28/08/2017 17:40 GMT+7

​34 giám đốc OceanBank hầu tòa vì chi lãi ngoài

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Vì tuân thủ lệnh của cấp trên, 34 bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh OceanBank trên khắp cả nước đã phải hầu tòa về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm - Ảnh: NGUYỄN HƯNG
Nguyên chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Phiên xét xử vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) đang diễn ra tại TAND TP. Hà Nội. Trong số 51 bị cáo đang được đưa ra xét xử, có tới 34 bị cáo nguyên là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và giám đốc phòng giao dịch, chi nhánh của OceanBank trên khắp cả nước.

Trong phần làm thủ tục sáng 28-8, nhiều bị cáo đã khóc tức tưởi trước tòa.

Không thể xử lý hết!

Cáo trạng thể hiện do muốn huy động vốn, nguyên chủ tịch HĐQT Hà Văn Thắm đã đề ra chủ trương chi lãi ngoài cho khách hàng trên toàn hệ thống OceanBank.

Cụ thể, ngoài mức lãi suất tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các khách hàng khi gửi tiền tại Oceanbank (từ 1 tỉ đồng trở lên) sẽ được nhận một khoản lãi suất ngoài.

Khoản lãi suất này được gửi thẳng cho khách hàng mà không được thể hiện trong hợp đồng tiền gửi hay sổ tiết kiệm khách hàng đã ký với OceanBank.

Kết luận cho thấy trong thời gian từ năm 2010 đến tháng 11-2014, tổng số tiền Oceanbank đã chi cho chủ trương này là hơn 1.500 tỉ đồng.

34 bị cáo nguyên là giám đốc các chi nhánh, phòng giao dịch đều thực hiện chủ trương chi lãi suất ngoài khi huy động vốn của Oceanbank tại thời kỳ đó.

Ngoài 34 giám đốc nêu trên, cáo trạng xác định có 227 người là giám đốc phòng giao dịch đã tiếp nhận chủ trương của giám đốc chi nhánh, chi lãi ngoài cho khách hàng gửi tiền dưới 1 tỉ đồng.

Tuy nhiên, sau khi phân tích đánh giá về vai trò, Viện KSND tối cao xét thấy các đối tượng này có số lượng lớn (227 người) và chỉ là những cá nhân thực hiện chỉ đạo từ giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch.

Nếu khởi tố, xử lý hình sự hết các đối tượng nêu trên thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống của OceanBank trong giai đoạn tái cơ cấu.

Do vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an và Viện KSND tối cao đã thống nhất sẽ không xử lý hình sự mà chỉ xem xét về mặt hành chính đối với 227 người nêu trên.

Với các cá nhân khác có hành vi chi lãi ngoài hợp đồng trái quy định dưới 100 triệu đồng thì không xem xét trách nhiệm hình sự mà kiến nghị xử lý hành chính và liên đới bồi thường thiệt hại.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc OceanBank) bị cáo buộc đã lợi dụng việc chi lãi ngoài của OceanBank để tham ô 246 tỉ đồng - Ảnh: NGUYỄN HƯNG
Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên tổng giám đốc OceanBank) bị cáo buộc đã lợi dụng việc chi lãi ngoài của OceanBank để tham ô 246 tỉ đồng - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Hồ sơ vụ án bị đánh tráo?

Trong phần thủ tục sáng 28-8, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn) cho biết khi sao chụp và kiểm tra lại toàn bộ tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì thấy thiếu lời khai quan trọng của Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh và một số người liên quan đã được Cơ quan điều tra lấy lời khai trước đó.

Thay thế các lời khai này là kết luận thanh tra Ngân hàng TMCP Đại Dương và các phụ lục nợ xấu tại ngân hàng.

Chiều 28-8, sau khi nghỉ hội ý về kiến nghị của luật sư Trương Thị Minh Thơ, Hội đồng xét xử khẳng định trong quá trình nghiên cứu, luật sư đã có sự nhầm lẫn giữa bút lục hồ sơ vụ án Phạm Công Danh (đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng VNCB) với hồ sơ vụ án Hà Văn Thắm (đại án kinh tế xảy ra tại OceanBank).

Tuy nhiên, luật sư Minh Thơ cho biết trả lời của Hội đồng xét xử không thuyết phục. Bà có đầy đủ chứng cứ chứng minh hồ sơ vụ án đã bị đánh tráo và sẽ trình lên Hội đồng xét xử trong ngày mai 29-8. 

Sau phần trả lời các kiến nghị của các luật sư, đại diện Viện kiểm sát đã công bố bản cáo trạng dài 109 trang.

Sáng mai 29-8, đại diện VKS tiếp tục công bố cáo trạng. 

Thiệt hại mà không phải thiệt hại?

Tại tòa sơ thẩm lần 1 vào tháng 3-2017, các bị cáo là lãnh đạo OceanBank đều khẳng định công tác chi lãi suất ngoài để huy động vốn của Oceanbank thời điểm đó không gây thiệt hại cho Oceanbank mà ngược lại, là để “cứu ngân hàng”, vì đem lại lợi nhuận rất cao.

Trước khi phiên tòa diễn ra, các bị cáo trong nhóm giám đốc chi nhánh OceanBank còn lập Facebook để nêu quan điểm về hành vi phạm tội của mình.

Nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Minh Thu cho rằng trong thời điểm từ năm 2010 đến 2014, Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu tất cả các ngân hàng thương mại phải nỗ lực giữ thanh khoản để không ảnh hưởng đến thị trường tài chính đang diễn biến hết sức phức tạp.

Oceanbank đã cùng với các ngân hàng thương mại khác làm tốt nhiệm vụ được giao này. Trong đó, việc chi lãi ngoài để giữ chân khách hàng gửi tiền là biện pháp để đảm bảo tính thanh khoản.

Vì vậy, các bị cáo cho rằng việc truy tố 34 giám đốc chi nhánh về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" là không hợp tình hợp lý.

Trên thực tế, việc chi lãi suất ngoài trái quy định không chỉ diễn ra tại OceanBank. Thông qua một số vụ đại án như Huỳnh Thị Huyền Như (VietinBank), Phạm Công Danh (Ngân hàng Xây Dựng)… có thể thấy các ngân hàng này đều có chủ trương chi lãi ngoài để huy động vốn, giữ chân khách hàng gửi tiền tại ngân hàng của mình dù biết việc làm đó trái quy định.

Đến khi phải hầu tòa và nghe phán quyết về mức án, các bị cáo mới hối hận vì làm theo chỉ đạo của cấp trên, thì đã muộn!

“Chúng tôi không có bất cứ tư lợi nào từ việc chi ngoài lãi suất và cũng không cố ý làm trái gây ra hậu quả nghiêm trọng gì, nhưng giờ đây chúng tôi phải chịu trách nhiệm hình sự, cùng 227 đồng nghiệp của chúng tôi chịu trách nhiệm dân sự (khắc phục hậu quả) trong vụ án” - một bị cáo nguyên là giám đốc chi nhánh của OceanBank phân trần.

Bị cáo Nguyễn Minh Thu- nguyên tổng giám đốc OceanBank- bị cáo buộc đã tiếp nhận chủ trương chi lãi ngoài trái quy định từ Hà Văn Thắm - Ảnh: NGUYỄN HƯNG
Bị cáo Nguyễn Minh Thu - nguyên tổng giám đốc OceanBank - bị cáo buộc đã tiếp nhận chủ trương chi lãi ngoài trái quy định từ Hà Văn Thắm - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Lách luật để trả lãi suất

Thực tế từ các vụ đại án như Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Hà Văn Thắm… cho thấy để tồn tại, các ngân hàng buộc phải lao vào cuộc chạy đua lãi suất, ngân hàng nào cũng cần huy động tiền từ người gửi để có thanh khoản tồn tại. Từ đó, chiêu bài “huy động tiền gửi với lãi suất cao” được các ngân hàng tung ra.

Lãi suất huy động đã được quy định, tuy nhiên các ngân hàng rơi vào tình trạng nếu không huy động với lãi suất cao thì không có tiền, mà huy động lãi suất cao thì phạm luật. Chính vì vậy, nhiều ngân hàng đã lách luật bằng cách trả lãi suất ngoài trái quy định.

Điều đáng chú ý khi lượng tiền bơm vào nền kinh tế nhưng nó không được “nắn” để chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang thực sự khát vốn mà chảy vào các lĩnh vực “ảo” như chứng khoán, bất động sản, thậm chí tiền từ ngân hàng này chảy sang ngân hàng kia.

TS Đinh Thế Hưng, trưởng Phòng Pháp luật Hình sự- Viện nhà nước và pháp luật (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên