05/09/2016 15:44 GMT+7

Trung Quốc càng cố càng lộ điểm yếu trong Thượng đỉnh G20

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO - Bắc Kinh muốn nhân việc làm chủ nhà hội nghị quan trọng hàng đầu để thể hiện “vị thế nước lớn” với thế giới, nhưng chuyện an ninh thắt chặt thái quá lại đang gây tác dụng ngược.

Trung Quốc sử dụng đội nữ quân nhân đi tuần quanh Hồ Tây (TP Hàng Châu) để tạo cảm giác "mềm dịu" - Ảnh: Reuters

“Trung Quốc muốn tranh thủ thể hiện vị thế đang lên của mình ở G20, nhưng các biện pháp an ninh cực đoan lại tạo ấn tượng Trung Quốc là một đất nước đang bấp bênh với vị trí hiện có hơn là sẵn sàng giữ vai trò cường quốc” - cô Eunice Yoon, nữ phóng viên phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Đài CNBC (Mỹ), bình luận.

Trong bài báo có tựa “Những vấn đề lớn trong thành phố nhỏ Hàng Châu: An ninh thắt chặt nói gì về Trung Quốc” hôm 5-9 trên CNBC, cô Yoon thuật lại trải nghiệm của mình và đồng nghiệp quốc tế với các biện pháp đảm bảo an ninh “hơi thái quá” của nước chủ nhà.

Nữ phóng viên CNBC đã có câu chuyện “dở khóc dở cười” đậm chất phụ nữ với các nhân viên an ninh tại Hàng Châu, nơi cô mô tả là “gần như bị phong tỏa để đảm bảo việc đón tiếp các nhà lãnh đạo thế giới”.

Khi Yoon đến khách sạn nơi tổng thống Mỹ lưu trú, các nhân viên Trung Quốc yêu cầu cô bước qua máy quét an ninh và trút hết đồ đạc trong túi xách, kể cả bộ đồ trang điểm, ra để kiểm tra.  

“Trong đó có 5 thỏi son tất thảy do sáng nay vội quá nên có bao nhiêu tôi gom hết vào cả, chứ bình thường tôi không mang nhiều thế” - Yoon viết và hài hước bình thêm “tôi bắt đầu thấy hối hận vì đã làm thế”.

Một nhân viên an ninh mở nắp và vặn từng thỏi son để kiểm tra, sau đó đến lượt mascara, chì kẻ mắt, phấn mắt, mỗi lần như thế đều đọc to tên món đồ lên cho một nhân viên khác nghe thấy. Cô Yoon bối rối “tự nguyện” chìa pin điện thoại và iPad ra, nhưng người nhân viên nọ lại yêu cầu cô cởi đôi guốc cao gót hiệu Prada ra và xem xét rất kỹ lưỡng.

Hai đặc vụ người Mỹ đứng tại chốt an ninh xoa dịu nữ phóng viên CNBC khi tiết lộ họ cũng bị kiểm tra như thế! Hai người này không giấu được vẻ buồn cười khi thấy nhân viên an ninh Trung Quốc săm soi đôi guốc của nữ phóng viên.

Từ trải nghiệm cá nhân, cô Yoon cũng nhắc những căng thẳng giữa nhân viên Mỹ và Trung Quốc khi ông Obama đáp xuống sân bay Hàng Châu hôm 3-9, cũng như phát ngôn hạ nhiệt căng thẳng một ngày sau đó của tổng thống Mỹ.

Binh sĩ Trung Quốc đứng gác tại một ga tàu điện ngầm ở Hàng Châu - Ảnh: Reuters

Càng cố chứng tỏ, càng lộ mặc cảm

Phóng viên CNBC kể tiếp những quan sát khác của cô những ngày ở Trung Quốc để minh họa rõ hơn nhận định Bắc Kinh “giải quyết mọi thứ nghiêm trọng hơn mức cần thiết” như thế nào.

Theo cô Yoon, chính quyền đã đóng cửa nhiều nhà máy, buộc doanh nghiệp nghỉ lễ dài ngày và đóng hết các miệng cống thoát nước để chuẩn bị cho hội nghị G20. Các chốt an ninh được dựng lên và nhiều đường phố bị hạn chế lưu thông khiến việc đi lại ở Hàng Châu trở nên khó khăn.

Cô Yoon bình luận rằng các biện pháp có vẻ nặng tay đó, tuy vậy không lạ với những ai sống và làm việc ở Trung Quốc, nhất là khi Bắc Kinh rất cứng rắn trong việc quản lý Internet.

“Điều này khiến tôi nhớ lại cảm giác phấn khích khi thấy trong túi quà tặng cho phóng viên tác nghiệp tại G20 có một chiếc thẻ để truy cập Internet mà không bị chặn. Nếu thấy vui vì vào được Google mà không phải ‘vượt rào’ thì biết mình đang ở Trung Quốc!”

Nhà báo Eunice Yoon

Cô Yoon cũng cho rằng chính quyền cẩn thận quá khiến cánh nhà báo thấy sợ: khi kiểm tra, không chỉ hỏi tên khách sạn của báo giới, các nhân viên an ninh Trung Quốc còn hỏi đến tận số phòng. Cô Yoon chỉ biết mục đích của việc này qua câu chuyện của đồng nghiệp cùng làm cho CNBC, anh Sri Jegarajah.

“Cảnh sát tịch thu hộp kẹo ngậm thơm miệng của Jegarajah tại một chốt an ninh, và khi anh về đến phòng khách sạn thì thấy chính hộp kẹo ấy đã nằm sẵn trên bàn” - cô Yoon viết.

Nhà báo của CNBC cho rằng Trung Quốc muốn thuyết phục thế giới tinh rằng mình đang trỗi dậy trong hòa bình và đồng thuận, trong khi “ấn tượng để lại trong cách mà họ đối xử với các nhà ngoại giao, nhân viên và nhà báo (các nước) cho thấy (Trung Quốc) vẫn là đất nước đầy mặc cảm tự ti”.

Kết luận bài viết, cô Yoon hóm hỉnh cho rằng “lần tới nếu lại tổ chức G20, có lẽ Bắc Kinh có thể cảm thấy thoải mái hơn với người nước ngoài một chút (vì đã quen), hoặc là tôi chỉ nên mang một cây son mà thôi”.

Nhà báo Eunice Yoon cũng khách quan nhận định, không phải không có điểm sáng trong cách Hàng Châu tổ chức hội nghị G20. Các tình nguyện viên dễ mến, nhân viên khách sạn nhiệt tình giúp đỡ và những người trẻ được thuê làm thông dịch, “dù trình độ tiếng Anh khác nhau nhưng tất thảy đều nghiêm túc và nhiệt tình trong công việc”.

Cả những nhân viên an ninh cũng tâm sự với Yoon họ mong đến ngày 7-9 khi các cuộc họp kết thúc để “mọi áp lực chấm dứt”, song ai cũng vui sướng được là một phần của sự kiện quốc tế trọng đại này.

TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên