02/01/2021 08:17 GMT+7

Thành phố mới, động lực mới

T.DUNG - K.YÊN ghi
T.DUNG - K.YÊN ghi

TTO - TP Thủ Đức chính thức thành lập ngày 31-12-2020 là TP trong TP đầu tiên của cả nước, dự kiến đóng góp khoảng 7% GDP cả nước. TP mới này là động lực mới để TP.HCM tăng trưởng nhanh và bền vững.

Thành phố mới, động lực mới - Ảnh 1.

TP mới Thủ Đức với nhiều tiềm năng và kỳ vọng phát triển kinh tế - Ảnh: TỰ TRUNG

Ùn tắc, tai nạn giao thông sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của TP Thủ Đức. Cần sớm giải quyết những vướng mắc, khó khăn, khắc phục các điểm đen tai nạn giao thông, thúc đẩy các tuyến đường vành đai.

Ông Nguyễn Ngọc Tường (phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM)

Người dân mong gì ở TP mới? Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của bạn đọc, những cư dân TP Thủ Đức.

* Bạn đọc Trần Minh Hiệp (Q.2): Trước hết phải nâng cấp hạ tầng

Những năm qua, chúng ta đã thấy khu Đông Sài Gòn trở thành vùng đất năng động, hiện đại. Đi cùng với đó là sự quá tải hạ tầng. Dù là cửa ngõ giao thông quan trọng của TP.HCM và cả khu vực Đông Nam Bộ nhưng các trục đường từ TP Thủ Đức kết nối trung tâm TP.HCM và liên kết vùng không chỉ thiếu mà còn đang quá tải trầm trọng, kẹt xe ngày càng nhiều hơn, hạ tầng không đuổi kịp nhu cầu đi lại, vận tải.

Đường Lương Định Của (Q.2) chỉ vài kilômet nhưng làm mãi chưa xong. Gần đó, con đường Mai Chí Thọ kẹt xe như cơm bữa. Ngày cuối tuần, vào giờ cao điểm, xe máy, ôtô, xe container vào cảng chen chúc nhau, khói bụi, còi xe inh ỏi. Ngay cả đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây kẹt xe hàng giờ đồng hồ không là chuyện lạ. 

Đường Đỗ Xuân Hợp, Nguyễn Duy Trinh (đoạn vào cảng Phú Hữu) chật hẹp, mặt đường chỉ tầm 7-8m, tai nạn chết người rình rập mỗi ngày. Hai tuyến này chưa thoát khỏi danh sách điểm đen tai nạn giao thông.

Nhiều tuyến đường Q.Thủ Đức đối mặt ngập nước quanh năm, tiêu biểu như tuyến Võ Văn Ngân. Mưa xuống, xe máy bì bõm trong nước chảy xiết, đồ đạc trong nhà cũng hư hỏng. Trong khi đó, dự án hạ tầng giao thông ở đường Nguyễn Thị Định, Lương Định Của, nút giao Mỹ Thủy... vẫn chưa xong. Vành đai 3 là tuyến cần sớm khép kín phục vụ đi lại, là huyết mạch kết nối giao thông liên vùng Đông Nam Bộ chưa thể khép kín.

Muốn phát triển TP Thủ Đức, phải giải quyết cho được những vấn đề này. Trước hết, phải nâng cấp cơ sở hạ tầng. Chúng ta phải có cơ chế đặc thù ưu tiên nguồn vốn, nhân lực vào đây. Tập trung nguồn lực xây dựng mới, hoàn thành các dự án làm cầu, làm đường kết nối giải quyết kẹt xe, ngập nước. 

Kế đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng, bổ sung mảng xanh. TP cũng nên phát triển thêm mạng lưới giao thông thủy (taxi thủy, xe buýt đường sông...) khai thác lợi thế giao thông, du lịch thủy...

* Bạn đọc Nguyễn Tử (P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9): Mong chất lượng cuộc sống tốt hơn

Tôi sống nhiều nơi ở Thủ Đức 45 năm qua, từng chứng kiến huyện Thủ Đức tách thành ba quận năm 1997, rồi nay từ ba quận sáp nhập thành TP Thủ Đức. Vẫn là cái tên Thủ Đức nhưng "TP Thủ Đức" gợi lên nhiều điều. 23 năm phát triển, Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức mỗi nơi một vẻ nhưng có điểm chung đều là sự chuyển mình phát triển, đô thị hóa nhanh chóng. 

Trên vùng đất xưa nhưng khi ba quận sáp nhập lại thành TP, mang một sứ mệnh, tầm vóc mới. Những mục tiêu và kỳ vọng của lãnh đạo TP.HCM đặt ra cho vùng đất giàu truyền thống xưa làm những người Thủ Đức như tôi hân hoan.

Ở TP mới, tôi mong chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được tốt hơn, phố phường đều có thêm công viên cây xanh, sân chơi cho trẻ em, thanh niên, người già có điều kiện vui chơi, tập thể thao. Đường sá được mở rộng hơn để đáp ứng kịp tốc độ phát triển đô thị.

Tôi mong tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhanh chóng hoàn thành sẽ làm thay đổi rõ rệt bộ mặt đô thị ở TP Thủ Đức, giảm lượng xe máy chen chúc ra - vào trung tâm TP.HCM mỗi ngày. Mong TP mới phát triển giao thông công cộng để giảm khói bụi, nâng chất lượng không khí. Và cuộc sống của người dân nơi đây dần dần nâng cao hơn.

* Bạn đọc Nguyễn Huy Thoại (P.Bình An, Q.2): TP thông minh trong thủ tục và quy hoạch

TP Thủ Đức được hình thành dựa trên những hạt nhân về tri thức và công nghệ cao bậc nhất của TP.HCM, tôi mong TP vận hành theo mô hình TP thông minh đúng nghĩa. Mong bộ máy hành chính áp dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để phục vụ người dân, cũng là phục vụ sự phát triển TP.

Hi vọng một ngày không xa, người dân, doanh nghiệp ngồi nhà cũng có thể dễ dàng làm thủ tục hành chính và nhận kết quả nhanh chóng, không phải chờ đợi các bước thủ công trên giấy như hiện nay. 

Tôi mong các ngành cùng phối hợp với nhau để không còn cảnh chồng chéo về thủ tục, một thủ tục phải đi nhiều nơi mới xong... Tôi mong các kế hoạch đầu tư và các công trình, dự án tại TP mới nên được công khai để người dân được biết, được đóng góp ý kiến và giám sát quá trình thực hiện.

Điều tôi mong mỏi nhất ở TP Thủ Đức là việc quy hoạch TP có tầm nhìn dài hạn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, chính sách kinh tế nhất quán... Quy hoạch TP mới phải có kế hoạch thực hiện và phải được tuân thủ nghiêm ngặt để không còn cảnh quy hoạch treo, dự án treo. 

Người dân xây dựng, đầu tư lâu dài, không lo lắng về chuyện nay xây mai sửa, giải tỏa, di dời. Các nhà đầu tư phải được đánh giá năng lực tài chính kỹ trước khi được giao dự án để hạn chế trường hợp dự án dang dở hay công trình giữa chừng phải thay chủ đầu tư.

Cần cơ chế đặc thù

TP.HCM đã có những kế hoạch tập trung toàn lực cho phát triển hạ tầng giao thông ở khu vực cửa ngõ phía Đông, giải quyết các vấn nạn giao thông ùn tắc, ngập nước... xây dựng TP Thủ Đức đúng quy hoạch đề ra.

Trong đó chú trọng hoàn thiện các công trình giao thông trọng điểm như vành đai 2, đường Nguyễn Thị Định... Đó là hệ thống đường trục, ngoài ra đường xương cá như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Hoàng Hữu Nam cũng được đầu tư, nâng cấp.

Hiện có hai nguyên nhân khiến các dự án bị chậm là nguồn vốn và giải phóng mặt bằng. Trong thời gian tới, nguồn vốn xây dựng dự án ở TP Thủ Đức cần được ưu tiên hơn nữa. Điều đáng mừng là nghị quyết 27 vừa mới được ban hành có điểm mới ưu tiên TP.HCM thí điểm cơ chế giải phóng mặt bằng mới. Hi vọng với quy định mới này, chúng ta sẽ lập ra được quy trình giải phóng mặt bằng rút gọn thời gian, có mặt bằng sạch để thêm nhiều dự án có thể về đích.

Ông Lương Minh Phúc (giám đốc Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM)

Ngày 7-2, bộ máy của TP Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động Ngày 7-2, bộ máy của TP Thủ Đức sẽ chính thức đi vào hoạt động

TTO - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết như vậy tại lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức, sáng 31-12.

T.DUNG - K.YÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên