11/08/2017 16:18 GMT+7

Đại gia, đại án và đại... nghìn tỉ

TRẦN PHI TUẤN
TRẦN PHI TUẤN

TTO - 25 người bị khởi tố, phần lớn là những đại gia, cả ngân hàng lẫn các ngành nghề khác trong một vụ đại án vay 4.700 tỉ, thất thoát 2.500 tỉ. Vì sao có thể dễ dàng như vậy?

Người làm được chuyện đó là ông Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB. Và con số 2.500 tỉ đồng thất thoát chỉ là một phần trong Đại án của ngân hàng này và dính đến rất nhiều đại gia của các ngân hàng khác.

18 tháng vào VNBC, rút ruột được 18.000 tỉ đồng, gây thiệt hại 9.000 tỉ, đại án Phạm Công Danh đang được xét xử giai đoạn 2, với thêm 25 người vừa bị bắt, trong đó có ông Trầm Bê và Phan Huy Khang, hai lãnh đạo của Sacombank, thêm một số gương mặt ngân hàng khác từ BIDV và TPBank.

Ông Danh cũng đã xứng danh với những ông trùm bà trùm ngân hàng khác, từ bà Hứa Thị Phấn, người bán cổ phần cho ông tại Đại Tín, tiền thân của VNCB, đến ông Hà Văn Thắm, cựu chủ tịch của Ocean Bank, người chủ mưu trong một đại án nghìn tỉ khác.

Điểm lại, trong chừng dăm năm trở lại đây, hàng loạt các đại gia ngành ngân hàng đã tra tay vào còng, người đã bị xét xử, đi tù và trở về nhà, người vẫn còn đang trong tù, người chờ ngày ra trước vành móng ngựa.

Ngày 7-6, trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết trong năm năm, từ 2011-2016, Bộ Công An đã khởi tố 95 vụ án kinh tế xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng, với khoảng gần 200 cán bộ ngân hàng.

Đến ngày 25-7, tại một hội nghị, Viện kiểm soát nhân dân TPHCM đưa ra con số chỉ trong 3 năm, 2014-2016 cơ quan điều tra thành phố và các quận huyện đã thụ lý 207 vụ với 256 bị can, còn tòa án thụ lý 107 vụ với 452 bị cáo trong ngành ngân hàng.

Chỉ riêng Agribank từ năm 2013 đến nay đã xử lý trách nhiệm 352 cán bộ. Chỉ riêng vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã gây thiệt hại cho VNCB số tiền lên tới 9.000 tỉ đồng.

Hàng nghìn tỉ đồng trong mỗi vụ án bốc hơi là một lẽ hàng chục nghìn tỉ đồng lại lâm vào cảnh nợ xấu để lại một hệ quả nặng nề cho nền kinh tế là một điều khác. Quan trọng hơn, trong một nền kinh tế đang thiếu tín dụng, thì những đồng tiền xương máu đó lại cứ trôi sông đổ bể…

Vì sao lại nên cớ sự như vậy? Có phải vì lòng tham của con người, hay quy trình có vấn đề?

Cũng trong thời gian ấy, một chuyên gia tài chính cần mẫn ngồi đếm các vụ án liên quan đến ngân hàng. Con số ông tính khá khớp với những công bố trên.

Rồi ông, một người làm trong ngành đã hơn 30 năm, đặt câu hỏi: Vì sao, cũng những con người ấy, làm trong môi trường ấy mà chuyện lại chỉ xảy ra với các ngân hàng trong nước, từ chóp bu cho đến các nhân viên?

Nói cách khác, vì sao cũng cây đó, trồng trên đất đó nhưng bên cho quả ngọt, bên ra trái đắng?

Đêm câu hỏi này đặt ra cho một luật sư vốn từng bào chữa cho một đại gia ngân hàng, ông nói vấn đề có thể quy về thể chế.

“Các công ty quốc tế họ tuân thủ quy trình tuân thủ và kiểm soát rủi ro chặt chẽ, còn với các ngân hàng trong nước thì thường quy trình chỉ để… ngó thôi”, vị luật sư nói.

Kinh doanh, ông nói, về bản chất, con người ai cũng có động cơ và lòng tham. Nhưng vấn đề là thực thi luật pháp và thể chế hóa luật pháp như thế nào để kiểm soát được long tham, và sử dụng mặt tích cực.

Trong một buổi được mời đến trình bày về kiểm soát rủi ro cho một ban giám đốc ngân hàng (hiện giờ đang lâm vào vòng lao lý), vị tổng giám đốc ngân hàng hỏi: Cái khó nhất trong áp dụng quy trình tuân thủ và kiểm soát rủi ro của các nhà băng Việt Nam là gì?

“Kiểm soát được cổ đông chi phối, tức là Chủ tịch HĐQT và hội đồng tín dụng, hội đồng đầu tư”, vị luật sư trả lời.

Mọi người cùng cười, đầy ý nhị. 

TRẦN PHI TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên