnh đó, các thách thức cũng không nhỏ. Việt Nam cần khoảng 480 tỉ USD đến năm 2020 cho hạ tầng, trong đó bao gồm 11 nhà máy điện với công suất tổng cộng 13.200 megawatts và khoảng 1.380km đường cao tốc.

Ông Rana Hasan, Giám đốc phát triển kinh tế của ADB, đánh giá khu vực tư nhân vẫn còn giữ vai trò khiêm tốn trong phát triển hạ tầng ở Việt Nam - chiếm dưới 10% chi tiêu. So sánh với Ấn Độ, khu vực tư nhân tại đây chiếm hơn 30% tổng đầu tư hạ tầng trong những năm gần đây.

Các nước khác ở Đông Nam Á đang lên kế hoạch bám đuổi. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đặt ra mục tiêu tham vọng là chi đến 7% GDP cho hạ tầng, ước tính trị giá 160 tỉ USD đến năm 2022. 

Indonesia cũng đang tăng tốc nhiều dự án hạ tầng, trong đó có các tuyến đường bộ xuyên suốt trên các đảo lớn, hệ thống đường sắt dài 720km từ Jakarta đi Surabaya…

M. TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên