12/03/2013 07:11 GMT+7

Thiếu nhân lực tiếng Nga cho du lịch

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TT - Lượng khách quốc tế nói tiếng Nga đến Bình Thuận mỗi năm tăng đều đặn trên 20%, kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự, đào tạo nhân viên ngành du lịch biết tiếng Nga tăng theo.

LQZC2wez.jpgPhóng to
Khách Nga đăng ký tour du lịch tại Công ty du lịch lữ hành Thế Giới Mới (P.Hàm Tiến, TP Phan Thiết). Năm 2012 có trên 130.000 lượt khách Nga đến Phan Thiết - Ảnh: Nguyễn Nam

Để chuẩn bị kế hoạch nhân sự dài hơi cho ngành du lịch, UBND tỉnh Bình Thuận đang đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch phê duyệt dự án đào tạo tiếng Nga ngành du lịch giai đoạn 2013-2015 cho tỉnh này.

Nhu cầu tăng hằng năm

Khách nói tiếng Nga mỗi năm tăng trên 20%

Năm 2011 khách nói tiếng Nga đến Bình Thuận đạt 101.500 lượt, chiếm 33,8% tổng số khách quốc tế đến Bình Thuận, tăng 25,3% so với năm 2010. Năm 2012 con số này đạt 130.550 lượt, chiếm 36,7% tổng số khách quốc tế, tăng 23,4% so với năm 2011. Khách nói tiếng Nga không chỉ đến vào mùa trú đông mà cả vào mùa hè, thời gian lưu trú trung bình kéo dài 5-7 ngày, thậm chí cả tháng.

Bên cạnh khách Nga, khách từ những nước nói tiếng Nga khác như Ukraine, Kazakstan, Belarut, Latvia, Estonia cũng tăng.

Theo Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Bình Thuận, địa phương hằng năm thu hút khá đông lượng khách châu Âu nói chung và các nước thuộc khối Liên Xô cũ đi du lịch nghỉ dưỡng, trú đông. Từ lâu các du khách nước ngoài cũng xem khu vực Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết) như là “Matxcơva ở VN”.

Cùng với sự gia tăng khách nói tiếng Nga, nhu cầu tuyển dụng nhân viên, đào tạo tiếng Nga cho nhân sự ngành du lịch cũng tăng lên. Tại Công ty du lịch lữ hành Thế Giới Mới (P.Hàm Tiến, TP Phan Thiết), những nhân viên ở đây cho biết 90% khách đến đặt tour tại công ty là khách Nga. Tuy nhiên không ai ở đây được học tiếng Nga bài bản và chủ yếu học lỏm qua quá trình tiếp xúc nhiều với du khách. “Lúc trước tôi có tham gia một lớp học tiếng Nga do một du khách mở lớp dạy tự phát. Học một thời gian ngắn thì lớp nghỉ. Nếu có lớp học tổ chức vào giờ rảnh rỗi, vắng khách thì tôi sẽ đi học lại”, nữ nhân viên tiếp tân của Thế Giới Mới cho biết.

Các quán xá tại khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, các bảng hiệu quảng cáo ngoài tiếng Anh đều có thêm tiếng Nga. Nhiều nơi chỉ để tiếng Nga và chuyên phục vụ các dịch vụ, món ăn cho khách Nga. Những tờ rao tuyển nhân viên được dán nơi này nơi kia cũng ghi rõ ưu tiên người biết ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nga. Ông Hoàng Văn Toàn - trưởng phòng nghiệp vụ du lịch thuộc Sở Văn hóa - thể thao & du lịch Bình Thuận, nhìn nhận nhu cầu lao động biết tiếng Nga gia tăng hằng năm, song hiện nay cơ quan này vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể mà chỉ biết được qua tình hình tuyển dụng ở một số nơi.

Để đáp ứng nhu cầu lao động tiếng Nga, nhiều công ty đã chủ động đưa ra kế hoạch tự đào tạo tiếng Nga cho nhân viên hiện có của mình khi không thể tuyển được từ bên ngoài. Trưởng bộ phận nhân sự của Sealink City - khu resort lớn nhất khu vực Hàm Tiến - Mũi Né, cho biết đơn vị này chuẩn bị thuê một giáo viên tiếng Nga để đào tạo cho nhân viên công ty.

Mục tiêu: 50% nhân lực du lịch biết tiếng Nga

Cần khoảng 300 người giỏi tiếng Nga

Ông Nguyễn Văn Khoa, chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, cho biết ngành du lịch của tỉnh hiện có khoảng 10.000 lao động, với mức thu nhập trung bình từ trên 4-5 triệu đồng/người/tháng. Ông Khoa đánh giá nhu cầu tuyển lao động nói tiếng Nga giỏi khá lớn, với trên 140 cơ sở du lịch hiện có cần gần 300 người nói giỏi tiếng Nga. Bình Thuận những năm gần đây thu hút nhiều khách quốc tế đến nghỉ dưỡng nên lực lượng lao động biết nói tiếng Anh cũng tìm đến xin việc. Tuy nhiên tiếng Nga thì còn ít người biết. Để phục vụ khách Nga, nhiều cơ sở hiện nay thuê người Nga hướng dẫn đoàn khách, làm việc mang tính chất thời vụ.

UBND tỉnh Bình Thuận hiện đang lập đề án xây dựng khu vực Mũi Né - Hàm Tiến thành khu du lịch quốc gia, điểm du lịch đảo Phú Quý và đầu tư phát triển TP Phan Thiết thành đô thị du lịch. Kế hoạch nhân sự ngành du lịch tiếng Nga cũng được tỉnh chú trọng và mới đây nhất UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch phê duyệt dự án đào tạo tiếng Nga ngành du lịch giai đoạn 2013-2015, với tổng kinh phí trên 4 tỉ đồng.

Mục tiêu cụ thể của dự án là đến năm 2015 có 50% cán bộ công chức, viên chức làm ngành du lịch có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nga, 50% trong số đó giao tiếp tốt bằng tiếng Nga; 60% cán bộ quản lý các bộ phận phục vụ khách ở các cơ sở lưu trú du lịch có đón khách nói tiếng Nga có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nga; 50% nhân viên phục vụ ở các bộ phận trực tiếp phục vụ khách giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nga, 30% trong số đó giao tiếp tốt bằng tiếng Nga, 50% hướng dẫn viên, thuyết minh viên giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nga, 50% trong số đó giao tiếp tốt bằng tiếng Nga; 50% lao động ở các cơ sở kinh doanh mua sắm, ăn uống, vận chuyển... phục vụ khách du lịch ở các địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng Nga, trong đó có 10% giao tiếp tốt bằng tiếng Nga.

UBND tỉnh Bình Thuận cho biết đề án này ngoài việc đáp ứng nhu cầu phục vụ hiện tại của thị trường khách các nước nói tiếng Nga, còn giúp du khách có ấn tượng tốt và lưu trú lâu hơn, quay lại nhiều lần hơn, góp phần phát triển bền vững ngành du lịch của tỉnh. Kế hoạch lâu dài của tỉnh là qua dự án này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tiến tới phát triển Bình Thuận thành trung tâm du lịch lớn của cả nước.

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên