12/05/2012 08:01 GMT+7

Trợ lý quái dị

TRẦN NHÃ THỤY
TRẦN NHÃ THỤY

TT - Nếu tôi là trợ lý văn hóa cho Chanh (tức ca sĩ Phương Thanh) thì tôi sẽ không để cho cô ấy phải đính chính rằng: “Ảnh tôi giẫm lên sách là photoshop”.

Mà tôi sẽ mau lẹ mách nước cho Chanh phát biểu rằng: “Không phải tôi giẫm lên sách, mà tôi đang đứng trên vai những người khổng lồ” (Bởi sách chẳng phải được coi là kho tri thức khổng lồ là gì? Những tác gia xuất sắc chẳng phải được ví như những người khổng lồ là gì?). Mà đứng trên vai người khổng lồ thì chẳng sao cả, người thích bắt bẻ cùng lắm bảo Chanh “ham leo trèo” mà thôi. Còn đính chính: “Ban đầu tôi đứng trên một cái bục gỗ, sau đó êkip chụp ảnh dùng photoshop để thay hình sách vào” thì chắc khối người tò mò muốn xem cái bục gỗ đó nó như thế nào, rồi khối người chất vấn: “Sao cái êkip kia lại để Chanh giẫm lên sách, ý của các anh chị là gì? Chẳng lẽ họ để Chanh giẫm lên sách mà không hỏi ý kiến? Vậy họ muốn để Chanh giẫm lên cái gì cũng được à?...”. Những vặn vẹo kiểu này khiến sự việc càng trở nên tồi tệ. Giá tôi là trợ lý văn hóa cho Chanh!

Nhưng hình như là tôi nhầm, vì ở nước mình làm gì có nghề “trợ lý văn hóa”? Mà, các nghệ sĩ, bản thân họ đã là “chủ thể văn hóa” rồi, cần gì trợ lý văn hóa nữa?

Có lẽ vì không có, không cần “trợ lý văn hóa” nên các nghệ sĩ đôi khi “thăng hoa” hơi quá đà. Ca sĩ Thủy Tiên từng một màn uốn éo với trang phục mỏng mảnh bên cạnh hai cụm tượng chiến sĩ trong Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, rồi mới đây hoa hậu Nguyễn Thị Loan lại có màn gợi cảm trên khẩu pháo trong Bảo tàng Phòng không không quân (Hà Nội).

Nếu bảo rằng Thủy Tiên “xúc phạm” hình ảnh người lính, hay Nguyễn Thị Loan “giẫm đạp lên hiện vật lịch sử” thì e trầm trọng quá. Nhưng rõ ràng là những màn trình diễn trên những bối cảnh như thế là không hợp, không đẹp. Sự đối trọng không tạo hiệu quả nghệ thuật mà gây khó chịu, ít ra là ở khía cạnh thị giác. Sự phá cách, trong nhiều trường hợp là gây tác dụng ngược.

Khi viết đến đây thì trước mắt tôi bỗng hiện ra những độc giả thông minh và hài hước, họ bảo: “Vậy là ông đã mắc bẫy những nghệ sĩ chuyên gây sốc rồi. Họ đâu cần biết là đẹp, là hợp hay không. Họ làm sao miễn gây sốc, gây ồn ào cho bàn dân thiên hạ biết đến là được. Phản cảm, rồi thì sao.? Rồi đâu lại vào đấy thôi”. Lại có độc giả khó tính bảo: “Biết bao điều tử tế cần viết mà không viết. Sao lại phải tốn giấy cho những chuyện vớ vẩn thế này?”.

Vâng, cũng có thể là mình đã mắc bẫy. Nhưng tôi không tin những nghệ sĩ vì thiếu tài năng, chỉ chuyên gây sốc lại là những người thắng cuộc. Công chúng nghệ thuật đích thực không bao giờ dễ dãi. Chỉ cần ngồi xem một buổi game show họ đã đo được trình độ của ban giám khảo đến đâu. Chỉ cần một lần “chạm trán” với nghệ sĩ cũng có thể biết tài năng và tư cách người “đối diện” thế nào.

Tôi chỉ e ngại một điều, nhiều trang báo (đặc biệt là báo mạng) khi tung ra những bài “chỉ trích” nghệ sĩ, thực chất là “chơi chiêu” PR. Và sợ đằng sau thế giới truyền thông là một thế giới quyền lực, lắm tiền. Như thế các nghệ sĩ sau khi bị chỉ trích, giả vờ đính chính, xin lỗi... thực chất lại rất “hả hê”(!).

Và tôi cũng thấy bóng dáng những “trợ lý văn hóa” cho những nghệ sĩ kiểu này, với những chiêu trò “quái dị”... phát triển không ngừng.

TRẦN NHÃ THỤY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên