09/12/2013 08:00 GMT+7

Trận đánh lớn

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Dù vẫn còn không ít luận điểm cho rằng Bộ GD-ĐT xác định khâu đột phá của đổi mới giáo dục là thi cử chưa thuyết phục, nhưng không thể phủ nhận thi, kiểm tra vẫn là vấn đề bức xúc lâu nay.

Việc đổi mới thi, kiểm tra đánh đúng vào tâm lý đã thiết lập trong hàng chục năm qua ở học sinh và cả hàng ngũ giáo viên: “Thi gì, học nấy”.

Có ông bố, bà mẹ nào không xót xa khi con em mình ngẩn ngơ nhìn cổng trường ĐH vì chưa ôn, chưa luyện trúng đề? Có thầy cô giáo nào không băn khoăn day dứt khi cậu trò có tố chất bất ngờ bỏ lỡ cơ hội vào ĐH chỉ vì chưa được luyện một dạng đề thi mới? Quá dễ hiểu khi từ mẫu giáo, lớp 1, lớp 2, những đứa trẻ non nớt đã lại cặm cụi vào đủ thứ lò luyện để chuẩn bị đầy mình hành trang cho tương lai.

Thi cử là chuyện hệ trọng ăn sâu vào nền nếp tư duy xã hội và ngành giáo dục nên chọn đổi mới thi cử là khâu đột phá cũng là dễ hiểu. Thể hiện quyết tâm cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục, nhiều lần Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã ví đó là “trận đánh lớn”. Riêng với khâu đột phá đổi mới thi cử, trong buổi giao lưu trực tuyến gần đây, ông Luận dẫn giải dù đó không là mục tiêu cuối cùng của đổi mới giáo dục, nhưng lại chính là việc phải làm ngay để tác động trở lại hệ thống dạy - học.

Nhưng liệu đổi mới thi cử có thật sự giống trận đánh nơi chiến trường sinh tử? Bản chất của một trận đánh muốn giành thắng lợi phải tạo bất ngờ cho đối phương, còn trong lực lượng của mình cũng phải giữ bí mật đến tận phút chót. Nếu Bộ GD-ĐT cứ quyết tâm đột kích vào giáo dục bằng những thay đổi bất ngờ thì sự xáo trộn xã hội sẽ là đáp án có sẵn. Cứ nay đánh đằng đông, mai đánh đằng tây, không theo một lộ trình chi tiết, căn cơ được xác lập kỹ lưỡng thì không chỉ khiến phụ huynh học sinh ngơ ngác, mà chính cơ quan quản lý có thể cũng bị rối loạn.

Nguyên lý đổi mới nền giáo dục, đổi mới hệ thống thi cử ảnh hưởng đến hàng triệu gia đình mỗi năm có lẽ không đơn giản chỉ khuôn gói trong kỳ thi tất yếu phải làm, mà còn ở việc diễn giải thuyết phục trước khi chính thức thực hiện những kỳ thi đổi mới. Đổi mới giáo dục nói chung, đổi mới thi cử nói riêng hẳn nhiên không phải đến bây giờ Bộ GD-ĐT mới nghĩ ra, mới thấy cấp thiết phải làm, mà là hối thúc bức thiết từ lâu của xã hội và chính nhiều đời bộ trưởng đã cùng nhau tiếp nối để thực hiện công cuộc chấn hưng hôm nay.

Nếu công cuộc đổi mới được bộ tiến hành thật sự công khai, minh bạch và cầu thị thì chắc chắn có hàng triệu giáo viên, học sinh, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đứng đằng sau ủng hộ. Ngược lại, ngành giáo dục sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn và trở ngại từ “trong nhà” đến ngoài xã hội, từ chính giáo viên trong ngành đến các bậc phụ huynh nếu bộ cứ “úp mở”, “du kích” về những thay đổi đang làm.

Xã hội có quyền đặt nghi ngờ hình như bộ chưa có một sự chuẩn bị chu đáo, chưa hình dung rõ lộ trình phải thực hiện khiến hàng triệu giáo viên, hàng chục triệu học sinh và phụ huynh luôn ở thế bị động chạy theo những quyết định bất ngờ, ngẫu hứng. Bài học công khai, minh bạch và có tính kế hoạch chặt chẽ để động viên nguồn lực và tinh thần toàn xã hội cho một công cuộc đổi mới tác động đến cả chục triệu gia đình là điều Bộ GD-ĐT cần ý thức sâu sắc ngay khi khởi động.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên